Năm đầu tiên làm mẹ của những phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: Một cuộc chiến mờ mịt và phức tạp

(lamchame.vn) - Trên thế giới, tỷ lệ mắc phải bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh chiếm từ 10% đến 20%. Trầm cảm có thể bắt đầu ngay sau khi sinh con và kéo dài đến tận 1 năm.

Sau khi hạ sinh con trai đầu lòng vào năm 2013, Rachel đã bắt đầu để tâm hơn đến sức khỏe của bản thân. Cho đến khi cô con gái Zohar ra đời vào 3 năm trước, cơ thể cô mới bộc lộ những biểu hiện nghiêm trọng hơn của bệnh trầm cảm: thường xuyên lo lắng, mất ngủ và có cảm giác cô đơn. Thậm chí, chứng “sương mù não” còn khiến cô gặp khó khăn trong các hoạt động hằng ngày.

“Đột nhiên, tôi lo lắng về một điều gì đó và nó khiến tôi phải thao thức cả đêm. Vậy là hôm sau tôi nghĩ: Chà, tối nay mình cần phải ngủ ngon hơn. Hy vọng sẽ không bị mất ngủ nữa”. Thế nhưng, suy nghĩ về việc lựa chọn trường mầm non nào là tốt nhất cho con quanh quẩn trong đầu khiến Rachel lại có thêm một đêm thức trắng.

Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ trong cuộc phỏng vấn: “Tôi gần như có thể cảm thấy nó đang phát triển. Tôi không thể kiểm soát nổi những biểu hiện đó".

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 1.

Sau hai lần mắc chứng trầm cảm sau sinh, Rachel bắt đầu dùng hình ảnh để ghi chép lại những ngày tháng vật lộn với căn bệnh.

Rachel hoàn toàn có thể gọi tên những biểu hiện kỳ lạ mà cô phải đối mặt trong khoảng thời gian này: trầm cảm sau sinh. Đây là chứng bệnh tâm lý ảnh hưởng đến khoảng 1/7 phụ nữ ở Mỹ và có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của người đang mang thai.

Sau khi Zohar chào đời, Rachel không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với mình, cho đến khi có người nói với cô về thuật ngữ này. Cô chưa bao giờ phải đối mặt với chứng trầm cảm trước đây, và về cơ bản, cô cho rằng mình hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại.

“Nó bỗng chợt ập đến với tôi, và một khi nó đến, sức khỏe tôi xuống dốc rất nhanh", cô giải thích. Rachel phải vật lộn để theo kịp công việc và duy trì nguồn thu nhập chính vào thời điểm đó.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 2.

Rachel đã rất khó khăn để cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

Nghĩ rằng bản thân cần phải có một không gian mới và sống ở môi trường nhiều cây xanh hơn, Rachel và gia đình nhỏ của cô chuyển đến Woodstock - một thị trấn nhỏ cách thành phố New York hơn 100 dặm về phía Bắc. Nhưng dù vậy, tất cả ký ức của cô vào thời điểm đó chỉ là sự “ám ảnh".

Giờ đây, sau nhiều năm đấu tranh để vượt qua, Rachel đã cho ra mắt cuốn sách mang tên “It's Been Pouring: The Dark Secret of the First Year of Motherhood" (tạm dịch: Trầm cảm sau sinh: Bí mật tăm tối của năm đầu tiên làm mẹ). Cuốn sách như một quyển nhật ký ghi lại trải nghiệm của cô cùng các bậc cha mẹ khác, những người đã âm thầm chiến đấu với căn bệnh quái ác này.

Nỗi đau đớn của phụ nữ và niềm mong cầu của xã hội

Giai đoạn trầm cảm đầu tiên của Rachel dài cả một năm trời, và giai đoạn thứ hai cũng không ngoại lệ. Sau khi gặp thất bại với phương pháp vi lượng đồng căn (một liệu pháp chữa bệnh giúp cơ thể tự phục hồi dựa trên nguyên tắc “lấy độc trị độc"), Rachel cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ ở khía cạnh điều trị tâm lý và thuốc men. Trước đó, bà mẹ hai con cũng từng tìm hiểu về cách chữa trị này, nhưng cô lại không có đủ điều kiện để chi trả.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 3.

