Lao động tự do chật vật mưu sinh trong dịch Covid-19

Không có hợp đồng lao động, nơi ở cố định, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh… lao động tự do đang chật vật mưu sinh trong dịch Covid-19.

Chợ Long Biên là nơi cung cấp công việc “chủ lực” cho các lao động tự do từ ngoại tỉnh lên thành phố, tuy nhiên, thời gian này, lượng hàng về chợ giảm hẳn so với hằng năm. Cũng vì thế, lao động tự do phải cạnh tranh khốc liệt hơn để giành được công việc.

Lao động tự do chật vật mưu sinh trong dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Lao động tự do phải cạnh tranh khốc liệt hơn để giành được công việc trong dịch Covid-19.

Làm cửu vạn cũng đã được 6 năm nay nhưng đây là lúc chị Bình (quê ở Phú Thọ) cảm thấy khó khăn nhất. Mỗi lần vận chuyển thùng nhỏ có giá từ 3.000 - 5000 đồng, thùng lớn từ 5.000 - 7.000 đồng tùy kích thước và trọng lượng.

“Mặc dù việc vẫn có để làm nhưng tìm mối khó lắm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người bán ế ẩm, người đi chợ cũng vắng, tôi không có việc để làm. Mọi năm thu nhập được khoảng 3 phần thì nay được khoảng 1-2 phần”, chị Bình nói.

Nếu như đều việc, ngày làm việc của chị Bình bắt đầu từ 10 giờ tối và kết thúc lúc 7 giờ sáng. Ban ngày dành chút thời gian nghỉ ngơi, rồi lại đi lượm nhặt ve chai có thêm thu nhập đến tối lại lao đầu vào công việc khuân hàng.

Cùng làm công việc như chị Bình, chị Nhung (quê ở Hưng Yên) chia sẻ, chị bị gẫy xương đòn do di chứng của tai nạn để lại, rồi thêm lưng bị thoát vị đĩa đệm giai đoạn 3 cùng chứng đau khớp chân nên không kéo được nhiều hàng. 

Chị chỉ dùng đòn gánh buộc chặt 2 kiện hàng ở 2 đầu, mỗi chuyến như vậy chị nhận được 10.000 đồng. Sức khỏe yếu nên thu nhập cũng giảm đi ít nhiều, nhưng vẫn cố gắng làm để có tiền cho con trai ăn học và thuốc thang cho mẹ già 83 tuổi ở quê.

Lao động tự do chật vật mưu sinh trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đêm đi khuân vác, cửu vạn, ngày đi lượm ve chai để tranh thủ kiếm thêm trong thời buổi khó khăn

Trước đây, mỗi ngày anh Đinh Tiến Xanh, quê ở Thanh Hóa đánh được vài chục đôi giầy, thu nhập vài trăm ngàn đồng. Do dịch Covid-19, hàng loạt quán ăn, cà phê… phải đóng cửa, lo sợ dịch bệnh, nhiều người hạn chế ăn hàng, khiến những người đánh giầy tự do như anh thất nghiệp.

Không chỉ những người làm nghề cửu vạn, đánh giầy ngay cả những người làm nghề xe ôm, thậm chí cả dân lái xe công nghệ… hiện cũng cả ngày dài ngồi chờ đợi vài cuốc khách. Anh Nguyễn Văn Nam, tham gia chạy xe công nghệ được gần 2 năm chưa bao giờ thấy làm ăn khó khăn như hiện nay.

“Trước chạy xe công nghệ thu nhập cũng tạm ổn, còn từ hồi Covid-19, nhiều người hạn chế không ra đường, đơn hàng chuyển cũng ít hơn hẳn. Giờ nếu chỉ chờ vào ứng dụng gọi xe thì đói. Chúng tôi còn phải ngồi cả các ngã tư để đón khách thêm, nhưng cả ngày có khi cũng chỉ được 1-2 chuyến”, anh Nam chia sẻ.

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát dịp Tết Nguyên đán 2021 vừa qua tại một số địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện gói hỗ trợ này đến đúng đối tượng, hiệu quả, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt với nhóm đối tượng khó là lao động tự do.

Lao động tự do chật vật mưu sinh trong dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nhiều người làm lái xe công nghệ đứng ở các chốt ngã tư, tranh thủ vẫy thêm khách ngoài

Một số chuyên gia đánh giá, chính sách đúng đắn nhưng nếu việc thực thi chưa kịp thời, minh bạch và tâm thế phục vụ người dân nhanh nhất, sẽ rất khó hiệu quả với nhóm đối tượng đặc thù như lao động tự do.

Theo bà Hà Thị Quỳnh Nga, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, từ đợt dịch Covid-19 lần trước, gói hỗ trợ 62.000 tỷ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều cho các đối tượng gặp khó do dịch, nhưng thực tế lại chưa phát huy được hiệu quả, bởi các thủ tục, giấy tờ còn quá phức tạp do yêu cầu người lao động phải xin giấy chứng nhận ở nhiều nơi ở quê và ở nơi cư trú hiện nay.

“Lao động tự do đã gặp nhiều rào cản khi đăng ký thường trú, tạm trú ở khu vực đô thị, bởi với lao động tự do, tính di cư của họ lớn nên rất khó để xác minh. Vì vậy, cần có các hình thức thu thập thông tin, xác minh với chính quyền địa phương để hỗ trợ những đối tượng yếu thế này”, bà Nga kiến nghị.

Dịch Covid-19 tác động chung đến nhiều ngành nghề, mọi đối tượng, thế nhưng với những lao động tự do, họ đang cố gồng mình kiếm kế sinh nhai.

Với những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, để tránh chưa đúng, chưa trúng, cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa, xóa bỏ các rào cản, kịp thời cứu nguy cho những mảnh đời này trong cuộc mưu sinh./.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang