Những đứa trẻ mồ côi trên "giấy tờ"
Nếu gõ cụm từ "volunteer orphanage abroad" (tình nguyện viên tại trại trẻ mồ côi nước ngoài), bạn sẽ tìm thấy hơn 1.190.000 kết quả, chủ yếu từ các hãng lữ hành. Dù xuất phát từ mục đích tốt là muốn hỗ trợ và giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng trên thực tế, việc khách du lịch làm thiện nguyện tại những trại trẻ mồ côi ở các nước khác chính là nhân tố thúc đẩy nhiều bất cập.
Trong những năm gần đây, ở Thái Lan, Campuchia, Nepal, Ấn Độ hay một số quốc gia ở châu Phi đều đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các trại trẻ mồ côi kêu gọi sự giúp đỡ của các tình nguyện viên là những vị khách nước ngoài du lịch tới đây.
Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Australia, các địa điểm du lịch tình nguyện phổ biến dành cho người Úc như Bali, Thái Lan hay Campuchia đều chứng kiến số lượng trại trẻ mồ côi tăng lên đến 500% kể từ khi xu hướng này xuất hiện.
"Hầu hết mọi người đều xuất phát từ ý tốt. Các tình nguyện viên thường tận dụng các kỳ nghỉ của mình để đến với những trại trẻ mồ côi, giúp đỡ và hỗ trợ các em có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương đã lợi dụng tình thương ấy để bắt cóc hoặc ép buộc những đứa trẻ có gia đình vào các trại trẻ mồ côi tự phát nhằm trục lợi", chuyên gia bảo vệ trẻ em Karen cho biết.
Nhiều người đã lợi dụng những tình nguyện viên nước ngoài để thành lập nên trại trẻ mồ côi bất hợp pháp.
Theo tổ chức vận động ReThink Orphanages vào năm 2019, ước tính có khoảng 80% trẻ em sống trong trại trẻ mồ côi không phải là những đứa trẻ mồ côi thực sự và các em có ít nhất cha hoặc mẹ còn sống. "Thật kinh khủng khi phát hiện ra những đứa trẻ này bị lạm dụng để trục lợi. Tôi cảm thấy kinh hoàng và quyết tâm thay đổi thực trạng này", luật sư Doore nói với Reuters.
Những kẻ buôn người tìm thấy cơ hội kiếm tiền béo bở từ những trại trẻ mồ côi - nơi thu hút một lượng tiền từ thiện lớn từ những cá nhân, tổ chức từ thiện... Tại các quốc gia đang phát triển, từ Campuchia đến Haiti, những trại trẻ mồ côi mọc lên như nấm, các địa chỉ này cần có trẻ em sống ở đây. Các chuyên gia nhận định, những tay buôn thường dụ dỗ người nghèo ở vùng sâu vùng xa, hứa hẹn cho con cái của họ cơ hội học hành. Chúng làm giấy tờ giả, đặt tên mới cho các em nhỏ, đưa chúng vào trại để thu hút nhà hảo tâm và du khách nước ngoài.
Luật sư Van Doore cho biết, nữ mục sư điều hành trại trẻ mồ côi Uganda đã làm hồ sơ giả cho bọn trẻ, đẩy các em vào "hoàn cảnh đáng thương" để hút tài trợ. Nhiều em bị sốt rét và suy dinh dưỡng. Tại Kathmandu, tổ chức Forget Me Not phát hiện ra giấy báo tử giả của cha mẹ bọn trẻ, nhiều em bị ép phải nói dối. "Những câu chuyện đáng sợ lộ ra khi các gia đình đến cổng thăm con, bọn trẻ chỉ đứng nhìn cha mẹ chúng qua cửa sổ", Doore tiết lộ.
Những sự thật đen tối
Campuchia là một trong những điểm đến hàng đầu dành cho những du khách trẻ tuổi. Những năm gần đây, hình thức du lịch trại trẻ mồ côi trở nên phổ biến đã thúc đẩy nhiều khách tham quan đăng ký tham gia thông qua những công ty toàn cầu. Tuy nhiên, những du khách ấy không hề biết rằng lòng tốt của mình đang bị lợi dụng.
Điển hình là trường hợp của Sinet Chan, sống trong một trại trẻ mồ côi ở Campuchia. Có nhiều điều về cô bé 9 tuổi này bị giấu nhẹm khi những du khách ghé thăm em. Lúc họ trở về khách sạn, máy ảnh đầy bộ nhớ và thiện ý tốt hoàn thành, họ vẫn hoàn toàn không biết mình vừa ủng hộ cho ai.
"Ông chủ cho chúng cháu ăn mặc rách rưới để khách thương cảm khi nhìn thấy và quyên tặng nhiều tiền hơn. Nhưng họ không hề biết điều gì xảy ra trong trại trẻ này", Chan nói.
Một số trại trẻ mồ côi còn kết nối với các nhà nghỉ, tài xế taxi và nhất là các công ty du lịch nước ngoài cung cấp công việc tình nguyện để thu hút được nhiều du khách hơn. Joseph Mwuara, 20 tuổi, là một trường hợp thoát khỏi đường dây buôn bán trẻ em. Mwuara phát biểu trong hội nghị Trust Conference về việc một chủ trại trẻ mồ côi gần ngôi làng ở Kenya đã đón mình từ nhà bà và hứa cho cậu đi học.
"Chuyện này thật tồi tệ. Chúng tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm thức ăn. Nếu không kiếm được việc gì, chúng tôi sẽ bị phạt nhịn đói", chàng trai trẻ nói. Khi có người đến thăm và quyên góp tiền, các em phải khiến khách vui lòng, nhưng các món quà tặng sẽ bị đem bán.
Mwuara nói rằng trẻ em trong trại bị ép phải vắt sữa bò, lau dọn nhà kho và làm ruộng. "Bọn họ rất bạo lực. Họ đã đánh gãy chân một cậu bé", Mwuara cho biết thêm. Hiện chàng trai này tham gia các chương trình nâng cao nhận thức về nạn buôn bán trẻ mồ côi và giúp đỡ các trường hợp bị đưa vào trại trẻ bất hợp pháp.
Có những sự thật đen tối bị chôn giấu đằng sau các trại trẻ mồ côi.
Nhiều trại trẻ mở ra tại các điểm du lịch. Một số nơi bắt các em biểu diễn, ra đường ăn xin, hoặc ép lao động nặng nhọc. Ngoài ra, việc thiếu sót trong quy trình sàng lọc tình nguyện viên khiến nhiều bé có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Đội ngũ tình nguyện viên thay đổi liên tục cũng tác động đến quá trình hình thành tính cách của trẻ khi trưởng thành.
Snezana Vuckovic, 24 tuổi, lớn lên ở trại trẻ mồ côi ở Serbia và bị một giáo viên cưỡng hiếp, bắt nạt, đánh đập. "Chúng tôi bị đánh. Chúng tôi đã thực sự bị tra tấn. Tôi vẫn thường giật mình tỉnh dậy trong đêm, thấy mình đang khóc và run rẩy. Tôi đẩy mọi người ra xa", Vuckovic phát biểu tại hội nghị Trust Conference.
Trải nghiệm kinh hoàng
Nhận thấy nhu cầu ngày một lớn, nhiều công ty du lịch nước ngoài đã cung cấp các gói tình nguyện để du khách có những trải nghiệm thú vị tại những vùng đất xa xôi. Cô Caroline Green là một nữ du khách như vậy khi cô quyết định đi sang Thái Lan để mở mang tầm mắt.
Người phụ nữ 45 tuổi này, đang điều hành một cơ sở làm tóc và nối tóc, đã lựa chọn một tổ chức từ thiện tên là Starfish để sắp xếp cho cô cùng những du khách khác tham gia tình nguyện trong 2 tuần tại trại trẻ mồ côi với mức phí gần 12 triệu đồng bao gồm cả chỗ ở cơ bản.
Caroline đã trả tiền trước khi bắt đầu đến Thái Lan. Khi đến nơi cô gặp những tình nguyện viên khác cùng đăng ký giúp đỡ tại trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày ở đây, Caroline cảm thấy có điều gì đó không ổn một chút nào.
Cô Caroline Green đã có trải nghiệm đầy ám ảnh tại một trại trẻ mồ côi.
"Tôi khá sốc với điều kiện ăn ở của các em nơi đây. Những đứa trẻ nằm lăn lóc trên sàn, không có giường hoặc chăn đắp. Em nhỏ nhất mới 2 tuổi. Vào bữa tối, 29 em cùng nhau chia sẻ một con gà và một ít rau. Tất cả các tình nguyện viên đã đến đây đều đóng góp gần 6 triệu đồng trong một tuần. Vậy tất cả số tiền ấy đã đi đâu?".
Sau đó, Caroline nhận ra rằng các em không phải là trẻ mồ côi. Cha mẹ các em đã được thuyết phục rằng khi gửi con họ vào trại trẻ mồ côi các em sẽ có cuộc sống tốt hơn nhưng thực tế thì không như vậy.
"Tôi thấy người điều hành trại trẻ kéo các em đi khắp phòng và không ngừng quát mắng chúng. Sau đó một người Thái Lan đang thực tập tại trại trẻ mồ côi nói rằng những đứa trẻ tại đây cho biết họ đã bị đánh đập và bị đe dọa. Tôi không thể ngừng khóc vì những gì đã xảy ra", Caroline chia sẻ hồi ức kinh hoàng trong lần đi tình nguyện của mình vào năm 2015.
Cách giải quyết thực trạng
Năm 2015, tập đoàn du lịch quốc tế Intrepid Travel đã trở thành một trong những đại lý du lịch lớn đầu tiên loại bỏ tất cả các chuyến thăm trại trẻ mồ côi khỏi các chuyến đi được quảng cáo của họ.
"Intrepid Travel không cung cấp hoặc hỗ trợ hoạt động du lịch tình nguyện, hoặc du lịch trại trẻ mồ côi cho vấn đề đó. Trẻ em không phải là điểm thu hút khách du lịch và không nên bị đối xử như vậy", giám đốc Leigh Barnes nói.
Chuyên gia luật quốc tế Melanie O'Brien của Đại học WA cho rằng các công ty du lịch cần phải chịu trách nhiệm về các chương trình tình nguyện của họ để tránh hỗ trợ các hoạt động phi đạo đức. Tiến sĩ O'Brien cho hay: "Các công ty cần đặt ra câu hỏi là tiền và nguồn lực có thực sự đến được nơi họ cần hay không?".
Nhiều biện pháp đã được đưa ra để dập tắt những trại trẻ mồ côi phi pháp.
Tổ chức Forget Me Not và Lumos muốn chuyển hướng khoản tiền tài trợ vào các trại mồ côi sang hỗ trợ các gia đình và cộng đồng chăm sóc trẻ em. Hiện nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc để đẩy lùi loại hình du lịch tới các trại trẻ mồ côi ở những quốc gia phát triển. Một số tổ chức tiêu biểu là UNICEF, Save the Children, Friends International và ReThink Orphanages.
Australia là quốc gia đầu tiên hành động, gây áp lực lên các công ty lữ hành nhằm chấm dứt loại hình du lịch thăm trại mồ côi. Luật sư Doore cho biết cô cũng đang đàm phán với các giới chức Anh. "Nếu mọi người biết sự tổn hại mà họ gây ra bởi tài trợ, tình nguyện và thăm trại trẻ mồ côi, nó sẽ có tác động thực sự. Chúng ta cần gửi thông điệp đó tới mọi người", cô nói.
Trong khi đó, Campuchia cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm nỗ lực xóa bỏ những bất cập về các trại trẻ mồ côi tự phát và đưa những đứa trẻ trở về với gia đình của các em. Hợp tác cùng với UNICEF, chính quyền địa phương đã kiểm tra và đóng cửa nhiều trại trẻ mồ côi không đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, một chương trình tái hòa nhập đã được triển khai cho hàng trăm trẻ em Campuchia có người thân hoặc có cha mẹ đầy đủ.
Nguồn: The Guardian, ABC News, Travindy
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.