Những bức chân dung xuất hiện trong cuốn sách đều bị che khuất một phần hoặc chụp trong bóng tối.

Một ngày nọ, Rachel bất chợt quyết định chụp lại hình ảnh của cô và con trai Ilan phản chiếu trên kính sau khi tắm. Bức chân dung sau đó đã trở thành biểu tượng cho sự mơ hồ của cô trong khoảng thời gian ấy, đồng thời cũng là trang bìa của cuốn sách.

Dù các bức ảnh trong sách hầu hết đều được Rachel chụp lại vào những tháng đầu tiên sau khi con cô chào đời, nhưng xen kẽ trong số đó vẫn có những bức ảnh chụp về cuộc sống hàng ngày của các bà mẹ khác, về những tin nhắn mà họ đã gửi cho người thân yêu vào thời khắc khó khăn nhất.

Tất cả những bức ảnh đó cùng nhau hợp lại, tạo thành một minh chứng nhức nhối về nỗi đau thể xác, về nỗi thống khổ và sự cô độc mà nhiều người mẹ phải đối mặt sau khi sinh con. Thế nhưng, những nỗi niềm đó đã bị che giấu phía sau sự sợ hãi và xấu hổ. Tất cả là bởi vì định kiến của xã hội, vì người ta quan niệm rằng bất cứ ai sau khi có con đều phải ngay lập tức trở thành một người mẹ tốt.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 4.

Bức ảnh của con cái cũng có thể là nguyên nhân làm kích động căn bệnh của người mẹ.

“Bạn phải cho con bú, làm mọi thứ vì con, buông bỏ con người cũ của mình và không được phép tức giận. Không những thế, bạn còn phải yêu thương con ngay lập tức. Đó là điều mà mọi người mong đợi sẽ xảy ra, nhưng câu chuyện đã không đi theo hướng đó", Rachel chia sẻ về những áp lực của những người mẹ.

Sợi dây liên kết giữa những người phụ nữ đồng cảnh ngộ

Sau khi chuyển đến sống tại Berlin, Rachel bắt đầu phỏng vấn những người phụ nữ khác - những người mà cô quen biết thông qua một nhóm dành cho các bậc cha mẹ là người nước ngoài ở thủ đô - và rồi cô chợt nhận thấy sợi dây kết nối xuyên suốt trải nghiệm của họ.

Nhiều người trong số đó trải qua chấn thương nặng nề trong quá trình sinh nở, khiến họ không cảm nhận được mối liên kết giữa mình và đứa con mới chào đời. Những suy nghĩ bạo lực cũng từ đó mà xuất hiện một cách tự nhiên, bắt nguồn từ nỗi lo lắng nghiêm trọng hoặc sự kiệt sức đến cùng cực.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 5.

Nhiều người phụ nữ bất an khi nhìn thấy ảnh của con mình đến nỗi phải xé cả album đi.

Hầu như những người phụ nữ mà Rachel nói chuyện cùng đều cảm thấy cô đơn và bị cô lập khỏi cuộc sống của những người vốn thân thuộc. Từ việc không thể cho con bú, vết rách âm đạo chậm hồi phục đến những khó khăn gặp phải sau ca sinh mổ, tất cả đều khiến họ cảm thấy như mình là một kẻ thất bại.

Miriam, một trong số các bà mẹ được phỏng vấn, kể lại rằng khi gia đình gửi đến cho con gái mới sinh của cô một bộ quần áo đáng yêu, cô đã nhìn đứa trẻ trong bộ đồ đó với suy nghĩ: “Mẹ thực sự không thích con". Khi đó, cảm xúc duy nhất của Miriam chỉ là muốn “thoát khỏi” đứa con gái bé bỏng của mình.

Một người mẹ khác tên Carolina cũng nói về cảm giác bực bội khi chồng tặng cô một album ảnh có hình đứa con mới sinh của họ: “Tôi ghét món quà đó. Tôi từ chối nó ngay lập tức và không thèm nói chuyện với anh ấy nữa. Nó không đẹp và cũng chẳng ngọt ngào. Trong đó có một bức ảnh mà thậm chí tôi còn chẳng thể chịu đựng nổi, lúc ấy con cái đối với tôi chỉ như một người xa lạ".

Chỉ có một vài bức hình chân dung mẹ và con xuất hiện trong cuốn sách “It’s Been Pouring”, nhưng hầu hết chúng đều chỉ là ảnh phản chiếu, bị che khuất một phần hay ít nhất là được chụp trong bóng tối.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 6.

Đoạn tin nhắn giữa người phụ nữ mới sinh con và chồng mình, trong đó người phụ nữ tự gọi bản thân là quái vật và nói rằng mình ghét con.

Thay vào đó, chủ đề của các bức ảnh thường xoay quanh những món đồ vật, địa điểm, mùi hương hoặc âm thanh cụ thể gây kích động đến cảm xúc của những người mẹ.

Chẳng hạn, đó có thể là những tờ giấy ghi chú với nội dung như “Tôi cảm thấy an toàn" hoặc “Tôi biết điều mà mình cần làm" được dán lên bức tường trắng trong nhà. Không đơn giản chỉ là lời nhắn nhủ, đó là những câu “thần chú" mà Rachel cùng một người phụ nữ tên Anita đã sử dụng trong suốt quá trình mang thai và sinh nở.

Mặc dù vậy, quá trình ra đời của đứa trẻ quá tàn bạo và đau thương với Anita, đến nỗi ngay cả những câu thần chú này cũng chẳng thể trở thành sự thật như những gì mà cô vẫn nghĩ.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 7.

Những câu “thần chú" dán đầy trên tường, nhưng tác dụng lại chẳng đáng là bao.

Chẳng có thứ gì gọi là giải pháp triệt để

Thời gian đã mang lại cho Rachel nhiều góc nhìn hơn về giai đoạn trầm cảm mà cô phải chịu đựng, và việc viết nên cuốn sách này đồng nghĩa với việc cô phải xem đi xem lại những khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời mình, cũng như cuộc đời của những người đồng cảnh ngộ. 

Giờ đây, cô cảm thấy biết ơn vì bản thân đã bình phục, nhưng trải nghiệm đó cũng thay đổi tâm tính của nữ nhiếp ảnh gia một cách sâu sắc. Mặc dù vậy, Rachel cũng chẳng thể đưa ra một giải pháp nhất định nào cho chứng bệnh này dù chính bản thân cô đã có kinh nghiệm.

“Thật khó để giải thích, nhưng tôi cảm thấy như mình bị ám bởi một linh hồn đen tối, rồi sau đó nó lại từ từ rời khỏi cơ thể. Đến một ngày, nó bất chợt biến mất hoàn toàn và tôi lại cảm giác như được là chính mình lần nữa", Rachel giải thích về cảm giác của mình.

Năm đầu tiên làm mẹ của những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh: cuộc chiến mờ mịt và phức tạp - Ảnh 8.

Dù đã hồi phục, Rachel vẫn còn những cảm xúc phức tạp xoay quanh thời kỳ trầm cảm của mình.

Ở thời điểm hiện tại, Rachel đã cùng gia đình chuyển về New York, nơi cô tiếp tục công việc tự do của mình. Mặc dù “sức nặng của việc làm mẹ" vẫn đè nặng trên vai, nhưng Rachel tin rằng đó là một cảm giác hoàn toàn khác biệt.

Cô cho hay: “Tôi muốn nói rằng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng để thốt ra điều đó một cách tự tin thật không dễ dàng vì trầm cảm là thứ luôn cận kề. Một vài đêm thiếu ngủ có thể khiến đầu óc rối bời, nhưng miễn là giữ được mọi thứ ở đúng vị trí của nó thì tôi vẫn có thể duy trì cuộc sống tốt đẹp".

Nguồn: CNN

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang