Mẹ thông minh dạy con hoàn thiện bản thân với tư duy cùng thắng

(lamchame.vn) - Trong một thế giới toàn cầu hóa như ngày này thì mối quan hệ chủ đạo là tư duy cùng thắng, nhưng hiểu đúng và dạy con đúng cách tư duy win - win này mới là mẹ thông minh.

Những tư duy tự nhiên trong cuộc sống chúng ta

Trước mỗi điều đình hay tranh chấp trong mọi quan hệ giữa hai con người, hai tổ chức, con người và tổ chức đang sống trong một thế giới nơi tài nguyên hữu hạn (trái đất, quốc gia, thành phố, gia đình) hay trước quyết định phân chia tài nguyên (tài sản, thời gian, sự quan tâm, v.v...) thì có bốn trường hợp có thể xảy ra:

1. Thắng – Thắng (Win-Win): Đôi bên cùng thắng (tôi thắng và đối tác cũng thắng). Đây là một kết thúc tuyệt vời cho các bên trong cuộc vì bên nào cũng cảm thấy mình thắng và được điều mình muốn. Các bên đều vui vẻ! Trường hợp này có thể xảy ra khi điều hai bên muốn khác nhau. Thí dụ như trong điều đình ly hôn, chồng muốn căn hộ và vợ muốn cái nhà. Rất khó để đạt được điều này khi hai bên đều muốn có được cùng một thứ như hai vợ chồng đều muốn quyền nuôi đứa con duy nhất.

2. Thắng – Thua (Win-Lose): Tôi thắng và đối tác/bạn thua. Đây là tâm lý sống còn (thắng, đạt được điều mình muốn) mà mọi động vật (con người cũng như cá) hầu như được lập trình một cách tự nhiên. Khi thắng, khoa học tìm thấy hóa chất dopamine và testorone được tăng cường phóng thích vào não bộ tạo nên cảm xúc phấn khích, vui vẻ, tự tin và ngược lại lượng hóa chất này giảm đi khi thua cuộc gây nên cảm xúc buồn, giận, trầm cảm, mất tự tin. Do đó phản ứng tự nhiên của con người khi đứng trước tranh chấp/điều đình là tranh đấu để thắng.

3. Thua – Thắng (Lose-Win): Ngược lại với Thắng – Thua, trường hợp này tôi thua và bạn/đối tác thắng. Điều này đi ngược với tự nhiên do đó nếu bạn quyết định và chấp nhận là bên thua cuộc thì cần phải biết rỏ lý do và cái giá của nó (đánh đổi để thắng ở lĩnh vực khác). Nếu không thì với tư duy này cuộc đời của bạn rất dể bị lạm dụng và lợi dụng.

4. Thua – Thua (Lose-Lose): Ngược lại với Thắng – Thắng, khi hai bên có cùng tư duy Thắng-Thua và kết quả không được điều mình muốn. Bên thua cuộc dễ dàng có suy nghĩ ‘Tao không được thì tao phá cho nát/hư/thối’ và đi đến hành động ‘trả thù’/’trả đũa’ đưa đến hậu quả cả hai bên đều Thua. Điều này được thấy xảy ra thường xuyên ở những ly dị có tranh chấp gay cấn.

Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, tác giả Stephen Covey thuyết phục con người nên phấn đấu để có giải pháp Win-Win trước mọi tranh chấp/điều đình vì cuộc sống của mỗi người không hoàn toàn độc lập mà đều lệ thuộc vào nhiều người khác. Trên lý thuyết đây là một triết lý sống tuyệt vời. Nó giống như lý thuyết của một xã hội tuyệt vời khi mọi người được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên trên thực tế, “Tất cả các loài động vật đều bình đẳng , nhưng một số loài lại muốn bình đẳng hơn.” (George Orwell, Animal Farm). Con người ai cũng muốn sống trong hòa bình, nhưng thực tế trong lịch sử của con người thì thế giới chưa hề có hòa bình. Do đó trong thực tế thì khó để đạt được giải pháp win-win vì nó đòi hỏi nỗ lực vượt qua giới hạn của sự phấn đấu tự nhiên cho tồn tại của con người. Theo tự nhiên con người chỉ cần phấn đấu để họ, gia đình họ, cộng đồng họ, hay đất nước họ tồn tại còn bạn, gia đình bạn, cộng đồng bạn, hay đất nước bạn thì tôi không cần phải lo. Những chính sách của tổng thống Donald Trump đưa ra cho Mỹ cũng như quốc tế nằm trong giới hạn của tư duy tự nhiên này.

Điều kiện để ta nhận thức được tư duy cùng thắng

Điều kiện để có giải pháp Win-Win là
1. Hai bên đều coi trọng và mong muốn duy trì mối quan hệ như nhau, và
2. Cá nhân của đôi bên đều là người chính trực, trưởng thành, và có tư duy ‘dư thừa’ (abundance), hay
3. Hai bên cân bằng quyền lực do đó phải chấp nhận điều đình.

