Mẹ bầu bí tập con ngủ riêng "không nước mắt"

(lamchame.vn) - Không nên bắt con ngủ riêng phòng mới đột ngột nhưng cũng nên hoàn thành việc làm này trước khi em bé trong bụng chào đời để con khỏi ganh tỵ với em

Sự thay đổi chỗ ngủ là hoạt động được thực hiện rất nhiều lần trong cuộc sống của một đứa trẻ. Lúc nhỏ, các con được chuyển từ nôi sang cũi, từ cũi sang giường em bé và khi sắp có thêm em, các con nên học cách ngủ tách riêng phòng với ba mẹ.

Nhiều bà mẹ tâm sự đây là thời gian rất khổ sở vì từ lúc mới chào đời đến giờ, bé chưa bao giờ ngủ xa tầm mắt ba mẹ, nhất là những gia đình cho con ngủ chung giường. Chị Nguyễn Thị Thu Khanh (TP HCM) vỡ kế hoạch khi con gái mới lên 2 tuổi, sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Tuy vậy, chị vẫn muốn chuẩn bị phòng riêng cho con để bé tập suy nghĩ, hình thành thói quen tự lập, riêng tư. “Đây là giai đoạn khó khăn cho cả nhà. Không chỉ bé mà ba mẹ cũng khó ngủ khi để con ngủ riêng, cảm giác tội lỗi như bỏ rơi con”, chị Khanh chia sẻ. Tuy nhiên, nhờ có tìm hiểu thông tin nuôi dạy con từ người Nhật thời gian đi du học và qua các sách báo châu Âu, chị đã thực hiện tách con ngủ phòng riêng thành công mà không cần nước mắt.

Dưới đây là những ý tưởng từ các bậc cha mẹ đã cho con ngủ riêng thành công, không nước mắt:

Đừng “bỏ rơi” con đột ngột

Chị Khanh cho biết từ khi có tin vui bé thứ hai, chị bắt đầu thực hiện việc chuyển phòng cho con nên việc thay đổi này diễn ra âm thầm trong thời gian dài. “Miễn là em bé chưa ra đời, thì các mẹ không cần gấp gáp bắt con qua phòng riêng”, chị nói

Thay vào đó, hãy sử dụng thời gian chuẩn bị chuyển dần con sang phòng ngủ mới. Tuy nhiên, cha mẹ hãy nhớ rằng nên hoàn thành việc tập con ngủ riêng trước khi đứa trẻ tiếp theo chào đời. Điều này sẽ giúp con tránh được cảm giác ghen tỵ với em bé sắp chào đời, cho rằng vì em mà mình bị đuổi ra khỏi phòng.

Tạo ấn tượng tốt với con về căn phòng

Hãy tỏ thái độ cho thấy phòng của con thực sự là phòng của “một đứa trẻ trưởng thành”, rất thú vị và rộng rãi trước khi cho con qua đó. Cha mẹ nên tập trung giới thiệu cho con những mặt tích cực của căn phòng mới. Nếu đó là căn phòng lớn hơn phòng của vợ chồng bạn, hãy nói với trẻ về khoảng trống mà con sẽ được chơi đùa. Nếu con bạn luôn muốn trở thành “Big Kid” (đứa trẻ trưởng thành), hãy nói rằng căn phòng cũ của con chỉ dành cho trẻ em, để con mong muốn chuyển nơi ngủ.

Chuyển các vật quý giá vào phòng mới

Hãy bắt đầu việc chuyển phòng bằng cách mang một số vật phẩm yêu thích của bé vào phòng mới, như thú nhồi bông hoặc đồ chơi yêu thích. Trước đó, hãy lên kế hoạch dành thời gian cùng con vào phòng mới chơi đùa trước khi chuyển. Ngoài ra, hãy thử cho con thực hiện một thói quen trong phòng mới trước giờ đi ngủ hằng đêm, như cùng con đánh răng, hay đọc một câu chuyện…

Cho bé tham gia trang trí phòng

Để giúp việc ngủ phòng riêng của con trở nên ít đáng sợ và mơ hồ hơn, hãy cho trẻ có cảm giác tự kiểm soát, tự quyết định. Ví dụ, rất tuyệt nếu vợ chồng bạn cho con cùng chuyển vài món đồ phòng phòng mới hoặc cùng lên kế hoạch, đi mua đồ, trang trí phòng. Nếu trẻ quá nhỏ để đi ra ngoài thực hiện những công việc đó, hãy cho con lựa chọn màu sơn, chọn bộ khăn ra trải giường.

Giữ nguyên giờ đi ngủ

Khi một trẻ vừa chuyển sang phòng ngủ mới, điều quan trọng là cha mẹ hãy giữ thói quen đi ngủ như ngày thường. Đây không phải là thời gian để thay đổi giờ ngủ hay những thứ khác của con. Khi hiểu được những điều xảy ra tiếp theo với mình, con sẽ tự điều chỉnh thích nghi nhanh hơn với môi trường mới xung quanh.

Làm buổi tiệc nhỏ mừng con

Khi trẻ đã hoàn thành việc ngủ riêng, hãy tổ chức cho con một buổi lễ nhỏ để kỷ niệm sự thay đổi dũng cảm này, giúp con phấn khích, có động lực để tiếp tục. Dịp này, hãy mua tặng con vài món đồ chơi, đồ dùng mới trong phòng cũng như các món trang trí nhỏ như một món quà bất ngờ cho thiên thần của bạn.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang