Suckhoedoisong.vn - Mùa lạnh, người cao tuổi cần tìm mọi cách để không bị nhiễm lạnh và áp dụng các biện pháp phòng bệnh giản nhất, dễ thực hiện nhất.
Mùa lạnh , người cao tuổi (NCT) dễ mắc một số bệnh (bệnh hô hấp, xương khớp, tim mạch , tiêu hóa...). Vì vậy, NCT cần tìm mọi cách để không bị nhiễm lạnh và áp dụng các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất.
Một số bệnh thường gặp khi mùa lạnh đến
Thời tiết thay đổi, đặc biệt là những ngày giá lạnh, nhiệt độ xuống thấp dưới 150C, đặc biệt là ngày xuống dưới 100C, NCT có một số bệnh sẽ xuất hiện hoặc tái phát nhất là người sức yếu. Những ngày gần đây thời tiết ở nước ta luôn thay đổi, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều ngày đã có băng tuyết; ở một số tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về đêm nhiệt độ cũng đã giảm xuống dưới mức bình thường.
Nhiệt độ giảm, đặc biệt là lạnh, nếu không đủ ấm, một số NCT sẽ xuất hiện hoặc tái phát các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, mũi, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng), đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Nhiệt độ càng giảm, thời tiết càng lạnh thì bệnh hen suyễn càng nặng, đặc biệt là những người tuổi cao, sức khỏe giảm sút thêm vào đó là ăn uống không đảm bảo, mặc không đủ ấm. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CODP) khi giá rét cũng sẽ rất dễ tái phát và tăng nặng. Cả 2 loại bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là mối đe dọa đến tính mạng người bệnh mỗi khi đông đến, mưa nhiều, rét đậm.
Một điều cần lưu ý là khi bị viêm phế quản, viêm phổi cấp tính, NCT sức yếu thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ. Bệnh viêm mũi, họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa đông, giá lạnh, NCT hay gặp nhất, các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; đau rát họng, ho, tức ngực, có khi gây khó thở. Mùa đông giá rét, một số người nghiện thuốc lá, thuốc lào thường hút tăng lên cho đỡ rét thì bệnh lại càng tăng nặng.
Thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Thêm vào đó môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng, cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp nhất là vào mùa đông lạnh giá.
Một số bệnh về tim mạch ở NCT cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh. Bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng luôn rình rập NCT mỗi khi giá rét, mưa nhiều. Mùa đông đến cũng làm cho các bệnh về xương khớp ở NCT gia tăng hoặc tái phát như: thoái hóa, đau và xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay, khớp cột sống thắt lưng.
Thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa đông giá rét làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức, giấc ngủ không yên, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Một số bệnh về đường tiêu hóa như: bệnh dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi giá lạnh thì xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe NCT.
Những người cao tuổi đã có bệnh về đường hô hấp mãn tính nên đi khám bệnh định kỳ.
Phòng bệnh như thế nào?
Trong những ngày giá rét, nhất là các tỉnh phía Bắc nước ta, thời tiết lạnh, có khi nhiệt độ xuống thấp dưới 100C, đó là những lý do làm cho người cao tuổi mắc phải một số bệnh phải nhập viện. Hầu hết bệnh nhân NCT vào viện trong tình trạng bệnh nặng, phải cấp cứu do sức đề kháng và tính chịu đựng với lạnh kém.
Vì vậy, để phòng bệnh thì NCT trong mùa lạnh, cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa, nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Nếu cần thiết phải ra khỏi nhà thì phải mặc quần áo ấm, đi tất, găng tay, cổ quàng khăn ấm, đeo khẩu trang và nên đội mũ len.
NCT có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà, không nên ra khỏi nhà khi thời tiết còn lạnh giá. Khi thời tiết lạnh quá, ở trong phòng có thể được sưởi ấm tùy thuộc vào điều kiện của từng người, nhưng hết sức thận trọng với bếp than củi, than đá vì rất nhiều khí độc thải ra, do đó phải sưởi trong phòng thông gió tốt, tránh ứ đọng khói, khí độc.
Với gia đình có điều kiện thì nên sưởi bằng lò sưởi, quạt sưởi điện. Sưởi ấm bằng hình thức nào cũng phải đề phòng bỏng, cần lưu ý với NCT có rối loạn về nhận thức và hành vi. Thời tiết lạnh giá nhưng NCT cũng có thể tắm, rửa bằng nước ấm trong buồng tắm kín gió; tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo thật ấm.
Những trường hợp có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh xương khớp, những ngày nhiệt độ giảm xuống thấp nên hạn chế tắm, chỉ nên lau người và rửa tay, chân bằng nước ấm. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng cách đánh răng đều đặn sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, súc họng bằng nước muối nhạt, tốt nhất là dùng loại nước muối sinh lý có bán sẵn ở các quầy dược phẩm.
Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người cao tuổi đã bị các bệnh đường hô hấp mãn tính Cần ăn, uống đủ lượng và chất, tránh bỏ bữa. Thức ăn, nước uống cần nóng và tránh dùng các loại có tính chất kích thích như: rượu, bia, cà phê.
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn/mua-lanh-nen-phong-benh-nhu-the-nao-n91187.html
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.