Lúc mới phát hiện con bị bại não, nhiều người nói với chị Hạnh rằng "con chẳng ở được với mình lâu nữa đâu", chị đau khổ đến mức muốn "chết đi sống lại". Lúc con được 6 tháng tuổi, chồng chị cũng rời bỏ hai mẹ con để có cuộc sống riêng.
Nuôi con bệnh tật, việc làm thì không có, chị Hạnh từng rơi vào bế tắc, muốn buông xuôi. "Giai đoạn đầu tưởng như tôi không thể nuôi được con, kinh tế không ổn định, bản thân lại không biết phải chăm sóc con như thế nào", chị Hạnh nhớ lại.
Lo lắng, bế tắc cứ vây lấy cuộc sống của hai mẹ con chị. Nhiều đêm chị ôm con khóc, thấy tương lai như đóng sập trước mắt. Khi con lên 4 tuổi, chị Hạnh đưa con vào Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, hy vọng tình trạng của con sẽ được cải thiện. Đến đây, chị mới thấy nhiều người có hoàn cảnh như mình.
Tìm được sự đồng cảm, chị bắt đầu vực lại tinh thần. Lúc đó, con chị không đi đứng được, chỉ nhận được người quen, người lạ. Để có tiền lo cho cuộc sống và chữa bệnh cho con, chị nhận làm nhiều việc, từ quét dọn, phụ bếp, nấu ăn đến chăm sóc bệnh nhân.
Thấy chị chịu thương chịu khó, có trách nhiệm, Bệnh viện đã nhận chị làm lao động thời vụ. Sau một thời gian học tập, hoàn thành các chứng chỉ nghề, chị được vào làm hộ lý.
"Khi đó, tôi tranh thủ đi học các khóa học nghiệp vụ. Ban ngày, tôi nhờ mẹ đẻ chăm con, tối đến tôi đọc tài liệu, chỗ nào không hiểu thì tôi hỏi các bác sĩ, y tá trong bệnh viện. Thời gian tuy eo hẹp nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người tôi đã làm tốt công việc theo yêu cầu. Đến nay, tôi đã gắn bó với công việc hộ lý được 16 năm", chị Hạnh chia sẻ.
Đến năm con 16 tuổi, chị để con ở nhà, nhờ bà ngoại cháu trông giúp trong lúc chị đi làm. Con biết gọi mẹ, gọi bà và hiểu được một số câu giao tiếp. Hằng ngày, chị tranh thủ giờ nghỉ trưa về trông con cho bà ngoại nghỉ ngơi.
"Mẹ là người tiếp sức cho tôi. Năm nay mẹ 90 tuổi nhưng hằng ngày vẫn trông con cho tôi đi làm. Cuối tuần, tôi ở nhà thì mẹ tôi được nghỉ ngơi nhưng không thấy bà ngoại là thằng bé lại ú ớ gọi bà. Tôi vẫn nói vui là mẹ ngoại làm việc 7 ngày trong tuần", chị Hạnh chia sẻ.
Làm hộ lý tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, lại là một người mẹ có con bị bại não, chị thấu hiểu nỗi vất vả của những bậc cha mẹ có con phải điều trị ở đây. Chị thường động viên cha mẹ của các bệnh nhi bình tĩnh, kiên cường làm chỗ dựa cho con, đừng dằn vặt bản thân, cũng không so sánh con mình với con người khác.
Hằng ngày đi làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều và trực ca vào thứ 7, chủ nhật, công việc luôn chân luôn tay nhưng đối với chị Hạnh, đó là hạnh phúc. Tình cảm của đồng nghiệp và sự tiến triển tốt của bệnh nhân là nguồn động viên chị trong công việc và cuộc sống.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.