Loài vượn xứng danh bà mẹ tuyệt vời nhất tự nhiên: Tự tay dắt con đi hỏi vợ, lại đứng canh để chúng 'yêu đương' cho tử tế

Tinh tinh lùn hay còn gọi vượn Bonobo là một phân nhánh của chi tinh tinh, nổi tiếng với lối sống mẫu hệ, tức là con cái làm chủ bầy đàn. Thú vị là gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện vượn cái không chỉ quản chồng mà còn làm chủ luôn chuyện "hôn nhân" của con trai.

Tên khoa học của tinh tinh lùn là Pan paniscus. Chúng đặc trưng bởi đôi môi màu hồng và lông đầu dài.

Vị thế của con đực được quyết định dựa trên sức mạnh của "người mẹ"

Thường thì nhà linh trưởng điển hình có xã hội theo lối sống phụ hệ, con đực đóng vai trò đầu đàn. Song riêng ở phân nhánh tinh tinh lùn, con cái mới là kẻ thống trị.

Trong quần thể tinh tinh lùn, con cái cai quản mọi việc. Chúng tự mình thành lập "liên minh" (với các con cái khác) để chăm sóc, nuôi dạy con. Tùy vào "địa vị" của "mẫu thân" trong bầy đàn mà con đực được xem trọng hay bị coi rẻ.

 

 

 

 

Tinh tinh cái làm chủ bầy đàn

Ước tính trên thế giới có khoảng 29.500 - 50.000 cá thể tinh tinh lùn. Chúng chủ yếu sinh sống dọc theo lưu vực sông Congo của quốc gia Congo, Châu Phi.

Mặc dù bị gọi là "lùn" nhưng tinh tinh lùn thực ra không nhỏ con hơn các nhà tinh tinh khác bao nhiêu. Thực chất, cái đuôi "lùn" không phải đặt theo đặc tính kích thước của chúng, mà là đề cập đến chủng người lùn sống cùng khu vực.

Cuồng "yêu", biết "hôn sâu kiểu Pháp"

Như hầu hết các loài tinh tinh trên thế giới, tinh tinh lùn cũng thuộc dạng quan hệ bừa bãi. Chúng chẳng bao giờ quan tâm đến cái gọi là "một vợ một chồng" hay "thủy chung vĩnh viễn".

 

 

 

 

Với nhà tinh tinh lùn, "yêu" là chuyện xã giao

Ngoại trừ mẹ của mình, tinh tinh lùn đực giao phối với tất cả con cái mà nó có cơ hội tiếp xúc, bất kể già trẻ. Với tinh tinh lùn, quan hệ tình dục cũng như một kiểu... chào hỏi vậy. Chuyện "yêu" diễn ra tràn lan. Với con cái, nó là "vũ khí" để khống chế, điều khiển con đực. Với con đực, nó là hành động kết thân, giải quyết và hòa giải sau xung đột (ngay cả giữa cùng giới).

Ngoài ra, tinh tinh lùn còn là loài biết "hôn sâu kiểu Pháp". Mỗi lần phát hiện nguồn thức ăn hoặc nơi ở mới thích hợp, chúng lại "yêu đương tập thể" để thể hiện sự phấn khích.

"Mẹ" mạnh là "con trai" có cơ hội sinh hậu thế cao gấp 3 lần

Mặc dù quan hệ theo kiểu "quần hôn" song cơ hội với mỗi tinh tinh đực lại không hề giống nhau. Tỷ lệ để lại hậu thế của chúng tùy thuộc vào sự sắp đặt và quản lý của tinh tinh mẹ.

"Chúng tôi muốn biết liệu các bà mẹ tinh tinh lùn có vai trò gì trong tỷ lệ giao phối thành công của con đực hay không," - Martin Surbeck, nhà nghiên cứu linh trưởng của Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology) ở Leipzig giải thích.

 

Qua quan sát, ông phát hiện tinh tinh lùn mẹ chính là tác nhân mở rộng "hậu cung" cho con trai, bảo vệ chúng khỏi các đối thủ cạnh tranh cũng như những kẻ loanh quanh tính phá đám.

Kết quả, một con tinh tinh lùn đực có mẹ "làm chủ cuộc chơi" có khả năng "gieo hạt" thành công gấp 3 lần những con khác.

 

 

 

"Sức mạnh của các bà mẹ ảnh hưởng quyết định đến số lượng cháu," – Surbeck kết luận.

Dắt "con trai" đi tìm "vợ", cẩn thận canh chừng và khống chế kẻ phá đám

Trong "xã hội" tinh tinh lùn, một con cái luôn tìm mọi cách để "con trai" của nó kiếm được nhiều vợ. "Bà mẹ" càng có "địa vị" cao bao nhiêu, thì "con trai" càng có cơ hội "lấy" nhiều "vợ" bấy nhiêu.

Hầu hết các bà mẹ tinh tinh lùn có "con trai" đều đi đến đâu đem chúng theo đến đấy. Vừa gặp được con cái khác, chúng liền trở thành "vệ sĩ" canh gác, đảm bảo cho cặp đôi yêu đương không bị quấy rầy.

Chiến thuật phổ biến nhất là lấy luôn thân mình ra làm "công cụ" ngăn cản. Tinh tinh lùn đực vốn "cuồng yêu", nên không bao giờ từ chối.

Trong trường hợp lỡ đến nơi muộn, tinh tinh lùn mẹ mạnh hơn còn thẳng tay giật phăng con đực lạ đang "ân ái" với "con dâu" tiềm năng, quăng sang một bên.

 

 

Kỳ quặc là dù chăm bẵm, quan tâm "con trai" hết lòng, song các bà mẹ tinh tinh lùn lại cực kỳ thờ ơ với "con gái". Không hề có bằng chứng nào cho thấy chúng giúp đỡ "con gái" tìm "chồng" hay nuôi dạy "cháu ngoại".

Có lẽ là vì bị "ghẻ lạnh" chăng, các con cái thường sớm tự lập. Không như con đực cả đời bám dính lấy mẹ, chúng kiếm ăn một mình, cố gắng tự tạo lập "gia đình" riêng.

Về lý do tại sao tinh tinh lùn mẹ lại nhiệt tình với "con trai" như vậy, Surbeck đoán đó là chiến lược sinh tồn hiệu quả nhất. Bằng cách dồn hết trách nhiệm "truyền gene" lên "con trai", chúng có thể thoải mái thoát khỏi nghĩa vụ sinh thêm con.

Tham khảo: The Guardian

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang