Một bài chia sẻ gần đây từ Hiệu trưởng Hạ Thanh Phong của Trường Trung học Bắc Kinh, Trung Quốc thu hút sự chú ý. Trong đó, ông cho rằng, đối với việc nuôi dạy trẻ em, giáo dục trường học và giáo dục gia đình có nhiều điểm tương đồng.
Đầu tiên, cha mẹ phải thực sự quan tâm đến con cái
Khi còn là học sinh, mối quan tâm lớn nhất của chúng ta ở trường là "giáo viên có quan tâm đến mình hay không". Tương tự như vậy, mối quan tâm lớn nhất của trẻ em ở nhà là "liệu cha mẹ có quan tâm đến mình".
Đối với cha mẹ, để trẻ có thể cảm nhận được sự quan tâm là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của công tác giáo dục gia đình. Mỗi đứa trẻ đều muốn được cha mẹ chấp thuận. Vì vậy, trước tiên cha mẹ phải xây dựng một nền văn hóa "niềm tin" trong gia đình, tin tưởng con cái, rằng con mình có thể trở thành người giỏi nhất.
Sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái được thể hiện nhiều hơn ở cấp độ tinh thần, không chỉ giới hạn ở việc cho phép trẻ ăn ngon mặc đẹp.
Cha mẹ thông minh có thể khám phá những điểm sáng của con mình, quan sát và đánh giá cao trẻ từ nhiều góc độ, liên tục cảm thấy sự thay đổi và tiến triển từ con cái, thay vì chỉ nhìn thấy những thiếu sót.
Cha mẹ thực sự quan tâm đến con cái chủ yếu được phản ánh trong năm khía cạnh sau:
1. Cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ về mục tiêu và động lực;
2. Căn cứ vào tình hình thực tế của trẻ để xác định mục tiêu và định hướng;
3. Hướng dẫn kịp thời trong quá trình lớn lên của trẻ;
4. Thường xuyên khuyến khích trẻ;
5. Giúp đỡ khi trẻ lười biếng, bối rối hoặc gặp khó khăn.
Thứ hai, tin tưởng và buông bỏ
1. Học cách buông bỏ để trẻ phát triển
Buông bỏ để cho con cái phát triển là bước đầu tiên, nhưng cũng là bước mà nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn nhất. Lo lắng rằng con còn nhỏ chưa biết gì là tâm lý của nhiều bậc cha mẹ. Họ không dám buông nhưng lại sợ rằng khi con lớn lên sẽ dễ "vấp ngã", phải đi đường vòng. Nhưng nếu cha mẹ có thể vượt qua rào cản này, có ý thức kiên trì sẽ thực sự nuôi dưỡng sự tự chủ và độc lập của đứa trẻ.
Phụ huynh không giúp con làm mọi thứ sẽ tốt hơn cho trẻ. Chúng cần học cách tự mặc quần áo, buộc dây giày, sắp xếp ba lô để đi học. Tất nhiên, người lớn có thể làm mấy việc đó nhanh, khéo léo hơn nhưng bố mẹ nên kiên nhẫn chờ con tự tìm ra phương pháp. Hãy để con lựa chọn, dạy con tự kiểm soát và tự giác.
2. Học cách tôn trọng nhân cách của trẻ
Trước khi dạy cho trẻ làm thế nào để tôn trọng mọi người, bạn phải dành cho trẻ sự tôn trọng để thúc đẩy chúng học hỏi, điều này sẽ làm cho trẻ tự tin vào bản thân. Lòng tự trọng luôn có một vai trò quan trọng trong giao tiếp, thực tế chứng minh rằng đôi khi mọi người có xu hướng không tôn trọng người khác chỉ để che giấu họ thiếu tự tin hay lòng tự trọng. Bởi thế, bạn nên cẩn thận trong cách cư xử với con cái.
Trẻ em chỉ thực sự cảm thấy được tôn trọng khi mỗi ý tưởng và ý kiến được đưa ra, dù tốt hay xấu vẫn có thể nhận được sự động viên của cha mẹ. Chúng sẽ có động lực để phát triển, sẽ có niềm đam mê sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc, sẵn sàng khám phá và nghiên cứu những điều mới mẻ.
3. Tạo cơ hội phát triển cho trẻ
Mỗi đứa trẻ có cá tính và sở thích riêng của mình, là cha mẹ, phải dựa trên tình hình thực tế để khuyến khích con tìm thấy những gì mình thích, phù hợp với sự phát triển của riêng mình.
Thứ ba, hãy để trẻ trải nghiệm thất bại và thành công
Động lực phát triển của trẻ em, trên thực tế, chủ yếu đến từ sự khẳng định của cha mẹ về những thành công nhỏ của chúng.
1. Xây dựng "thang" cho sự phát triển của trẻ
Hiệu trưởng trường trung học Bắc Kinh đã đề cập đến khái niệm "thang" trong bài chia sẻ của mình. Mỗi khi đứa trẻ leo lên được một "bậc thang" - chinh phục được một mục tiêu, là một thành công nhỏ. Vô số thành công nhỏ tích lũy, tạo thành một sự tiến bộ đáng kể của trẻ.
Để trẻ có thể phát triển bền vững, mỗi bậc cha mẹ phải suy nghĩ về những câu hỏi này: Thứ nhất, chúng ta có cung cấp cho con cái một "bậc thang" phù hợp với sự phát triển? Thứ hai, mỗi đứa trẻ leo lên một "cái thang", cha mẹ có các sự động viên, khuyến khích, tán thưởng? Thứ ba, khi trẻ em gặp khó khăn, chúng có nghĩ đến việc tìm kiếm một "cái thang" để giúp đỡ không? Thứ tư, trẻ em có thể tìm thấy một "cái thang" như vậy trong nhà mình?
2. Tạo cơ hội thực hành cho trẻ
Cho phép trẻ trải nghiệm là điều cần thiết để phát triển. Chúng ta nên tạo ra nhiều cơ hội thực hành để trẻ trải nghiệm cả thất bại và thành công. Thực tế, trong quá trình tương tác với mọi người, trẻ cũng sẽ học được cách xử lý tình huống khó.
3. Khuyến khích trẻ học cách chia sẻ
Chúng ta nên tạo ra một bầu không khí chia sẻ bình đẳng, tự do và thoải mái cho trẻ, khuyến khích trẻ học cách chia sẻ. Khi trẻ vui vẻ chia sẻ với người khác, cha mẹ hãy thể hiện rằng mình rất tự hào về điều đó. Như vậy, trẻ sẽ muốn lặp lại hành vi này nhiều lần nữa.
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/lam-the-nao-de-nuoi-day-mot-dua-tre-xuat-sac-hieu-truong-truong-trung-hoc-noi-tieng-chia-se-3-diem-mau-chot-phu-huynh-doc-xong-vo-oa-222022128012524.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.