Việc đi du lịch cùng gia đình không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ có thể dạy cho con nhiều kỹ năng và đức tính có lợi cho cuộc sống sau này. Dưới đây là những lợi ích không ngờ của việc cho con bạn đi máy bay cùng gia đình sớm.
1. Kỹ năng mềm
Có rất nhiều kỹ năng quan trọng bạn có thể dạy con và giúp con hoàn thiện từ sớm từ sân bay cho tới khi lên máy bay. Chẳng hạn, trẻ có thể bắt đầu học cách nhận diện các biểu tượng, ký hiệu, con số và chữ cái để tự tìm đường trong sân bay hoặc biết được vị trí ghế ngồi của mình trên máy bay, nhất là nếu con đã thành thạo chữ, số từ trước.
Nhưng kỹ năng điều hướng không phải điều duy nhất. Trẻ có thể học tập và phát triển nhiều kỹ năng quan trọng khác khi được đi du lịch (nhất là với một phương tiện công cộng đặc biệt như máy bay), chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp. Trẻ có thể bắt đầu học cách chào, đưa yêu cầu, đặt câu hỏi phù hợp, nói lời cảm ơn với nhân viên sân bay, tiếp viên hàng không...
Từ một độ tuổi nhất định, bố mẹ cũng có thể bắt đầu cho con luyện tập và tự sắp xếp vali, quản lý hành lý của mình. Đây cũng là một kỹ năng quan trọng giúp phát triển khả năng tự chăm sóc bản thân của con.
Một loại kỹ năng đặc biệt quan trọng không thể không nhắc đến đó là xử lý tình huống và đối diện với những tình huống bất ngờ. Trong lúc đi từ sân bay ra máy bay và khi xuống máy bay, lấy hành lý, trẻ có thể đối diện với vô số tình huống không lường trước mà bố mẹ có thể tận dụng để dạy con kỹ năng ứng phó, chẳng hạn như việc để quên đồ đạc, chuyến bay bị delay, bị ù tai khi đi máy bay lần đầu...
Trẻ có "kinh nghiệm" xử lý những tình huống phát sinh thành công cũng sẽ tự phát triển được những phẩm chất quan trọng.
2. Sự tự tin
Khi trẻ được đặt vào một môi trường có nhiều người và nhiều kích thích từ môi trường như sân bay và máy bay, nếu được bố mẹ hướng dẫn và hỗ trợ đúng cách, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội quan trọng cho cuộc sống sau này.
Cũng từ đó, trẻ sẽ có thêm cơ hội hiểu hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình và với cách giáo dục đúng đắn, trẻ có thể phát triển sự tự tin vào bản thân. Sự tự tin không phải một thứ có thể dạy theo cách truyền đạt được, mà yêu cầu "sự hấp thu" từ trải nghiệm thực tế và cách ứng xử của cha mẹ cho con.
Các hoạt động hàng ngày như hỏi đường khi bị lạc, cố gắng học những mẫu câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng nước ngoài, gặp gỡ và tiếp xúc với những người từ nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau và kết bạn giúp tăng cường sự tự tin của những bộ óc non nớt theo cách hiếm trải nghiệm nào khác làm được.
3. Tính kiên nhẫn
Xếp hàng trước cổng an ninh, xếp hàng lên máy bay, chờ đợi đến giờ bay hoặc đơn giản là chờ đến lượt được tiếp viên phục vụ trên các chuyến bay... có không ít cơ hội thử thách "lòng kiên nhẫn" của trẻ và đó là cơ hội để cha mẹ dạy con rằng một nguyên tắc tất yếu của mọi xã hội là "có những lúc đợi chờ chính là kim cương" và thay vì tỏ ra buồn bực, chán nản, quấy khóc, trẻ cần học cách chờ đợi trong yên lặng và kiên nhẫn.
Một kỹ năng khác đang bị đánh giá quá thấp trong đời sống hiện nay chính là chịu đựng sự nhàm chán. Đây không phải là một trò đùa; trên thực tế, nó có thể là bài học quan trọng nhất trẻ cần phải học. Thế giới trẻ đang sống hiện nay tràn ngập các tiện ích và kích thích không ngừng như đồ điện tử, với các biện pháp thỏa mãn tức thời, việc chờ đợi và chịu đựng sự nhàm chán đang trở thành một kỹ năng đặc biệt cần thiết ở trẻ em, trong khi nó lại rất cần thiết cho trí sáng tạo và óc tò mò.
4. Kiến thức, óc sáng tạo và trí tò mò
Bằng cách cho trẻ đi du lịch từ sớm và nhất là đi xa bằng đường hàng không, trẻ sẽ có cơ hội phát triển trí tò mò về thế giới xung quanh, về những đất nước, nền văn hóa mới và từ đó mở mang kiến thức, không còn bị giới hạn trong màn hình chiếc điện thoại hoặc 4 bức tường ở nhà.
Cũng bằng cách cho trẻ tạm rời xa môi trường thân thuộc, những kích thích mới cần thiết cho não bộ sẽ dễ dàng tận dụng được tối đa khả năng đặt câu hỏi và tò mò về thế giới xung quanh của trẻ. Những câu hỏi của trẻ có thể ngây ngô cho tới nghiêm túc, liên quan tới đủ thứ chủ đề như trang phục của một người nước ngoài, cho tới khí động lực học của máy bay; không quan trọng, mấu chốt là bố mẹ có thể gợi mở và giao tiếp hiệu quả để kích thích trí óc đang ngày càng phát triển của con.
Trên thực tế, trí tò mò (không phải tọc mạch) là một trong những động lực mạnh mẽ nhất để trẻ hiểu biết, thông minh hơn. Không phải tự nhiên mà cố CEO thiên tài Steve Jobs từng có câu nói để đời: "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ".
Cũng bằng cách hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, trẻ sẽ hình thành được sự bao dung và tấm lòng rộng mở với mọi người, mọi nền văn hóa trên khắp thế giới và phát triển một tư duy hòa nhập vô cùng cần thiết trong thời đại thế giới phẳng.
5. Tinh thần trách nhiệm
Nguyên tắc đầu tiên để trở nên có trách nhiệm là bước ra khỏi vùng an toàn, và điều đó xảy ra rất nhiều trong mỗi chuyến du lịch hay một trải nghiệm lớn với thế giới. Tùy theo độ tuổi, trẻ có thể bắt đầu học cách kỹ năng quan trọng như quản lý tài chính và chi tiêu, chia sẻ với anh chị em bạn bè đi cùng.
Bố mẹ cũng có thể thảo luận với con các thông tin về chuyến bay, chẳng hạn như số ghế, vị trí ghế, cách đặt vé... để giúp trẻ phát triển khả năng lập kế hoạch, lãnh đạo hay tự quyết. Những trải nghiệm thực tế quý giá luôn có nhiều giá trị mà các bài giảng ở trường không thể nào bì được.
6. Tuân theo quy tắc và tôn trọng người khác
Không phải trẻ nào cũng đặc biệt dễ bảo hay nghe lời. Khi tiếp xúc với một môi trường đông người và có nhiều kích thích như sân bay, máy bay, bộ óc của trẻ sẽ được kích thích ở mức rất lớn khiến đôi khi trẻ cảm thấy khó chịu và biểu hiện bằng việc quấy khóc hay trở nên ích kỷ.
Đó là những thời điểm cha mẹ có thể bắt đầu dạy con (tùy vào độ tuổi) sự tôn trọng nhất định đối với cộng đồng, hành khách đi cùng, bằng cách không la hét, đòi hỏi trên máy bay. Một số đức tính khác bao gồm khả năng chấp hành và tôn trọng chỉ dẫn của nhân viên sân bay, tiếp viên hàng không để đảm bảo an toàn.
Đi máy bay cũng có điểm đặc biệt hơn so với các phương tiện công cộng khác đó là có quy trình, quy tắc vô cùng chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bằng cách tiếp xúc với các nguyên tắc này, trẻ có thể sớm hình thành đức tính biết tôn trọng các quy tắc, luật pháp trong cuộc sống và lớn lên trở thành người có ý thức, có giáo dục.
Nguồn: Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.