La mắng trẻ có thể gây hại như bạo hành

(lamchame.vn) - Một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng việc la mắng trẻ em nên được công nhận là một hình thức ngược đãi.

La mắng trẻ có thể gây hại như bạo hành - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images/iStockphoto)

Đây là nghiên cứu mới do tổ chức từ thiện Words Matter của Anh ủy quyền, cho thấy việc la mắng trẻ em có thể gây hại với mức độ tương tự như lạm dụng tình dục và bạo hành. Tổ chức này sau đó kêu gọi công nhận việc la mắng trẻ như một "hình thức ngược đãi".

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học từ Đại học Wingate và Đại học College London đã phân tích 149 nghiên cứu định lượng và 17 nghiên cứu kiểm tra bạo hành lời nói ở trẻ em. Theo đó, những người la mắng trẻ phổ biến nhất là phụ huynh, các bà mẹ và giáo viên.

Tổ chức nghiên cứu này cho biết việc la mắng trẻ thường xuyên có thể ảnh hưởng tâm lý và kéo dài tới suốt cuộc đời của trẻ. Thậm chí, một số hậu quả tiềm ẩn về mặt cảm xúc, tâm lý có thể gây ra béo phì, tăng nguy cơ tức giận, lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm và tự làm hại bản thân.

Ở thời điểm hiện tại, bốn loại ngược đãi trẻ em được công nhận là: bạo hành thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm và bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, với nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học này đang kêu gọi công nhận việc la mắng trẻ cũng là một loại ngược đãi.

Cũng trong nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết tình trạng lạm dụng tình cảm ở trẻ em đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau này của con trẻ.

"Sự tập trung vào việc cảnh giác với bạo hành lời nói ở trẻ em có thể tạo nên những thay đổi sâu sắc, hỗ trợ cho những nỗ lực của chúng tôi nhằm xác định, ứng phó với nguy cơ này một cách hiệu quả và kịp thời", giáo sư Peter Fonagy - đồng tác giả nghiên cứu - nhận định.

Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu cũng đề xuất các bậc phụ huynh và người lớn tìm hiểu kĩ lưỡng về "tầm quan trọng của sự an toàn, hỗ trợ và nuôi dưỡng trong quá trình giao tiếp bằng lời nói với trẻ em".

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang