Hôm nay, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (thông tư 01) do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hiệu lực.
Đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện công tác hỗ trợ, chia sẻ với khách vay đang phải chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp và lan rộng toàn cầu, đã tác động mạnh đến các ngành nông – lâm – thủy san, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may, giáo dục… dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Cập nhật đến ngày 4/3/2020 có 23 tổ chức tín dụng báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bước đầu ghi nhận từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Tính đến ngày 04/03/2020 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Toàn hệ thống ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét cơ cấu lại các khoản nợ tổng trị giá 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng.
"Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Đào Minh Tú Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Theo thông tư mới ban hành, có ba tiêu chí để xem xét hỗ trợ về thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay. Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch.
Link báo gốc: http://baodansinh.vn/ngan-hang-mien-giam-350-ty-dong-tien-lai-vi-covid-19-doanh-nghiep-nao-duoc-ho-tro-82020133112231164.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.