Phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung truyền từ mẹ sang con trong khi sinh

Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh ung thư từ mẹ trong khi sinh, một báo cáo trường hợp mới cho thấy.

Ngày 7/1, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ đã xác nhận 2 trường hợp bệnh nhi (1 tuổi và 6 tuổi), mắc ung thư phổi do lây truyền ung thư cổ tử cung từ mẹ sang con trong khi sinh. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết cả hai cậu bé vẫn còn sống sau khi điều trị ung thư thành công.

Các phát hiện đã được xuất bản trên ấn bản kỹ thuật số của Tạp chí Y học New England. Báo cáo về việc tế bào ung thư lây truyền từ mẹ sang con của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư quốc gia Nhật Bản là báo cáo đầu tiên trên thế giới đề cập đến vấn đề này.

Các chuyên gia ung thư nói rằng dường như các cậu bé đã hít phải tế bào ung thư từ khối u của mẹ chúng khi chúng được sinh ra.

Các bác sĩ phát hiện ung thư ở cả 2 phổi của cậu bé 23 tháng tuổi sau khi gia đình đưa bé đến bệnh viện vì ho kéo dài hai tuần. Mẹ bé được chẩn đoán ung thư cổ tử cung ba tháng sau khi đứa trẻ chào đời.

Cậu bé 6 tuổi đến bệnh viện địa phương trong tình trạng đau ngực bên trái. Chụp CT cho thấy một khối dài 6cm ở phổi trái. Mẹ bé có một khối u cổ tử cung được cho là lành tính vào thời điểm sinh nở. Hai năm sau thì cô qua đời.

Phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung truyền từ mẹ sang con trong khi sinh - Ảnh 1.

Một nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ đã xác nhận 2 trường hợp bệnh nhi (1 tuổi và 6 tuổi), mắc ung thư phổi do lây truyền ung thư cổ tử cung từ mẹ sang con trong khi sinh. Ảnh minh họa

Trong cả hai trường hợp, các bác sĩ đã sử dụng xét nghiệm di truyền để xác định mối liên hệ tích cực giữa ung thư cổ tử cung của các bà mẹ với ung thư phổi ở con trai họ. Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự sắp xếp DNA của các tế bào ung thư từ các bệnh nhi và mẹ của chúng có những đột biến giống nhau. Ngoài ra, các tế bào ung thư ở các bệnh nhi không chứa nhiễm sắc thể Y - thường được tìm thấy ở nam giới.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Ayumu Arakawa, một bác sĩ chuyên khoa nhi của Bệnh viện Trung tâm Ung thư Quốc gia ở Tokyo, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng các khối u phát sinh từ sự lây truyền qua đường âm đạo từ mẹ sang con qua việc hút dịch âm đạo bị nhiễm khối u trong khi sinh".

Các nhà nghiên cứu cho biết sự lây truyền ung thư từ mẹ sang con là rất hiếm, chỉ xảy ra ở 1/500.000 trẻ sơ sinh do bà mẹ bị ung thư sinh ra. Để so sánh, cứ 1.000 ca sinh sống thì có 1 ca có mẹ bị ung thư.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một số ít các trường hợp được quan sát trước đây thường liên quan đến các tế bào ung thư di chuyển qua nhau thai và vào bào thai đang phát triển. Bệnh bạch cầu, u lympho và u ác tính là những bệnh ung thư phổ biến nhất mà trẻ em mắc phải do nghi ngờ lây truyền qua nhau thai.

Nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung là do nhiễm một số chủng virus gây u nhú ở người, hoặc HPV. Hầu hết phụ nữ bị nhiễm virus lây truyền qua đường tình dục không phát triển ung thư.

Tiêm phòng HPV trước khi 17 tuổi giúp phụ nữ tránh được ung thư cổ tử cung. Khám sức khỏe định kỳ cũng giúp dễ dàng phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu.

Ayumu Arakawa, một thành viên khác trong cùng một khoa của bệnh viện, tin rằng việc truyền tế bào ung thư qua nước ối có thể được ngăn chặn thông qua các ca mổ lấy thai.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp tiêm chủng vaccine phòng ung thư cổ tử cung để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cũng như nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Trường hợp người mẹ bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung sinh con, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị hình thức sinh mổ để hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư.

Theo Japantimes, Medicalxpress

 

Link goovs: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/phat-hien-te-bao-ung-thu-co-tu-cung-truyen-tu-me-sang-con-trong-khi-sinh-162210801154244160.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang