Trong tình trạng dịch bệnh do virus corona lan rộng ở nhiều quốc gia và số trường hợp mắc bệnh ngày càng gia tăng, những bố mẹ có con nhỏ đặc biệt lo lắng cho sức khỏe của con mình bởi cùng với người già, trẻ nhỏ là đối tượng có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp nói chung và bệnh do virus corora gây ra nói riêng.
Để phòng ngừa virus corona lây lan cho con, những ngày qua, ngoài việc săn lùng mua khẩu trang thì nước rửa tay khô hay dung dịch sát khuẩn nhanh cũng được các mẹ bỉm sữa đua nhau mua cho con sử dụng. Vậy nên chọn loại nước rửa tay khô nào cho trẻ mới phòng bệnh hiệu quả?
Chọn loại nước rửa tay khô nào cho trẻ?
Nước rửa tay khô, loại dung dịch dùng để làm sạch tay mà không cần rửa lại với nước được các mẹ tin là "cứu cánh" cho trẻ nhỏ khi không thể rửa tay.
Theo bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng (đang sinh sống và làm việc tại bang Texas (Mỹ) : "Bố mẹ chỉ cần lựa chọn các loại dung dịch rửa tay khô chứa cồn 60%-75% là được. Dung dịch này tiêu diệt được hầu hết các loại virus, nên có tác dụng rất tốt phòng ngừa lây lan thời corona. Phòng thí nghiệm của Trung Quốc cũng cho biết là dung dịch chứa cồn 75% diệt virus corona tốt". Tuy nhiên, khi dùng dung dịch rửa tay khô, nên nhắc trẻ chà xát lên mọi chỗ trên bàn tay và cổ tay trong ít nhất 20 giây.
Thành phần chính của nước rửa tay khô là cồn và hóa chất. Trong khi đó trẻ nhỏ dưới 1 tuổi lại rất hay đưa tay lên miệng. Vì thế, vấn đề quan tâm của các mẹ có con nhỏ là những loại nước rửa tay khô chứa cồn 60%-70% này có an toàn với trẻ nhỏ hay không? Giải đáp vấn đề này, bác sĩ Nhi khoa Phí Văn Công (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) cho biết: "Trẻ em dưới 2 tháng tuổi không nên dùng các loại nước rửa tay khô có chứa Chlorhexidine. Khi mua nước rửa tay cho trẻ, bố mẹ nên đọc kĩ thành phần của mỗi loại".
Trên thị trường hiện nay còn bán một số loại nước rửa tay khô chuyên dùng cho các bé, được quảng cáo là an toàn cho trẻ từ 3 tháng tuổi "Giúp diệt tới 99,9% virus và vi khuẩn bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh cúm H1N1, vi khuẩn đường ruột E.Coli, Salmonella, Listeria và cúm heo". Bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết: "Chất Benzokolnium Cholired có trong sản phẩm này khi sử dụng nhưng lâu dài sẽ có hại cho trẻ, hơn nữa nó có thể không diệt được virus".
Không có nước rửa tay khô thì cho trẻ dùng gì?
Bản chất của những loại nước rửa tay khô hiện nay chỉ hơn cồn ở chỗ có chất tạo mùi, chất làm mềm tay chứ không liên quan gì đến khả năng sát trùng, khử khuẩn virus corona. Do đó, bác sĩ Phí Văn Công khuyến cáo, trong trường hợp không có nước rửa tay khô, bố mẹ có thể sát trùng tay cho con bằng cồn 70 độ là được. "Dùng cồn 70 độ để sát khuẩn da thì an toàn. Với trẻ em cũng an toàn. Cồn 70% là cồn + nước, cồn bay hơi nhanh nên không cần rửa lại với nước. Có thời gian thì rửa tay bằng nước và xà phòng thường, không cần sát khuẩn lại bằng cồn nữa", bác sĩ Phí Văn Công hướng dẫn.
Rửa tay với nước và xà phòng là cách phòng bệnh tốt hơn cả
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm rằng nước rửa tay khô hay các dung dịch sát khuẩn nhanh không thay thế việc rửa tay khi bị bẩn thực sự, nhưng về mặt bệnh do virus hoặc vi khuẩn, đó là một cách tuyệt vời để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Riêng với trẻ nhỏ, bản chất làn da trẻ là non yếu và dễ bị kích ứng, nếu sử dụng quá thường xuyên nước rửa tay khô, lượng cồn có trong đó sẽ làm khô da bé và bong tróc. Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo rằng rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước là cách đơn giản, tiết kiệm và hữu hiệt nhất để phòng ngừa bệnh tật.
Bố mẹ cần tập cho con thói quen rửa tay thật kỹ bằng xà phòng thường xuyên trong ngày, đặc biệt phải rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hay hắt hơi... Khi dùng xà phòng rửa tay thật kỹ trong 20 giây và xả dưới vòi nước sạch, mầm bệnh sẽ theo dòng nước bị cuốn trôi. Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh dịch bệnh, hãy dạy trẻ tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng.
Vài nét về tác giả
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng là một bác sĩ nhi khoa người Việt đang sinh sống và làm việc tại bệnh viện của bang Texas (Mỹ). Tự nhận mình là người "hay lo chuyện bao đồng", bác sĩ đã chia sẻ rất nhiều bài viết hay dưới góc nhìn khoa học rất bổ ích cho các mẹ nuôi con nhỏ.
Trên aFamily, bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ TẠI ĐÂY.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.