Làm gì khi con phung phí, không biết giá trị đồng tiền?

(lamchame.vn) - Nhiều phụ huynh chủ quan, không lưu ý chuyện này đến khi con đã hình thành thói quen phung phí tiền bạc thì không thể uốn nắn được nữa

Chị Trang (quận 12, TP HCM) cho biết chưa nay tất cả những nhu cầu của con từ thức ăn, quần áo đến chuyện học hành của hai con trai 8 tuổi và 12 tuổi đều một tay chỉ lo. Con chị tuy lớn nhưng rất ít khi sử dụng trực tiếp đồng tiền, mà có nhu cầu gì chỉ thông qua mẹ. Điều này khiến các con không hiểu được giá trị món đồ ba mẹ cung cấp, coi thường giá trị của đồng tiền. “Con thấy các bạn mang giày, nón hiệu loại nào cũng về đòi ba mẹ mua, bạn đổi kiểu giày cũng về xin tiền đi sắm bằng được. Tôi rất lo lắng vì con lớn 12 tuổi hay đua đòi, coi thường giá trị đồng tiền”, chị nói.

Khi biết được giá trị đồng tiền, nghĩa là tiền kiếm được bằng cách nào, từ đâu, cần bao nhiêu công sức để cung cấp cho hoạt động cả ngôi nhà, trẻ sẽ biết quý trọng tiền hơn. Khi đó, các con sẽ thận trọng trong cách đòi hỏi đồ chơi, quà tặng, quần áo, phụ kiện đắt tiền và không cần thiết.

Sự khác biệt giữa “muốn” và “cần”

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn khi sử dụng từ “muốn” và “cần”. Họ hay dùng những câu như: “Tôi cần một chiếc váy mới để bận đi đám cưới”, hay “Tôi cần bộ rèm mới cho gia đình”, nhưng thực chất đó chỉ là những thứ họ muốn. Với con trẻ cũng vậy, chúng cũng muốn tráo đổi nghĩa của muốn và cần nhằm phục vụ niềm vui của bản thân như người lớn.

Những cách dạy con giá trị đồng tiền:

Cho một khoản tiền tiêu vặt

Tiền tiêu vặt là một khoản tiền cá nhân của trẻ, để các con có thể mua bất cứ thứ gì theo ý muốn bản thân. Quy định thời gian sử dụng số tiền, khi con tiêu hết, phụ huynh đừng cho thêm. Khi con dùng hết số tiền này để mua kem, tức là chúng không thể mua kẹo được nữa. Từ đó, chúng có được bài học tiết kiệm và quản lý tiền bạc một cách thông minh.

Làm gương cho con

Nếu cha mẹ hay vung tiền vào những thứ không cần thiết, không ý thức tiết kiệm, thì con cái cũng học theo y vậy. Đặc biệt, người mẹ phải thể hiện mình là một người phụ nữ giỏi tính toán, biết cân nhắc cái gì cần, không cần trước khi chi tiền. Các con sẽ nhìn vào mẹ mà làm theo. Ngoài ra, bố mẹ cũng nắm vững tiền bạc trong gia đình, không bao giờ cằn nhằn về tài chính trước mặt con.

Đặt mục tiêu tiết kiệm

Khi con bạn quen với ý niệm về tiền tiêu vặt, cha mẹ có thể thách bé đạt được mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng. Bắt đầu từ 5% tiền tiêu vặt và tăng dần sau đó.

Dẫn con đi theo khi mua sắm

Hãy rủ con cùng đi siêu thị. Khi con cầm và chọn mua một món đồ, hãy nhắc con xem thử mình có thực sự cần phải chi tiền cho nó không, hay những cái ở nhà hiện có đã đủ. Nếu trẻ bỏ xuống, tức đã tìm được lựa chọn rẻ hơn hoặc nhận ra đồ dùng cũ ở nhà vẫn còn sử dụng được.

Chỉ ra thực tế khác viễn tưởng

Trẻ em dễ dàng bị cuốn hút bởi các quảng cáo truyền hình. Những tiếng leng keng và hình ảnh hấp dẫn giúp chúng thúc giục bố mẹ mua cho bằng được. Ví dụ, chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa có thực sự cần? Con sẽ chơi trong vòng bao lâu? Hãy chỉ ra cho con thấy rằng nó chạy bằng pin và sẽ thu hút nhiều chi phí hơn.

Nói với con về kế hoạch tiết kiệm tiền của cha mẹ

Khi con đòi mua đồ, cha mẹ cần chỉ ra rằng gia đình cần tiết kiệm để nộp học phí cho con, để dành cho con vào đại học. Ngoài ra, hãy giải thích cho con rằng ba mẹ tiết kiệm tiền để phòng khi gia đình có chuyện bất trắc.

Cổ vũ chuyện con “kiếm tiền”

Nếu được, hãy giúp con lên ý tưởng lao động nhẹ nhàng và kiếm được một ít tiền. Có thể trong kỳ nghỉ hè, cho con theo phụ giúp một số công việc nhẹ nhàng như phụ rửa chén, rửa xe để kiếm một ít tiền. Bằng cách này, con bạn biết mình đã làm việc cật lực như thế nào để có được đồng tiền, từ đó tránh lãng phí.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang