Khu vườn rộng 300m2 sum suê rau trái, mùa nào thức nấy, tươi tốt um tùm của mẹ đảm 4 con ở Quảng Ninh

(lamchame.vn) - Khởi phát từ mong muốn cả nhà sẽ có những bữa ăn an toàn, chị Yến Phương đã dày công cải tạo lại mảnh đất rộng 300m2 thành khu vườn rau trái sạch tươi, ai nhìn cũng mê mẩn, ngất ngây.

Với những người sống ở thành phố, rau sạch gần như là một món quà quý. Ở nơi đây, rau chủ yếu được nhập từ nơi khác và mang về bày bán ngoài chợ. Cũng vì thế mà ngày càng có nhiều người muốn tự trồng rau ở nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này, phần vì không có diện tích để trồng trọt, phần vì không có thời gian chăm sóc, còn phần nữa vì đây là công việc không phải ai cũng làm được.

Thế nhưng, chị Yến Phương (sinh năm 1985) - bằng tất cả sự khéo léo, ham tìm tòi và học hỏi của mình đã quy hoạch mảnh đất rộng 300m2 và "hô biến" nó trở thành một "trang trại thu nhỏ" ngay tại căn nhà của mình ở thành phố Quảng Ninh.

Khu vườn rộng 300m2 của chị Phương sum suê rau trái quanh năm.

Bí quyết để dù không biết trồng trọt là gì vẫn hái được "trái ngọt" ngay từ lần đầu tiên

Tự nhận bản thân không hề biết đến trồng trọt là gì cho đến khi tự tay quy hoạch mảnh vườn rộng 300m2, chị Yến Phương chia sẻ, đó cũng là lý do khiến chị gặp khá nhiều khó khăn khi mới bắt đầu.

"Vì trước đó chưa từng có kinh nghiệm trồng trọt nên mình gặp nhiều khó khăn khi mới bắt đầu. Thậm chí, nhiều lần gieo hạt còn không lên mầm. Mảnh vườn có chất đất ban đầu khá cằn cỗi, chủ yếu là đất sét và sỏi. Vì thế nên mình tốn khá nhiều thời gian, công sức để cải tạo đất, giúp cây cối phát triển tốt", chị Phương nói.

Nhìn tổng thể từ trên cao, khu vườn tựa như một trang trại thu nhỏ với 4 ô chuyên biệt: 1 ô trồng rau thời vụ, 1 ô chuyên trồng những loại cây leo giàn, 1 ô trồng cây ăn quả, còn lại làm chuồng chim và chuồng gà lấy trứng.

Bên cạnh vườn rau, chị Phương còn trồng thêm dãy hồng canh vườn để thư giãn mỗi khi rảnh rỗi còn phía bên ngay hiên nhà cũng được thiết kế thêm một ao cá nhằm phục vụ cho sở thích của chồng.

Nhờ bàn tay khéo léo, khu vườn nhà chị Phương rất gọn gàng, 4 mùa rực rỡ với những loại rau củ, hoa quả theo mùa.

Chia sẻ về cách chăm sóc khu vườn hàng ngày, chị Phương cho biết, mỗi ngày chị thường dành từ 1 đến 2 tiếng để làm vườn. Vợ chồng chị cũng thường cất công về những vùng nông thôn để tìm mua trấu, phân động vật để trộn cùng trùn quế, xơ dừa, bã đậu giúp có thêm nhiều chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.

Ngoài ra, chị Phương cũng tận dụng luôn phần "rác" bỏ đi như vỏ hoa quả, vỏ trứng, rau thừa trộn thêm nấm Trichoderma để ủ phân. Sau đó chị hòa lấy nước để tưới cây.

Với ngần đấy đầu việc và công đoạn, nghe qua thôi cũng sẽ cảm nhận được sự khó khăn và buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian, tâm huyết cỡ nào. Tuy nhiên, trái ngược với sự nản lòng dễ nảy sinh ở nhiều người, chị Phương tâm sự, càng làm chị lại càng thấy yêu cây trái, càng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đến dễ dàng hơn.

"Khi tự tay chăm bẵm cây hoa, ngắm nhìn chúng từ một hạt mầm nhỏ xíu đến ngày cho 'trái ngọt' làm mình càng thêm yêu khu vườn. Mình muốn làm điều gì đó để nâng niu, để lưu giữ những thành quả tuyệt vời của tạo hoá.

Chính vì vậy, những “tác phẩm” được ra đời. Và mỗi lần nhìn ngắm những tác phẩm đó, mình lại càng có thêm động lực để làm vườn, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho gia đình, mà còn góp phần nhỏ xíu giúp mọi người có thêm một góc nhìn khác về trái cây, rau củ, hoa lá".

Rau trái trong khu vườn nhà chị Phương lúc nào cũng tươi mơn mởn, màu sắc đẹp mắt.

Hơn thế, mỗi loại cây trong khu vườn nhà, chị Phương cũng trồng rất nhiều giống cây khác nhau, thậm chí chị còn thử thêm cả những loại lạ mắt như bắp cải tím, cải xoăn,...

Từ những loại rau quả, cây trái dễ trồng đến khó trồng, giống cũ hay giống mới, chị Phương đều thử và dành thời gian lựa chọn cách chăm thích hợp để chúng phát triển tốt nhất.

Sở dĩ, khu vườn nhà chị Yến Phương được ví như một "trang trại thu nhỏ" là bởi có đầy đủ tất cả các loại rau và cây ăn quả. Để an toàn và thuận tiện trong công cuộc chăm trồng, chị Phương thường trồng các loại rau theo mùa như: Rau ngót, rau khoai, mùng tơi, rau dền, rau đay, rau cải. Các loại cây leo giàn như: Bầu, bí, mướp…. Các loại củ quả như: Su hào, đậu cove, cà tím, cà chua… Cây ăn quả như: Dâu tây, mít, chuối, đu đủ, táo, bơ, bòng, bưởi, cam, khế, hồng xiêm, sung Mỹ, na, roi, dưa hấu, dưa gang, xoài, vú sữa… Ngoài ra, khu vườn còn có rất nhiều các loại rau gia vị như: Diếp cá, lá mơ, tía tô, húng…

Tuy vậy, hành trình tạo nên 1 khu vườn không chỉ có gieo trồng, vun tưới mà còn phải tìm được cả các phương pháp trị bệnh thích hợp những khi cây cối không may "mắc bệnh" nữa.

"Về phương pháp trị bệnh, tùy vào từng trường hợp, từng loại cây, loại rau, loại hoa mà mình sẽ chọn cách thích hợp nhất. Vì trồng cho gia đình thưởng thức nên mình sẽ ưu tiên sử dụng các nguyên liệu an toàn cho sức khỏe để trị sâu bệnh cho khu vườn", chị Phương bật mí.

Với lượng rau trái này, nhà chị Phương có thể ăn quanh năm mà không cần mua thêm bất cứ thứ gì ở ngoài.

Bên cạnh đó, để phòng trừ sâu bệnh cho cây, chị Phương áp dụng các phương pháp đơn giản, an toàn như dùng vôi bột, thuốc lào, hay cả nước súc miệng Listerine, sữa chua không đường... Tùy theo loại sâu bệnh chị sẽ pha theo tỉ lệ, công thức riêng. Không chỉ thế, chị Phương cũng cho biết, việc chăm chỉ tỉa bớt lá, để cây thoáng gốc cũng sẽ hạn chế được nhiều sâu bệnh.

Ngoài ra, trong thời gian chăm sóc vườn, chị Phương cũng hướng dẫn các con cùng làm với mẹ. Thói quen này vừa gắn kết tình cảm gia đình, lại hạn chế việc các bé xem tivi, điện thoại; đồng thời cũng giúp các bé có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây trái.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang