Chị Hoàng Bích Thuỷ (34 tuổi, sống tại Hà Nội) hiện có 2 bé gái, một bé lớp 6 và một bé lớp 2, chia sẻ: Là cha mẹ thì một trong những điều khá khó khăn, đó là việc trò chuyện tâm sự với các con của mình. Ai cũng muốn gần gũi và thân thiện với các con, nhưng khoảng cách thế hệ, quan điểm suy nghĩ, trải nghiệm sống khác xa nhau... rất khó để nói chuyện và thấu hiểu được nhau.
Làm thế nào để trò chuyện với các con hiệu quả? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Thủy về việc dạy con từ những quan điểm, trải nghiệm cá nhân của bà mẹ 8x nhé.
"Làm thế nào để bố mẹ hiểu được những gì con muốn nói và các con thì ghi nhớ được những điều bố mẹ muốn con lắng nghe?... là điều mà bản thân mình trăn trở khá lâu, cũng như thử nghiệm khá nhiều cách. Cho tới thời điểm này, mình cảm nhận mối quan hệ của mình và các con khá suôn sẻ, hiểu nhau và thích được nói chuyện với nhau. Dưới đây là 1 số cách mình đã áp dụng, mọi người cùng chia sẻ thêm để mình được học hỏi nhiều hơn nhé!
3 mẹ con chị Thủy
1. Thời điểm trước khi con 10 tuổi là rất quan trọng!
Những gì bố mẹ nói với các con không đơn thuần chỉ là chia sẻ, mà nó sẽ quyết định đến việc hình thành nhân cách và tương lai của các con. Vì vậy, mình rất chú trọng đến cách mình giao tiếp với các con hàng ngày. Cách mình nói chuyện với con, hay nói chuyện với người khác, có ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, khả năng con tôn trọng và có muốn lắng nghe mình hay không. Lời nói và thái độ khi giao tiếp với con, sẽ cho con thấy mình muốn con đáp lại mình như thế nào. Nếu mình quyết đoán, nhanh nhẹn – con cũng sẽ không chây lì. Nếu mình lấn át kiểu la mắng, quát tháo – con sẽ sợ hoặc hay la hét, lớn lên sẽ có chiều hướng phớt lờ lời cha mẹ nói. Nếu mình hay cằn nhằn kiểu nhẹ nhàng - con sẽ được đà bật lại tanh tách. Nên thời điểm này, bố mẹ hãy chú ý hơn xíu nhé!
2. Ghi nhận mà không phải là phủ nhận mọi cảm xúc của con!
Điều này mình thấy thực sự hiệu quả! Muốn nói gì thì nói, sự tin tưởng nhau chính là yếu tố tiên quyết trong mọi mối quan hệ. Các con càng tin tưởng mình nhiều, thì sẽ càng nói chuyện với mình nhiều hơn.
Khi con mình học bơi, con học chậm nhất lớp, bị thầy phê bình nhiều! Thậm chí, thầy còn gặp mình và nói rằng: "Thôi, để con năm sau học rồi thi, chứ giờ thì không kịp!". Mình thấy con về nhà tập bơi trên cạn, khua tay, đạp chân chăm chỉ không hề nản chí! Nhưng xuống nước lại không làm được. Mình có đi theo con tập 2 ngày, để hỗ trợ động viên và hướng dẫn con cùng thầy. Đến ngày thi, con nhút nhát, không dám thay quần áo bơi, và con bảo "Con sợ!". Mình trả lời: "Ừ, thế con cứ sợ đi! Không sao đâu!". 10 phút sau, con tự động đứng lên thay quần áo, tắm tráng và ra thi. Kết quả là con đạt ngay từ lần đầu thi! Qua đó mình thấy rằng, sự ghi nhận những gì đang xảy ra với các con, tôn trọng những điều đó, mà không phải là phủ nhận "Có cái gì mà phải sợ? con phải dũng cảm lên chứ..." rất có ý nghĩa với con! Sự phủ nhận nó làm tăng áp lực và cho con thấy rằng con thật kém cỏi. Con sẽ không muốn cố gắng và tự ti!
2 con gái của chị Thủy.
3. Hướng dẫn, giảng giải ngắn gọn đơn giản dễ hiểu!
Mình luôn nói điều mình muốn con làm, nhất là khi các con chưa biết việc gì đó. Mình không ra lệnh: "Đừng có chạy!" mà mình nói: "Ở đây, mẹ con mình đi lại nhẹ nhàng thôi nhé!". Mình không cảnh báo: "Đừng có làm vỡ cốc đấy!", mà mình nói "Con cầm cốc cẩn thận bằng cả 2 tay nhé!". Mình chỉ luôn cách cho con làm, con nghe hiểu, làm được thì con sẽ vui vẻ chấp thuận. Bé thì làm theo cách như vậy. Lớn hơn, trong các tình huống nhạy cảm hơn như cách hành xử, cách ăn nói của người lớn… mình cũng tìm cách giảng giải đơn giản nhất, dễ hiểu nhất cho con. Không phủi tay kiểu: "Con chưa hiểu đâu, con biết cái gì mà hỏi?...". Bất cứ khi nào con có thắc mắc về vấn đề gì, mình cũng cố gắng tìm hiểu và tìm cách giảng giải cho tới khi con hiểu vấn đề đó thì thôi. Khi mình cố gắng giúp đỡ con tới cùng, con cũng sẽ cảm nhận được sự quan tâm hết lòng và đáp lại!
4. Khen thì nói chỗ đông - Chê nói 2 người!
Khi con làm sai, mình luôn nói chuyện riêng với con trong phòng. Nói với sự tôn trọng và lắng nghe con chia sẻ cách con đã nghĩ như thế nào. Và nếu mình thấy cách nghĩ chưa đúng, mình sẽ chỉnh sửa, giảng giải hoặc để con tự nghĩ ra cách hành động khác đúng đắn hơn. Nếu con có lý do riêng theo cách nghĩ của con, mình ghi nhận điều đó. Khi con được nói ra suy nghĩ của mình và được bố mẹ lắng nghe, con sẽ rất thoải mái và muốn chia sẻ nhiều hơn. Còn nếu điều gì con nói ra mình cũng không lắng nghe, con sẽ không có nhu cầu muốn nói chuyện với mình nữa!
Có rất nhiều cách để bố mẹ và các con gần gũi và trò chuyện. Nhưng để nói chuyện được với nhau thì đầu tiên phải là sự yêu thương, tôn trọng, muốn lắng nghe nhau thực sự.
“Trên đây là 1 số cách mình đã làm, những cách này là xương sống cơ bản. Nó giúp tạo niềm tin cho con, cho con thấy rằng bố mẹ luôn ủng hộ, giúp đỡ, không phải là gây áp lực cho con, bắt hay muốn con phải trở thành người như thế nào theo ý bố mẹ. Khi đã có niềm tin, sự tin tưởng, thoải mái rồi, thì chủ đề nào cũng sẽ nói được với nhau hết.
Gia đình tốt không phải là 1 gia đình hoàn hảo, mà là gia đình có các thành viên luôn nỗ lực để hoàn thiện hơn. Sự tin tưởng - cùng đồng hành - cùng trưởng thành của cả bố mẹ và con cái!”, chị Thuỷ trải lòng.
Ảnh: NVCC
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.