Bất kỳ ai sống trong thành phố lớn chắc chắn sẽ hiểu rằng, sở hữu một khu vườn đúng nghĩa không phải là điều dễ dàng.
Ngay cả việc có một ban công, khéo léo tận dụng khoảng diện tích để trồng cũng là điều may mắn. Gia đình chị Thu Thủy hiện đang sống ở Đức, chị tận dụng ngay khoảng ban công nhỏ xinh hướng Nam để trồng những loại cây mình thích.
Tuy nhiên, nhu cầu thưởng thức các loại thực phẩm sạch đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mọi thành viên luôn cấp thiết. Vì thế, chị Thủy chọn cách chủ động lựa chọn các loại hạt và có thói quen trồng rau mầm.
Chị Thu Thủy cho biết: "Mình có thói quen trồng rau mầm (Sprouts) và rau non Microgreens, cách dễ nhất để trồng rau trong nhà". Theo kinh nghiệm của chị Thủy, rau mầm không được trồng trên đất mà trồng trong lọ, tháp trồng rau mầm hay hộp thủy tinh. Chị Thủy chọn cách trồng rau mầm bằng đất nung vì thấy khá hiệu quả. Hộp đựng thức ăn cũng có lỗ thoát khí rất tốt hỗ trợ cho hạt nhanh nảy mầm, cây lớn nhanh.
Đầu tiên, chị Thủy chuẩn bị chỗ trồng như khay, hộp, tháp… Chị lưu ý cần rửa thật kỹ, thật sạch để tránh mầm bệnh gây hại trong quá trình gieo hạt giống. Để bắt đầu trồng, chị ngâm qua đêm hoặc vài tiếng trước khi gieo. Chị đặt mỗi khay đất nung vào một tờ giấy ăn để đảm bảo giữ hạt ẩm hơn và hạt nhỏ không rơi qua lỗ, rải hạt lên giấy và tưới vào khay trên cùng hai ba lần một ngày. Nếu không dùng loại đất nung, chị khuyên nên trải ít nhất 4 lớp giấy ăn để tăng độ giữ ẩm.
Trong hai ngày đầu hạt nảy mầm, chị Thủy xếp các khay kín lên nhau không có ánh sáng. Mục đích giúp hạt nảy mầm nhanh hơn. Khi dùng khay hấp, chị Thủy lưu ý để 3 – 4 ngày đầu mới đậy nắp để giữ ẩm (nắp có lỗ để mầm được thở).
Vì không có đất nên rau mầm có thể ăn được cả rễ. Bản thân rễ rau mầm chứa rất nhiều dinh dưỡng và vitamin. Rau mầm không đòi hỏi ánh sáng và có thể thu hoạch 3 – 7 ngày sau khi gieo. Thu hoạch càng muộn, vị càng đỡ hăng.
Rau mầm cũng cần ít công chăm sóc, cần ít không gian, có thể trồng quanh năm, hàm lượng dinh dưỡng cao và có thể cung cấp cho cơ thể lượng vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng vượt mức trung bình. Đó cũng là lý do và động lực giúp chị Thủy tạo thói quen trồng rau mầm cho cả nhà thưởng thức.
Chị Thủy thường trồng rau mầm từ hạt như xà lách, bông cải xanh, đỗ, đậu Hà Lan, bắp cải đỏ, củ cải, súp lơ, bạc hà, húng quế, thì là, rau mùi… Bệ cửa sổ là vị trí đặc biệt tốt, cung cấp đầy đủ ánh sáng cho loại siêu thực phẩm này. Bệ cửa sổ là nơi đủ mát mẻ và có ánh sáng không trực tiếp rất lý tưởng. Theo chị Thủy, nhiệt độ phát triển tối ưu cho rau mầm từ 18 – 29 độ C. Theo chị Thủy, nếu nhà không có nhiều nắng, có thể cân nhắc mua đèn LED trồng cây. Sau khi thu hoạch, chị Thủy rửa sạch khay và ngâm trong nước, thêm giấm táo qua đêm để tiệt trùng.
Ngoài rau mầm, chị Thủy còn trồng thêm rau non bằng hộp trứng hoặc khay nướng có lót giấy nến. Rau non thu hoạch khi được vài tuần tuổi, chúng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và giúp cơ thể khỏe mạnh nhờ dễ tiêu hóa. Nhờ đó, mỗi bữa ăn gia đình luôn được bổ sung đủ dưỡng chất kịp thời.
Nguồn ảnh: NVCC
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/me-viet-chia-se-cach-trong-du-loai-rau-mam-cuc-de-va-nhanh-dam-bao-dinh-duong-cho-gia-dinh-trong-mua-dich-22202139135424842.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.