Ngày 28/4, Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp dị ứng nặng do sử dụng son môi rẻ tiền mua trên mạng xã hội.
Nữ bệnh nhân tên N.T.B.N. (15 tuổi, ngụ Đồng Nai) được mẹ đưa đến BV trong tình trạng môi khô, sưng, ngứa, mưng mủ, đóng mài, rỉ máu.
N. cho biết trước đó em có xem trên facebook thấy quảng cáo loại son dưỡng và son kem lì cam kết thành phần tự nhiên, không chì, không hóa chất, an toàn cho môi.
Đặc biệt, giá của 2 loại son "rẻ như cho", bao gồm 5.000đ/1 hộp son dưỡng và 17.000đ/cây son kem lì nên N. đã đặt mua 2 loại son trên.
Sau khi sử dụng không lâu thì thiếu nữ bị biến chứng nặng ở môi khiến việc ăn uống, giao tiếp rất khó khăn.
ThS.BS Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da, BV Da Liễu TP.HCM cho biết sau khi thăm khám, bệnh nhân được xác định bị viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và thuốc bôi.
Theo BS Huy, dị ứng son môi là tình trạng xảy ra do cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần của son môi.
Thông thường sau khi sử dụng son vài phút hoặc vài giờ vùng da có thoa son sẽ bị viêm đỏ, ngứa ngáy…
Nếu tình trạng dị ứng nặng hơn sẽ nổi mụn nước, mưng mủ, đóng mày…
Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng son môi như:
Sử dụng son môi kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng: Các loại son này thường chứa hàm lượng chì, phẩm màu hóa học vượt mức cho phép nên khi sử dụng sẽ gây kích ứng. Ngoài ra, thành phần trong các sản phẩm này còn khiến da môi thâm sạm, nứt nẻ, khô ráp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, chúng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.
Sử dụng son quá hạn sử dụng: Son môi là sản phẩm được tổng hợp từ nhiều thành phần khác nhau. Do đó, khi quá hạn sử dụng, những chất này có thể bị biến chất, từ đó dễ gây ra tình trạng bị dị ứng.
Cơ địa nhạy cảm: Trên cơ thể, môi cũng là một vị trí khá nhạy cảm do da ở vùng này khá mỏng. Chính vì vậy, nếu bạn sử dụng son đắt tiền, thương hiệu lớn bạn vẫn có thể bị dị ứng với một vài thành phần của son khi sử dụng.
Các thành phần có thể gây dị ứng trong son môi mà chúng ta cần lưu ý như là chất bảo quản (formaldehyde, quaternium, methylisothiazolione…), màu nhân tạo (màu đỏ eosin), chất làm bong tróc da (salicylic acid, phenol).
Ngoài ra, các loại son handmade cũng không an toàn tuyệt đối. Một số người có thể dị ứng với thành phần của son hay son được làm từ nguyên liệu kém chất lượng.
Đặc biệt, do chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm định nên chúng ta không thể chắc chắn 100% chất lượng cũng như các thành phần trong son handmade.
Nghiêm trọng hơn, việc pha chế và sử dụng chất hóa học để làm son nhưng không có kiến thức về liều lượng an toàn là rất nguy hiểm.
"Son là mỹ phẩm không thể thiếu đối với chị em phụ nữ. Vì vậy trước khi mua và sử dụng sản phẩm chị em cần lưu ý kiểm tra kỹ để xem bản thân có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của son không.
Sau khi sử dụng son cần tẩy trang môi nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc dầu dừa, dầu ô liu. Tuyệt đối không dùng sản phẩm tẩy trang chứa cách thành phần hóa học.
Nếu xảy ra sưng, ngứa, viêm hãy dùng khăn ướt đắp lên môi trong vòng 15-20 phút.
Trong trường hợp dị ứng nặng, môi sưng, nổi mụn nước, đóng mày… cần đến ngay các cơ sở có chuyên khoa da liễu uy tín để được bác sĩ thăm khám, điều trị" - Ths.BS Phan Ngọc Huy khuyến cáo.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.