Lời cầu cứu của mẹ Hà Nội nuôi 2 con nhỏ: "Tôi phải chết đi thì con mới thực sự hạnh phúc, sự tồn tại của tôi quá độc hại với con"

Bà mẹ trẻ đã phải trải qua những ngày tháng mệt mỏi sau khi sinh vì căn bệnh trầm cảm.

Đó là những dòng tâm sự nghẹn ngào của chị Trang (sống tại Hà Nội) về những gì chị đã phải đối mặt sau khi sinh con trai đầu lòng. Quá trình đó đã kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, những tưởng như quá khó để có thể kết thúc. Từng dòng chữ là từng lời ăn năn, hối hận của người mẹ về hành động đã làm với con, về những cảm xúc dần được chữa lành...

Chuỗi ngày dằn vặt bản thân vì đã quát mắng và đánh con

Mình trầm cảm ngay khi nuôi bạn đầu tiên. Mình và bạn ấy gần như cô lập khỏi thế giới bên ngoài, 2 mẹ con và 1 căn nhà kín cổng cao tường. Mình không hề nhận ra là mình bị trầm cảm và đang cần được giúp đỡ. Dù là một người mẹ nhưng mình chưa từng ngưng suy nghĩ dằn vặt bản thân là độc ác, tệ hại, xấu xa, sao mình có thể đánh đứa con bé bỏng còn chưa nói được chứ. Trong khi đó con chẳng thể cầu cứu được ai khi trong mắt con, mẹ là cả bầu trời. 

Thay vì bảo vệ hay dỗ dành con thì mình lại tấn công con. Từng khoảnh khắc ấy mình chưa một lần quên được, hình ảnh con vừa sợ hãi lại vừa như đang an ủi lại mẹ. Khi con ngủ mình khóc rất nhiều, tối nào cũng khóc nhưng khi chồng về đến nhà thì không hiểu sao mình lại bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế nên anh cũng chẳng biết chuyện gì đang diễn ra trong nhà. Anh nghĩ mọi sự vẫn ổn. 

Rồi mình quẫn bách tới nỗi muốn tự tử và ly hôn. Dẫu sau đó mình vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mọi thứ đều xuất phát từ bản thân. Mình gọi điện cho các trung tâm tư vấn tâm lý, 3 tiếng mỗi tối, thay vì khóc 1 mình thì mình khóc có người nghe. Thế nhưng rồi hôm sau tỉnh dậy mình lại lặp lại hành động xấu xa là quát, mắng, thậm chí là đánh con. Ban ngày mình bùng nổ và độc ác như mụ phù thuỷ, tối đến khi con đã ngủ thì mình lại cầu cứu, khóc lóc, rũ rượi, đau khổ, dằn vặt, và mình đã rất mong AI ĐÓ CỨU LẤY MẸ CON MÌNH VỚI. 

Rồi mình lẩm nhẩm và tự hứa với bản thân rằng ngày mai sẽ không đánh con nữa nhưng cuối cùng vẫn không làm được. Cũng đã có rất nhiều lúc mình cố gắng làm theo lời khuyên của mọi người nhưng cứ không có kết quả là mình quay ra trách móc bản thân.

Lời cầu cứu của mẹ Hà Nội nuôi 2 con nhỏ:

Con trai lớn của chị Trang. Cậu bé rất ngoan và nghe lời mẹ.

Lời nói nghẹn ngào từ con: "May quá chuyện này không làm mẹ cáu"

Sau những chuỗi ngày chìm trong bóng tối, mình tìm đến lớp học giúp bản thân nhận ra tổn thương đang đến từ bên trong chứ không phải là do con cái. Mình đã thực sự bị trầm cảm sau sinh. Mình dành nửa năm để chữa lành dù trong quá trình ấy mình vẫn cáu kỉnh, bạo lực, chỉ cần có chút gì đó không vừa ý là bản thân lại nổi nóng. Nhưng mình vẫn kiên trì vì mình dừng lại thì sẽ không có ai giúp được mẹ con mình nữa.

Và cho đến một ngày khi con mình nói: "May quá chuyện này không làm mẹ cáu" thì mình mới chợt nhận ra, ừ lâu lắm rồi mình không cáu và cũng không đánh con nữa rồi. Lúc mình chữa lành vết thương trong tâm hồn là lúc con chưa tròn 3 tuổi. Mình dần chia sẻ và nhờ sự hỗ trợ của chồng trên quá trình tìm lại bản thân. Ngoài ra mình cũng tham gia những lớp học giúp tính cách và tâm trạng dần ổn định. 

Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Khủng hoảng trong hôn nhân, khủng hoảng làm mẹ cũng đã không còn nữa. Tất nhiên trong quá trình chữa lành vết thương này đã có rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc về quá khứ không mấy tốt đẹp ẩn sâu bên trong mình được đào bới lên khiến mình muốn từ bỏ. Nhưng bằng sự kiên trì và cố gắng, nhìn thấy chồng con mỗi ngày, bản thân đã quyết tâm và vượt qua căn bệnh trầm cảm.

Lời cầu cứu của mẹ Hà Nội nuôi 2 con nhỏ:

Hiện tại gia đình nhỏ của chị Trang sống rất hạnh phúc.

Thành quả ngọt ngào cho cả gia đình

Giờ thì gia đình mình vô cùng hạnh phúc, cả nhà sẵn sàng chào đón thêm 1 thành viên mới. Anh lớn 5 tuổi rất háo hức, đã biết chơi với em, trông em giúp mẹ. Lúc nào con cũng lăng xăng quanh mẹ và hỏi em có cần gì không ạ, mẹ có cần gì không để con lấy giúp. Và con còn tâm sự rằng "Con sợ mẹ đánh em, em còn rất bé chưa biết gì, mẹ đừng đánh em nhé". Lúc đó mình thương con lắm. Dù trong quá trình trị liệu mình cũng đã gửi rất nhiều lời xin lỗi đến con, cùng con tái hiện lại tình huống đó nhưng mẹ ứng xử khác đi. Mình gieo những hạt giống tốt ngược lại vào tâm trí con và con cũng học được cách ứng xử khác tốt hơn là cáu giận la hét. 

Cô giáo cũng không còn phản ánh việc bé đánh bạn hay không hợp tác nữa mà khen là: bạn Tôm rất ngọt ngào chị ạ, con rất tình cảm, lại rất chu đáo nữa. Mình muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh có cùng hoàn cảnh với mình rằng hãy bắt đầu từ việc chữa lành chính mình. Mình không thể cho đi hạnh phúc khi mình còn chưa hạnh phúc. Khi mình hạnh phúc, lời nói, cử chỉ, năng lượng của mình sẽ khác đi, điều đó sẽ dần dần thay đổi cách ứng xử với con và cả mọi người xung quanh nữa. 

Chia sẻ thêm về câu chuyện của bản thân, chị Trang tâm sự trầm cảm không thể tự hết, bởi khi đối mặt với căn bệnh này có rất nhiều điều mà tự mình khó có thể nhận ra. Bởi vậy điều cần làm là các mẹ nên nhờ sự trợ giúp từ các lớp học, thêm vào đó là nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng. 

 

 

Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/loi-cau-cuu-cua-me-ha-noi-nuoi-2-con-nho-toi-phai-chet-di-thi-con-moi-thuc-su-hanh-phuc-su-ton-tai-cua-toi-qua-doc-hai-voi-con-222021910184739616.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang