Mẹ già thương "bánh mì kẹp"
"Thế hệ bánh mỳ kẹp" (Sandwich Generation) là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra, để chỉ nhóm người trung niên (40-50 tuổi) vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái.
Đặc biệt khi tỷ lệ kết hôn muộn ngày càng tăng, thế hệ "bánh mì kẹp" ngày càng vất vả hơn vì cha mẹ già hơn và con cái nhỏ hơn.
Chị Hoàng Ánh (40 tuổi, Đà Nẵng) có 2 nhóc, con nhỏ mới 2 tuổi, bố chị mất trước đó 5 năm, mẹ chị đã 75 tuổi và mắc nhiều bệnh mãn tính. Dù bà vẫn có thể tự đi lại được nhưng không thể làm những việc như cơm nước cho chính bản thân. Mẹ chị lại mắc 1 số bệnh như tiểu đường, huyết áp... cần chế độ ăn riêng chứ không thể theo bữa cơm gia đình, sức khỏe cần theo dõi hàng ngày.
Có lúc nhìn con gái tất bật 1 bên mẹ, 1 bên con nhỏ mà mẹ chị bảo: "Có lẽ mẹ vào viện dưỡng lão cho con đỡ vất vả. Mẹ không giận gì đâu, nhưng thương con gái, với nữa mẹ vào đó có người chuyện trò cùng lứa tuổi có lẽ cũng tốt". Chị Ánh ứa nước mắt vì mẹ cả đời chỉ lo nghĩ cho con cháu, nhưng mình thấu cảm được cha mẹ bao nhiêu?
Chị Ánh nhớ lại gần đây chị hay nổi nóng với mẹ vì bà trở nên lẩm cẩm, bà hay nói đi nói lại 1 việc đến mức phát bực, lại còn quan tâm đến chị như trẻ nhỏ. Trong lúc chị đang cuống cuồng lo việc nhà, con cái và chăm mẹ đã nổi cáu với mẹ, bà đã khóc tu tu trước mặt chị. Nhưng hôm đó mẹ chị không đòi tới viện dưỡng lão.
Chị Ánh không kỳ thị với viện dưỡng lão nhưng chị vẫn thuyết phục bà ở lại nhà. Chị biết thực chất bà thích có con có cháu xung quanh, chẳng qua là vì thái độ vô tình của chị trong lúc nào đó khiến bà cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho con cái mà muốn... không phải làm phiền con.
Tuy nhiên, sau lời đề nghị của mẹ mà chị giật mình. Chị hiểu ra chăm sóc mẹ không thôi là chưa đủ, người già cần hơn sự quan tâm, tình cảm thân thiết mỗi ngày để không có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Dù chị là thế hệ "bánh mì kẹp" sự bận rộn vất vả là rất lớn. Nhưng còn cố gắng được chị sẽ cố gắng vì thời gian bên mẹ đang bị rút ngắn. Chị nghĩ đến lời tâm sự của cô bạn: "Cậu còn mẹ để chăm sóc đấy là phước" nên chỉ cần thêm chút quan tâm đời sống tinh thần của mẹ thì chất lượng sống của mẹ cũng khác.
Người già sợ gì, cần gì?
Con cái nhiều khi chăm sóc cha mẹ già, nhưng chỉ dừng ở những quan tâm như ăn uống, thuốc thang, sức khỏe nhưng đôi khi quên mất việc chăm lo đời sống tinh thần cha mẹ. Trong khi cha mẹ cũng cần được chăm sóc về tinh thần như thuốc uống và chế độ ăn uống khoa học hàng ngày.
Người già thực chất có khát vọng giao tiếp, nếu không chú ý đến nhu cầu đó thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tuổi thọ của họ. Thực tế đừng chỉ để ý đến khủng hoảng tâm lý con trẻ, người già cũng có những khủng hoảng về tâm lý mà con cái cần biết để giúp cha mẹ được an vui lúc tuổi già.
- Sợ cô đơn: Khi con cái lớn lên đến tuổi trưởng thành và "vỗ cánh bay đi". Cha mẹ già đi lại trong cái tổ trống rỗng sẽ có cảm giác trống trải, cô đơn và "thèm" con cháu về thăm.
Trong 1 số trường hợp dù ở bên cạnh con cháu nhưng người già vẫn sẽ có cảm giác cô đơn nếu có cảm giác con cháu thiếu tôn trọng mình hoặc mình đang bị coi là gánh nặng của lũ trẻ.
- Hay nói đi nói lại 1 vấn đề: Người già hay nhớ về ngày xưa vì vậy họ thích nói chuyện cũ nên có khi kể đi kể lại. Tính lại hay quên nên vừa nói lúc trước, lúc sau lại nói. Đôi lúc người trẻ thấy phiền vì phải nghe đi nghe lại 1 vấn đề mà khó chịu, bực dọc nhưng nếu hiểu được tâm lý này của người già bạn sẽ dễ dàng cảm thông.
- Hay lo lắng: Dù con cái đã trưởng thành nhưng họ vẫn là bố, là mẹ và vẫn lo lắng cho con cháu, đôi lúc họ quên mình đã già và con cái đã lớn lên nên áp đặt suy nghĩ của mình cho con cái.
- Bi quan: Tâm lý "gần đất xa trời” khiến họ bi quan. Chính vì thế, lời nói nhiều lúc có trạng thái tiêu cực. Hãy coi đó là tâm lý bình thường.
- Ngoài ra người già cũng dễ nóng nảy, cáu gắt và phiền muộn: Người ta bảo về già lại quay trở lại gần giống trẻ con. Chỉ có điều 1 đứa trẻ thì đáng yêu, còn người già thì có cảm giác... phiền làm sao.
Nếu hiểu được tâm lý người già bạn sẽ không có cảm giác coi việc chăm sóc người già là gánh nặng, cũng như có thể giúp họ được an vui tuổi già nhờ sự tâm lý và thấu hiểu của mình.
Tuổi cao làm cho những khủng hoảng về tâm lý ngày càng tăng lên do tuổi tác và sự lão hóa của các bộ phận trong cơ thể. Lúc này nếu sự quan tâm và chăm sóc của con cái không được đầy đủ sẽ dễ dẫn đến những biểu hiện này càng trầm trọng hơn.
Vì thế, quan tâm đến vật chất với người già là đúng, nhưng cần hơn nữa sự quan tâm về tinh thần. Thấu hiểu cha mẹ ở tuổi già chính là ngọn nguồn để cha mẹ khỏe mạnh và an vui.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.