Tuy nhiên trên thực tế khi hai bên cân bằng quyền lực thì thường đưa đến bế tắc như Quốc hội Mỹ khi hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có số ghế gần nhau thì thường hay xảy ra việc phải đóng cửa chính phủ! Các nghị sĩ đều là người trí thức, yêu nước, hiểu biết luật cũng như mong muốn xây dựng đất nước. Một thí dụ bế tắc khác từ tranh chấp gia đình khi hai bên có quyền lực khá cân bằng như trong trường hợp của vợ chồng café Trung Nguyên.

Điều này được giải thích qua thí nghiệm tâm lý học (Prisoners’ dilemma) (tình thế khó xử của hai tên tù), mặc dù hai bên đều biết nếu họ cộng tác thì giải pháp win-win là giải pháp tốt nhất cho ‘CẢ’ hai và hai bên có thời gian cũng như cơ hội trao đổi với nhau trước khi đưa ra quyết định. Kết quả dưới 20% con người chấp nhận hợp tác. 80% người còn lại cho dù có trao đổi vẫn muốn giải pháp tốt nhất cho ‘CÁ NHÂN’ mình chứ không cho ‘CẢ’ hai. Trong xã hội càng khủng hoảng niềm tin thì con số bất hợp tác càng cao. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về thí nghiệm này thì Google ‘Prisoners’ dilemma’.

Thêm nữa trên thực tế, khó để đạt được điều kiện 1 và 2 ở trên để có giải pháp win-win khi cả hai bên cùng coi trọng giá trị của mối quan hệ và có ý thức hệ giống nhau. Trong mọi quan hệ, đặt biệt là quan hệ kinh doanh, bên nào có mong muốn thấp nhất trong việc duy trì mối quan hệ thì bên ấy có quyền lực điều đình cao nhất. Đó là lý do tại sao trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vừa qua, TT Trump tuyên bố hủy cuộc họp để nâng cao thế lực điều đình của mình trước khi cuộc họp thật sự xảy ra. Cũng như trong mối quan hệ đại gia – chân dài, ai là người có quyền quyết định duy trì mối quan hệ này? Bạn nghĩ rằng đại gia sẽ là người tìm giải pháp win-win cho hai bên khi anh ta muốn chấp dứt mối quan hệ? Khi một tập đoàn lớn điều đình với đối tác gia công nhỏ, nhiều lúc họ sử dụng mỹ từ Win-Win để đánh lừa sự chú ý cho các điều khoản có lợi cho riêng họ. Nếu áp lực sống còn như việc sử dụng robots để sản xuất sản phẩm tại thị trường người tiêu dùng thay vì gia công ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam (điều này sẽ xảy ra trong tương lai gần với công nghệ 4.0), bạn nghĩ rằng tập đoàn lớn sẽ quan tâm đến sự sống còn của công ty gia công hay cuộc sống của công nhân của công ty ấy?

Cách để có tư duy cùng thắng trong cuộc sống

Trước thực tế phũ phàng như thế thì cơ hội cho phát triển tư duy win-win trong phát triển quan hệ cá nhân/tổ chức để mỗi cá nhân trong cuộc có cuộc sống hạnh phúc hơn vẫn có. Nhưng nó đòi hỏi sự phấn đấu của các bên, đặt biệt là bên có thế lực điều đình lớn hơn trong việc tìm giải pháp win-win cho mọi tranh chấp hay khác biệt. Để làm được điều này, bạn có thể tập cho mình có một quy trình trong giải quyết các vấn đề trong quan hệ.

Bước 1: Không vội vàng phản ứng khi có sự bất đồng. Hai bên đồng tình về sự khác biệt hay bất đồng nhưng không vội đánh giá nó. Giá trị của trí tuệ cảm xúc là ở đây.

Bước 2: Chia sẻ về giá trị của mối quan hệ và mong muốn tìm giải pháp win-win để duy trì mối quan hệ. Đồng tình với nhau là hai bên sẽ gạt bỏ cảm xúc khi tìm giải pháp.

Bước 3: Cố gắng ‘hiểu để rồi được hiểu’ . Lắng nghe và cố gắng hiểu vấn đề từ quan điểm của đối phương.

Bước 4: Không để cảm xúc Thắng-Thua (phản ứng tự nhiên) lấn át, trao đổi để cùng nhau tìm ra giải pháp mà đôi bên cùng vui vẻ. Giá trị của tư duy sáng tạo là ở đây vì phải đưa ra nhiều giải pháp có thể để cùng nhau đánh giá.

Đây là một vấn đề ‘Nói thì dể nhưng làm thì rất khó’. Bản thân tôi cũng chỉ là đứa học trò đang cố gắng học để phát triển tư duy này trong quan hệ cá nhân cũng như trong tổ chức. Chúc bạn may mắn.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang