Một ngày nọ, bà mẹ tên Tiểu Lý (Trung Quốc) từ công ty trở về nhà, vừa đến cửa cô lập tức nghe thấy tiếng la mắng của chồng bên trong. Cô tự hỏi không biết đã có chuyện gì xảy ra. Khi Tiểu Lý vội vã mở cửa thì không khỏi được phen giật mình khi nhìn thấy con gái 3 tuổi đang quỳ trên sàn nhà. Còn chồng cô ngồi trên sofa và mắng con gái.
Tiểu Lý vội hỏi nguyên do làm sao chồng lại phạt con gái đến mức ấy thì được biết, hóa ra chồng cô có để hộ chiếu trên bàn cafe trong phòng khách, vì anh chuẩn bị đi công tác, và con gái đã dùng bút màu vẽ loạn xạ lên hộ chiếu của bố, khiến nó không còn nhìn ra chữ nghĩa hình thù gì nữa.
Tiểu Lý sau khi nhìn rõ cuốn hộ chiếu đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bàn tay bé xinh của con gái, cô thật sự "câm nín" không nói được lời nào. Thực sự nhìn đám hình vẽ hài hước ấy cô rất muốn cười. Nhưng bởi chồng cô còn đang tức giận phừng phừng với "kiệt tác" của cô con gái nhỏ, Tiểu Lý chỉ đành làm ra vẻ thản nhiên. Cô giục con gái nhanh đứng dậy, dặn con lần sau không được làm như vậy nữa. Rồi cô nhẹ nhàng khuyên chồng đừng giận con nữa vì suy cho cùng con gái vẫn còn nhỏ chưa hiểu hết mọi chuyện.
Chắc chắn đã là cha mẹ thì sẽ đều được trải qua cảm giác tức điên người nhưng "bất lực" không biết làm thế nào như cặp vợ chồng trong câu chuyện phía trên. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi đối mặt với việc con mắc lỗi là:
Hãy giữ bình tĩnh: Nhiều người không thể bình tĩnh nổi khi con bày trò nghịch ngợm hoặc phá hư đồ đạc. Họ sẽ la mắng con thậm tệ, thậm chí sử dụng tới đòn roi. Nhưng cách giải quyết này thật sự lợi bất cập hại. Khi bị cha mẹ mắng mỏ, đánh đòn, trẻ sẽ cho rằng cha mẹ không yêu chúng nữa, làm tồi tệ hơn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, đôi khi những trò tinh nghịch của bé mục đích lại là muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ. Vì vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cha mẹ cần làm chính là phải bình tĩnh, từ đó mới tiến hành những bước tiếp theo.
Giảng giải lý lẽ: Mặc dù trẻ nhỏ chưa hiểu hết được mọi chuyện nhưng trẻ vẫn hiểu và tiếp thu được sự việc ở một mức độ nhất định. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ hãy bình tĩnh giải thích cho con hiểu những gì con có thể làm và những gì không được phép, chỉ ra cho trẻ thấy hậu quả của việc mắc lỗi. Cách làm này sẽ giảm thiếu số lần trẻ phạm sai lầm. Và nếu cha mẹ có thể làm tốt điều này ngay từ khi trẻ còn nhỏ, sau này lớn lên trẻ sẽ ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ hơn.
Cho trẻ cơ hội sửa sai: Ai cũng có thể mắc sai lầm, huống chi là đứa trẻ chỉ mới vài tuổi. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con sửa sai. Việc làm ấy vừa giúp con không tái phạm lần sau vừa hình thành cho con thói quen "sai phải sửa". Ngoài ra, trẻ cũng sẽ học được sự khoan dung từ cha mẹ mình.
Tránh nuông chiều con: Nhiều cha mẹ rất nghiêm khắc, ngược lại có những người vô cùng nuông chiều con cái. Họ cho rằng trẻ nhỏ thì biết gì, mắc lỗi là chuyện bình thường, khi nào lớn trẻ sẽ tự hiểu đúng sai. Nhưng chính sự nuông chiều ấy dần dần tạo nên tính cách xấu cho trẻ, tới khi con lớn thì việc uốn nắn đã trở nên rất khó khăn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.