Bánh xếp là một trong những món ăn được sử dụng tiện lợi, ngoài bữa chính có thể dùng làm bữa phụ hoặc ăn sáng đều được. Có nhiều công thức bánh xếp chứa đựng các hương vị khác nhau, nhưng điều đặc biệt ở món bánh xếp tôm này là sự mọng nước và thơm ngon khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau.
Bánh xếp tôm mới làm xong, thơm lừng, chẳng ngạc nhiên mà ai cũng sẽ tấm tắc khen ngon. Vỏ ngoài hơi giòn, nhân mềm mọng bên trong, khi cắn một miếng nước thịt nóng hổi đậm đà sẽ chinh phục vị giác của bạn.
Việc chọn nguyên liệu làm nhân rất quan trọng nhưng không khó. Chỉ cần tôm tươi, thịt lợn băm tươi nguyên, ba phần mỡ bảy phần nạc là vừa độ giúp nhân không khô cứng cũng không quá béo ngậy.
Cách làm bánh xếp tôm thơm ngon
Nguyên liệu cần thiết
Thịt lợn băm - 250g
Tôm tươi - 250g (căn chỉnh số lượng bánh xếp bạn làm, mỗi bánh xếp sẽ dùng 2 con tôm)
Trứng gà - 1 quả
Hành lá cắt nhỏ, chanh tươi
Nước tương, dầu hào, muối, bột năng, nước lọc
Cách thực hiện bánh xếp tôm
Trong một bát tô, cho hành lá cắt nhỏ, nửa muỗng dầu ăn, 1 muỗng nước tương nhạt, 1 muỗng dầu hào và thịt lợn băm. Trộn đều tất cả. Nếu bạn lo ngại về mùi của thịt lợn băm, nhất là loại mua sẵn thì có thể kiểm tra hạn sử dụng, mua loại thịt mới nhất. Ngoài ra, bạn có thể thêm nước gừng tươi và tiêu vào trộn cùng thịt để tăng mùi thơm.
Đập trứng gà vào bát và trộn đều sẽ giúp thịt mềm và mọng nước hơn trong quá trình chế biến.
Tôm tươi mua về rửa sạch, bỏ vỏ, đầu, chỉ lưng đen. Vắt chanh vào để khử mùi tanh khoảng 5 phút. Bạn cũng có thể sử dụng tôm đông lạnh nếu không có thời gian.
Trong công thức này, bánh xếp tôm sử dụng vỏ bánh xếp làm sẵn, nếu có thời gian bạn có thể tự làm vỏ bánh để đạt được hương vị vỏ bánh như ý muốn.
Cho nhân thịt vào từng lá vỏ bánh, đặt hai con tôm lên và gấp chặt hai đầu lại.
Đầu tiên túm hai góc nhỏ ở hai bên chụm lại với nhau. Nếu chưa quen, bạn có thể làm thử vài lần sẽ thành thạo.
Trong một bát nhỏ, cho 5g bột năng và 80g nước vào, khuấy đều. Để riêng lát sẽ dùng. Xịt lớp dầu mỏng lên chảo chống dính rồi đặt các miếng bánh xếp vào chảo. Để lửa nhỏ, đến khi phần đế bánh chuyển màu cánh gián, khá giòn thì đổ nước bột năng lên. Đậy vung lại và đun đến khi nước cạn.
Khi hoàn thành, bánh xếp tôm có độ bóng, mọng của vỏ bánh xếp, đế bánh giòn thơm, không bị cháy, phần thịt không bị chảy ra ngoài.
Hãy ăn món này khi còn nóng, bạn sẽ bất ngờ bởi vị ngon ngọt của nó đấy!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.