Một bài tập đọc trong sách tiếng Việt 1 khiến hội phụ huynh chia 2 "chiến tuyến", nhiều người đánh giá nội dung quá phi thực tế

Chỉ một bài tập đọc chưa đầy 100 chữ trong sách tiếng Việt lớp 1 đã khiến hội phụ huynh tranh cãi nảy lửa, mãi vẫn chưa có hồi kết.

Cả tháng nay, câu chuyện sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều có nhiều nội dung thiếu tính nhân văn, không phù hợp với nhận thức của trẻ vốn dĩ không mới. Nhưng không vì thế mà chủ đề này có dấu hiệu "hạ nhiệt". Lâu lâu, trên các diễn đàn dành cho bố mẹ có con học lớp 1 lại có một văn bản bị lôi ra tranh cãi về từ ngữ, như mới đây nhất là bài tập đọc "Nụ hôn của mẹ". Tựa đề đáng yêu thế kia nhưng nội dung bài đọc lại đang nhận về vô số ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh học sinh cũng như giáo viên.

Cụ thể, câu chuyện này có nội dung như sau:

"Nụ hôn của mẹ

Chi bị sốt. Mẹ đưa bé lên trạm y tế. Cô y tá tiêm cho Chi. Chi vẫn nằm thiêm thiếp. Mẹ hôn lên trán Chi. Nụ hôn của mẹ thật ấm áp. Chi từ từ mở mắt, thì thầm:

- Mẹ à, con chả ốm nữa.

Mẹ sờ trán Chi. Bé đã hạ sốt".

Thêm một bài tập đọc trong sách tiếng Việt 1 khiến hội phụ huynh chia hai

Mẩu chuyện đang "gây chia rẽ" phụ huynh.

Thoạt đọc có thể không nhận ra vấn đề bởi câu chuyện quá sức là dễ thương, không chỉ đề cao mẫu tử thiêng liêng mà còn gợi cho nhiều người lớn nhớ về những đêm sốt li bì được mẹ cạnh bên chăm nom, bón từng miếng cháo muỗng thuốc rồi thỉnh thoảng được mẹ hôn lên trán.

Nhưng, nhiều phụ huynh "tinh ý" nhận ra mẫu chuyện này thực sự quá phi lý và phản khoa học, không thích hợp để giáo dục học sinh vì sẽ vô tình tạo ra sự hiểu lầm cho trẻ. "Làm sao cô ý tá tiêm thuốc thì vẫn sốt nằm thiêm thiếp mà chỉ cần mẹ hôn lên trán là lập tức tỉnh ngay và nói con chả ốm nữa được rồi hạ sốt luôn? Nụ hôn của mẹ dù ấm áp thiêng liêng đến mấy thì cũng không thể có khả năng chữa bệnh thần kì thế được, trừ khi mẹ có năng lực siêu nhiên", một phụ huynh hóm hỉnh bình luận.

"Theo tôi, tác giả Lê Châu đã quá phóng đại nội dung câu chuyện. Nếu bài đọc này cho trẻ lớp 3, lớp 4 còn được, chứ trẻ lớp 1 nó làm gì phân biệt được thực tế và nói quá. Cứ vậy đến khi con sốt, nó bảo con không uống thuốc đâu, mẹ hôn trán là con khỏi bệnh có phải mệt quá trời không. Cái gì cũng cứ phải thực tế, logic một tí", phụ huynh có tên Diễm Hằng nêu ý kiến.

Một số phụ huynh cũng tỏ ra bâng khuâng khi cô bé dùng từ "chả" để nói chuyện với mẹ của mình. Đây được xem như là cách giao tiếp không phù hợp, chỉ dùng cho những cuộc hội thoại giữa bạn bè với nhau, nếu nói chuyện với mẹ như thế thì chẳng khác nào bất lịch sự.

Thêm một bài tập đọc trong sách tiếng Việt 1 khiến hội phụ huynh chia hai

Nên tập trung vào ý nghĩa nhân văn của câu chuyện thay vì soi xét những lỗi, "hạt sạn" trong quyển sách.

Luồng ý kiến trái ngược lại cho rằng, mọi người nên tập trung vào ý nghĩa nhân văn của câu chuyện thay vì soi xét những lỗi, "hạt sạn" trong quyển sách bởi thực tế trẻ con không suy nghĩ sâu xa như người lớn. Với những đứa trẻ khi ốm, chỉ cần mẹ thơm là đủ hạnh phúc rồi.

"Tôi thấy giống như việc chê sách tiếng Việt bây giờ là trào lưu, đụng gì cũng chê được. Câu chuyện đáng yêu là thế, không có vấn đề gì cả. Chẳng phải người lớn mỗi khi mệt mỏi mà ở bên cạnh người mình yêu thương cũng thấy tinh thần phấn chấn lên sao? Bảo sợ trẻ con hiểu sai, vậy thì đọc truyện cổ tích, ngụ ngôn cho con làm gì?", một người mẹ bình luận.

"Mà nhiều người cứ làm như sách tiếng Việt trẻ tự đọc tự hiểu thì phải? Còn cô giáo giảng bài ở lớp nữa chứ. Thay vì dành thời gian để bắt lỗi thì các bậc phụ huynh để giải thích cho con trẻ hiểu hơn về mẩu chuyện cũng như là phân tích đúng, sai có phải có ích hơn không?", chị nói tiếp.

Hiện mẩu chuyện nhỏ này vẫn đang được bàn tán rôm rả trên mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/mot-bai-tap-doc-trong-sach-tieng-viet-1-khien-hoi-phu-huynh-chia-2-chien-tuyen-nhieu-nguoi-danh-gia-noi-dung-qua-phi-thuc-te-162202210150256900.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang