Một lãnh thổ châu Á nhận lời khuyên lạ: Vẫn tiêm vaccine COVID-19, nhưng hãy "quên miễn dịch cộng đồng đi"

Các chuyên gia y tế tin rằng việc đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19 không còn là mục tiêu thực tế đối với đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).

HỒNG KÔNG NÊN THAY ĐỔI MỤC TIÊU?

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), lời khuyên nói trên trên đã được các nhà khoa học đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng của Hồng Kông tiếp tục tăng, và trưởng đặc khu Carrie Lam đã dự đoán rằng tỉ lệ tiêm chủng có thể đạt đến 70% vào cuối tháng 9 tới.

Tuy nhiên, trả lời SCMP, các nhà dịch tễ học nhận định rằng ngưỡng 70% để đạt được miễn dịch cộng đồng đã trở nên lỗi thời với sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn khiến vaccine kém hiệu quả hơn.

 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xuất hiện các biến thể của SARS-CoV-2, Hồng Kông cần tiêm cho ít nhất 80% dân - tương đương 6 triệu người để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Kể từ khi đợt tiêm chủng bắt đầu vào cuối tháng 2, Hồng Kông chỉ mới tiêm đủ 2 liều cho 2,21 triệu người. Con số này nằm trong 3 triệu người - tương đương 40% dân - được tiêm ít nhất một liều.

Những diễn biến phức tạp của đại dịch đã khiến nhiều nhà khoa học nhận ra rằng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng có thể không thực tế.

Các chuyên gia cho biết một số biến thể của SARS-CoV-2 đã làm suy yếu hiệu quả của các loại vaccine.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hiện đã xuất hiện ở ít nhất 124 quốc gia và nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng vaccine có tỷ lệ hiệu quả chống lại nó thấp hơn.

Giáo sư Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học hàng đầu của Đại học Hồng Kông, cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể chỉ dựa vào vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng... Nếu một nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng chưa đạt được miễn dịch cộng đồng, thì có một lựa chọn là mở cửa trở lại và chuẩn bị đón nhận một 'làn sóng thoát ra' - tức sự bùng phát lần cuối cùng khi cộng đồng mở cửa và các biện pháp hạn chế bị loại bỏ".

Một lãnh thổ châu Á nhận lời khuyên lạ: Vẫn tiêm vaccine COVID-19, nhưng hãy quên miễn dịch cộng đồng đi - Ảnh 2.

Giáo sư Benjamin Cowling

Ví dụ, nước Anh ngày 19/7 tuyên bố "Ngày Tự do" khi các hạn chế chống dịch được gỡ bỏ. Nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho khoảng 68% dân số, nhưng sau khi mở cửa thì số ca nhiễm đã tăng trở lại và dự kiến sẽ ghi nhận thêm hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong những tháng tới.

 

Lựa chọn đó được coi là bất khả thi đối với Hồng Kông, nơi mà các nhà lãnh đạo vẫn kiên trì với mục tiêu "không lây nhiễm bệnh cục bộ" với hy vọng đáp ứng các yêu cầu khó khăn do Bắc Kinh đặt ra để nối lại việc di chuyển giữa đặc khu này và đại lục.

Tính đến ngày 24/7, Hồng Kông đã duy trì liên tiếp 47 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Giáo sư Cowling cho biết: "Một lựa chọn chính sách khác là tiếp tục với chiến lược 'zero Covid' (không Covid) để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho đến khi có thể thực hiện thêm các đợt tiêm chủng để tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng."

Nhưng điều đó càng đặt Hồng Kông vào vị trí nguy hiểm hơn nếu có thêm những biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện.

Ông nói: "Tôi hy vọng rằng thế giới sẽ học cách sống chung với COVID-19 và xử lý nó theo cách tương tự như bệnh cúm mùa".

BIẾN THỂ COVID-19 LÀM THAY ĐỔI CÁC DỰ ĐOÁN

Trợ lý giáo sư Kwok Kin-on của trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Trung Quốc cho biết mục tiêu ban đầu của tỷ lệ tiêm chủng 70% được dựa trên giả định rằng 1 người nhiễm bệnh có thể lây cho 3 người khác - theo tỷ lệ lây nhiễm của chủng virus ban đầu - và cả 2 loại vaccine sẵn có sẽ duy trì tỷ lệ hiệu quả từ 60 đến 95%.

Nhưng sự xuất hiện của các biến thể đã thay đổi tất cả. Các nhà khoa học ước tính rằng 1 người bị nhiễm biến thể Delta có thể lây nó cho ít nhất 5 người khác.

Một lãnh thổ châu Á nhận lời khuyên lạ: Vẫn tiêm vaccine COVID-19, nhưng hãy quên miễn dịch cộng đồng đi - Ảnh 4.

Giáo sư Kwok Kin-on

Thay vì theo đuổi khả năng miễn dịch cộng đồng, ông Kwok cho biết tốt hơn là nên tập trung vào việc liệu những người đã tiêm có các triệu chứng nghiêm trọng khi bị nhiễm SARS-CoV-2 hay các biến thể của nó hay không.

 

Ông Kwok nói: "Covid-19 có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh cúm. Chúng tôi hy vọng sẽ giảm tỷ lệ tử vong của Covid-19 thông qua việc tiêm phòng."

Theo chuyên gia này, nếu tỷ lệ tử vong do COVID-19 có thể được giảm xuống mức tương đương với bệnh cúm, thì chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống bình thường như trước.

"Chúng ta đâu có áp đặt các biện pháp hạn chế hay giãn cách xã hội vì bệnh cúm?" - theo ông Kwok.

Giáo sư Cowling nói rằng Hồng Kông có thể bắt đầu lên kế hoạch mở cửa trở lại và nới lỏng các biện pháp chống dịch khi tỉ lệ tiêm chủng vượt qua mốc 70%, ngay cả khi thành phố này chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

"Virus sẽ không biến mất khỏi thế giới này. Chúng ta chắc chắn sẽ phải sống chung với virus vào một thời điểm nào đó, trừ khi chúng ta có dự định sống trong bong bóng 'zero Covid' trong tương lai gần", vị giáo sư này kết luận./.

(Theo SCMP)

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang