Lý giải việc cúng sao giải hạn đầu năm của người Việt       

(lamchame.vn) - Hằng năm, sau Tết nguyên đán, người người nhà nhà lại đổ về các chùa để làm lễ cúng, dâng sao giải hạn cho cả gia đình với mong muốn một năm mới bình an. Tuy nhiên, có nhiều quản điểm khác nhau về việc này.

Tự do tín ngưỡng?
nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cúng sao gải hạn là nguyện vọng tốt đẹp của mỗi người, và mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, cúng sao gải hạn đầu năm của người Việt là mê tín dị đoan. 

Trên báo Kiến Thức, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc cúng sao giải hạn xuất phát từ cổ xưa. “Con người là một bộ phận của vũ trụ. Khi sinh vào năm, tháng, ngày, đêm sẽ chiếu với một sao chiêm tinh. Trong số các sao đó cũng có những sao mang lại điều xấu và sao mang lại điều tốt. Từ đó bản mệnh của mỗi người sẽ ứng với mỗi vị sao”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

GS.TS Ngô Đức Thịnh cho biết thêm, vấn đề sao chiếu mệnh không phải là mê tín dị đoan mà là thể hiện sự ảnh hưởng của môi trường với đời sống con người. Cũng từ đó, hình thành phong tục cúng sao giải hạn, chứng tỏ không thể tránh khỏi môi trường nhưng cũng có cách khắc phục. Bên cạnh lễ cúng sao giải hạn đầu năm, mọi người còn làm lễ cầu yên cầu mong sự yên bình trong cộng động. Đó là nguyện vọng tốt đẹp của mỗi người, và mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng.  

Theo Zing, trong cuốn sách “Tín ngưỡng, phong tục và những kiêng kỵ dân gian Việt Nam” do Ánh Hồng biên soạn, người Việt xưa tin rằng, vào một tuổi nhất định, người ta thường gặp vận hạn (những chuyện không may).

Đây không hoàn toàn là quan niệm mê tín, xét ở khía cạnh khác, những năm tuổi này cũng có tương quan với những chu kỳ biến đổi (có nhiều khả năng bất lợi) về sinh học của đời người. Muốn giảm nhẹ điều này, người ta thường cúng giải sao (dâng sao giải hạn) vào đầu năm hoặc hàng tháng. Lễ dâng sao giải hạn có thể thực hiện tại chùa hay tại nhà.

Nguồn gốc sùng bái sao có ở Trung Hoa cổ đại. Thời đó, khoa học thiên văn cổ nhận định rằng, sự vận chuyển của các tinh tú trên bầu trời có ảnh hưởng to lớn với mọi sinh vật trên Trái đất. Từ học thuyết chiêm tinh hình thành từ thời nhà Chu, người ta tin rằng mỗi năm đời người ứng với một sao hạn. Có tất cả 9 sao chiếu mệnh: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Độ, Thái Âm, Mộc Đức. Trong đó, xấu nhất với đàn ông là sao La Hầu, đàn bà là sao Kế Đô (ứng vào 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82 tuổi Âm lịch) 


 Hay mê tín dị đoan?
Cũng theo Zing, trái ngược với quan điểm của Ánh Hồng, Thượng tọa Thích Nhật Từ,  Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì cho rằng tục này hoàn hoàn mê tín dị đoan.  

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Cũng theo ông, Đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín dị đoan và không cho phép các nhà chùa thực hiện việc cúng dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, vẫn có không ít những chùa đang đi ngược lại với điều này.

Thượng tọa đưa ra nhận định cúng sao phát xuất từ tập tục coi bói. Người ta thường coi năm nay bị sao xấu nào chiếu mạng, có thể bị tam tai, gặp những hạn vận xấu nên mới bày ra cúng sao giải hạn.

Sư Thầy cũng khẳng định: “Đây là quan niệm hoàn toàn mê tín dị đoan, gieo rắc niềm tin không có cơ sở khoa học và nhân quả. Người tin sẽ rơi vào nỗi sợ hại nghiêm trọng, tác động đến tâm lý, thái độ sống và thậm chí là sự sinh hoạt thường nhật của họ”.

“Xui hay hên, tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam cũng dẫn lời Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đăng trong cuốn "Bước đầu học Phật" khẳng định việc làm cúng dâng sao giải hạn là lạc hậu.

Hòa thượng viết: “Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”

Có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc cúng sao giải hạn đầu năm của con người. Nhưng hiện nay có một thực tế là nhiều người Việt Nam coi việc làm lễ giải hạn đầu năm là điều cần thiết. Biết rằng, chưa có cơ sở nào khoa họa hay khẳng định nào cho rằng việc cúng sao có thể xóa đi vận hạn hoàn toàn của mỗi người. Tuy nhiên, các nghi lễ này lại đóng góp phần giải tỏa tâm lý, tạo niềm tin cho người dân, biết là tốn tiền nhưng họ vẫn cứ làm. Và để lễ được tôn kính thì mỗi người, mỗi gia đình cần có cách thể hiện sao cho văn hóa, đúng luật, để không bị coi nặng là mê tín dị đoan. Hiện nay, có rất nhiều địa điểm đang diễn ra tình trạng cúng sao giải hạn với mục đích thu hút lôi kéo, vụ lợi để moi móc tiền của người dân lương thiện, nhẹ dạ cả tin.

Phép cúng sao
 Cúng sao như thế nào cho đúng và hợp lý không phải ai cũng biết rõ. Vậy nên, trong cuốn sách Tín ngưỡng, phong tục và những kiêng kỵ dân gian Việt Nam đã đưa ra phép cúng sao, để mọi người có thể tham khảo và sử dụng:

Ảnh minh họa: Internet


- Sao La Hầu cúng ngày 8, dùng 9 ngọn đèn, lạy về hướng bắc.
- Sao Thổ Tú cúng ngày 19, dùng 5 ngọn đèn, lạy về hướng tây.
- Sao Thủy Diệu cúng ngày 21, dùng 7 ngọn đèn, lạy về hướng bắc.
- Sao Thái Bạch cúng ngày 15, dùng 8 ngọn đèn, lạy về hướng tây.
- Sao Thái Dương cúng ngày 27, dùng 12 ngọn đèn, lạy về hướng đông.
- Sao Vân Hớn cúng ngày 29, dùng 15 ngọn đèn, lạy về hướng nam.
- Sao Kế Đô cúng ngày 18, dùng 22 ngọn đèn, lạy về hướng tây.
- Sao Thái Âm cúng ngày 26, dùng 7 ngọn đèn, lạy về hướng tây.
- Sao Mộc Đức cúng ngày 25, dùng 20 ngọn đèn, lạy về hướng đông.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang