Chị Nguyễn Thị Thương, có con học tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), nói rằng, năm nay lớp chưa thu quỹ nhưng năm ngoái mỗi kỳ phụ huynh phải đóng 1,8 triệu đồng/học sinh. Như vậy, một học sinh phải đóng tới 3,6 triệu đồng tiền quỹ lớp/năm.
Với khoảng 50 học sinh/lớp, số tiền thu về khoảng 180 triệu đồng. Họp phụ huynh cuối năm, công khai các khoản thu chi, quỹ lớp âm đến 6 triệu. Số tiền trên được Ban đại diện cha mẹ chi vào nhiều việc như: mua hoa, quà ngày lễ cho giáo viên, Ban Giám hiệu; tiền mua điều hoà, cây nước nóng, máy chiếu, làm lại tủ đựng đồ cho giáo viên, sơn lại tường lớp học…
Đầu tháng 9, nhiều phụ huynh học sinh Trường mầm non Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) bức xúc khi được nhà trường yêu cầu đóng mỗi người 500.000 đồng để mua thêm đồ dùng học tập cho trẻ, nhưng 50% số tiền đưa về nhà trường sửa sang lại cơ sở vật chất và 50% giữ lại cho lớp mua sắm đồ dùng học tập.
Phòng GD&ĐT đã làm việc với nhà trường và phụ huynh, trong đó yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm, tiền phụ huynh đóng góp chỉ được chi những việc cần thiết cho trẻ, còn việc sửa các hạng mục khác, trường học có giải pháp khác, không được huy động từ phụ huynh.
TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư
Tại Hải Phòng, phụ huynh học sinh Trường THCS thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy phản ánh, khi làm thủ tục nhập học lớp 6 cho con, phải đóng ít nhất 2 triệu đồng cho nhà trường. Nhà trường yêu cầu phụ huynh nộp với tinh thần tự nguyện nhưng không lý giải được khoản thu 2 triệu đồng này cho nội dung gì và cũng không có phiếu thu. Sau đó, hiệu trưởng trường này bị phê bình và buộc trả lại số tiền đã thu cho phụ huynh.
Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT quy định, các khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thông tư cũng quy định rõ: “Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp giáo viên chủ nhiệm dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên cha mẹ học sinh lớp thống nhất”. Thế nhưng, trên thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn “hô” quỹ tiền triệu đồng/học kỳ/học sinh để chi nhiều khoản cho nhà trường và các phụ huynh khác chỉ được biết khi đã thực hiện xong.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.