Kinh nghiệm đi lễ chùa Yên Tử đầu năm ai cũng nên biết

Chùa Yên Tử được mệnh danh là “Đất tổ Phật giáo Việt Nam” với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt lại nô nức rủ nhau đi lễ chùa đầu năm như một cách để làm thanh tịnh tâm hồn và cầu mong cho một năm mới thuận lợi, bình an. Vào dịp này hầu hết các ngôi chùa trên khắp cả nước đều đông đúc phật tử và người dân khắp nơi về làm lễ. Trong đó, chùa Yên Tử là một trong những ngôi chùa thu hút đến hàng triệu lượt khách tham quan.

Chùa Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh là một trong những ngôi chùa lớn tại Việt Nam. Ngôi chùa này nằm trên đỉnh núi cao, được bao bọc với rừng cây cổ thụ. Theo nhiều người dân cho biết, chùa Yên Tử nổi tiếng là linh thiêng và có lịch sử rất lâu đời. Đỉnh Yên Tử đã trở thành trung tâm Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng và quyết định tu hành, lập ra giáo phái Phật giáo có tên Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Lễ hội chùa Yên Tử

Trong suốt cả năm, thời điểm nào cũng có người tới Yên Tử hành lễ, nhưng thời điểm đông nhất là vào lễ hội Xuân. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Vào thời điểm lễ hội, số lượng người đổ về Yên Tử du xuân vô cùng đông đảo.

Nên đi du xuân chùa Yên Tử trong bao lâu?

Thời gian thích hợp nhất để du xuân Yên Tử là một ngày một đêm. Nếu không có nhiều thời gian bạn có thể đi về trong ngày. Tuy nhiên, leo chùa Yên Tử khá mất sức đối với người bình thường, thế nên nếu đi 2 ngày 1 đêm bạn sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Thêm vào đó, không khí tại Yên Tử vô cùng trong lành và dễ chịu, nghỉ chân tại đây buổi tối sẽ cho bạn thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Những ngày cuối tuần chùa Yên Tử đông vô cùng, nếu bạn thu xếp đi vào những ngày trong tuần sẽ yên tĩnh và vắng vẻ hơn rất nhiều.

Chuẩn bị gì khi đi du xuân chùa Yên Tử?

Chùa Yên Tử nổi tiếng với đỉnh Phù Vân huyền thoại. Trước kia để leo lên tới đỉnh bạn buộc phải leo theo đường mòn lên núi, vượt qua rừng trúc, rừng thông và những mỏm đá cao. Tuy nhiên, hiện nay đã có hệ thống cáp treo hiện đại giúp bạn nhanh chóng vượt qua quãng đường hơn 1km để ngắm nhìn núi rừng Yên Tử linh thiêng từ trên cao. Kết thúc hành trình với cáp treo bạn sẽ có một quãng đường đi bộ để tới các điểm tham quan. Mặc dù vậy không ít người vẫn lựa chọn leo bộ theo đường mòn truyền thống để tận hưởng hết vẻ đẹp của núi rừng Yên Tử cũng như thể hiện tấm lòng thành kính hướng tới Phật tổ.

Vì chùa Yên Tử nằm trên đỉnh núi cao, vì thế nếu đi du xuân tại đây bạn nên chuẩn bị một đôi giày thể thao mềm mại, thoải mái và trang phục thật gọn gàng. Bạn cũng nên đeo balo để mang theo nước uống và một chút đồ ăn dọc đường và dụng cụ cá nhân. Ngoài ra bạn cũng nên mang theo tiền mặt để sử dụng khi cần thiết. Không nên mang thẻ ATM bởi tại nơi rừng núi bạn sẽ không thể tìm được cây rút tiền.

Những điểm tham quan tại chùa Yên Tử

Tới Yên Tử ngoài việc lễ chùa bạn còn có thể tham quan rất nhiều điểm thú vị như:

- Chùa Trình/Đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử.

- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: đây là nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.

- Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.

- Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần ở Nam Định.

- Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa là nơi Phật Hoàng giảng đạo.

- Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát.

- Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.

- Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ.

- An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn.

- Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang