Vào mùa đông, do nhiệt độ thời tiết xuống thấp, sức đề kháng của trẻ kém nên các bậc cha mẹ luôn cẩn thận và chăm chút cho con nhiều hơn. Đặc biệt là các ông bà, thường chăm trẻ theo kiểu truyền thống vì lúc nào cũng sợ trẻ lạnh, trẻ ốm.
Song có nhiều thói quen chăm sóc trẻ trong những ngày lạnh là sai lầm mà người lớn vẫn duy trì. Cùng điểm qua xem đó là những thói quen gì để không mắc phải nữa nhé.
Cho con ăn đồ thật nóng
Vào những ngày lạnh, đồ ăn nhanh nguội nên bố mẹ thường thích nấu canh, cháo cho con ăn khi vẫn còn nóng hổi với suy nghĩ ăn đồ ấm nóng sẽ giúp trẻ ngon miệng và tốt cho sức khỏe hơn.
Tuy nhiên, thường xuyên ăn đồ ăn ở nhiệt độ cao dễ gây tổn thương đường ruột và dạ dày của trẻ. Tổ chức Y tế thế giới đã liệt kê những món ăn trên 65 độ vào danh sách những thực phẩm nguy hiểm, sẽ gây hại cho thực quản của trẻ bởi so với người lớn, thực quản của trẻ mỏng manh và dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Các chuyên gia cũng cho rằng nhiệt độ mà thực quản trẻ có thể chịu được là khoảng 40 - 50 độ nên nếu cho bé ăn canh, cháo, súp bố mẹ cần kiểm soát độ nóng trước khi cho trẻ ăn.
Nhồi nhét cho trẻ mặc thật nhiều quần áo ấm
Càng lạnh, bố mẹ càng nhồi nhét thật nhiều quần áo ấm cho trẻ mặc và thường sẽ cho mặc nhiều lớp hơn người lớn bởi suy nghĩ trẻ còn nhỏ, mong manh dễ bị cảm lạnh hơn. Thế nên có trường hợp trẻ mặc đến 6 lớp áo vào những ngày lạnh, nhiều đến mức đi đứng, cử động cũng khó khăn.
Trên thực tế, mặc quá nhiều lớp quần áo cho bé không hề tốt như bố mẹ vẫn nghĩ. Trẻ vận động liên tục và dễ bị đổ mồ hôi, kể cả trong những ngày lạnh, trong khi đó mặc nhiều quần áo lại khiến người lớn khó phát hiện dấu hiệu đổ mồ hôi của trẻ và không thể thay quần áo kịp thời. Khi ấy, trẻ sẽ nhanh chóng bị nhiễm lạnh và cảm lạnh.
-
Vào mùa đông, trẻ hay bị cảm lạnh nhưng không phải do nhiễm lạnh, có 4 nguyên nhân sau mà cha mẹ ít chú ýĐọc ngay
Giữ rịt bé ở trong nhà
Một trong những thói quen và cũng là sai lầm phổ biến của người lớn khi chăm sóc trẻ vào mùa đông là giữ rịt trẻ ở trong nhà, không cho trẻ ra ngoài nhiều ngày.
Tuy nhiên, nếu trẻ ở trong nhà đóng kín cửa thường xuyên trong thời gian dài, không khí lưu thông kém sẽ bị thiếu oxy lên não và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.
Không những thế không cho bé ra ngoài vận động sẽ làm trẻ đối mặt nguy cơ thiếu vitamin D - yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, có thể thúc đẩy sự hấp thu và tăng trưởng chiều cao. Vitamin D cần được tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời, trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể chậm phát triển hơn các trẻ khác.
Đắp cho trẻ nhiều lớp chăn vào ban đêm
Cũng vì tâm lý sợ con lạnh trong đêm mà vào mùa đông, nhất là những ngày thật lạnh, cha mẹ thường có thói quen mặc thêm áo, đắp thêm chăn cho trẻ. Song quá trình trao đổi chất của trẻ diễn ra nhanh hơn người lớn, da mỏng manh hơn, các mạch máu phân bố dày đặc khiến trẻ rất dễ đổ mồ hôi vào ban đêm khi ngủ.
Đắp quá nhiều chăn, mặc quá nhiều áo hoặc cho trẻ đắp chăn thật dầy khi đi ngủ sẽ khiến chúng dễ bị đổ mồ hôi, bí bách. Bố mẹ ngủ say không phát hiện kịp thời trong đêm làm trẻ dễ bị cảm lạnh là vì vậy.
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong thời gian dài
Thời tiết mùa đông thường lạnh và khô, nhiều gia đình có con nhỏ thường sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi để làm ấm phòng, kết hợp dùng máy tạo độ ẩm để cân bằng độ ẩm. Tuy nhiên, nếu sử dụng máy tạo độ ẩm không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ, dễ khiến trẻ bị dị ứng đường hô hấp. Tốt nhất, không bật máy tạo ẩm suốt cả ngày đêm.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/mua-dong-bo-me-cang-tich-cuc-lam-5-viec-nay-cang-khien-con-de-bi-om-dung-ngay-lai-truoc-khi-qua-muon-162211001213317649.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.