Bệnh nhân phân bố tại 323 xã phường thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (213); Hà Đông (196); Cầu Giấy (156); Bắc Từ Liêm (145); Gia Lâm (138);…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 65.356 ca
Cũng liên quan đến tình hình dịch, cùng ngày Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 45/UBND-KGVX về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, lập danh sách, thống kê, quản lý chặt người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19.
Ngày 7/1, Hà Nội thêm 2.725 ca mắc Covid-19, sẽ đến tận nhà tiêm vét vắc xin cho nhóm nguy cơ cao
Cụ thể, tổ chức triển khai các nội dung nhằm bảo vệ nhóm người này như: Thành lập các tổ tiêm vắc xin lưu động tại hộ gia đình và triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho những người này; tổ chức phân loại, quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 từ cơ sở, từ sớm ngay khi mắc; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ bệnh chuyển nặng, tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Ban Chỉ đạo, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê, quản lý chặt chẽ người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh lý nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ của người thuộc nhóm nguy cơ cao và gia đình.
Các địa phương thành lập các tổ tiêm vắc xin lưu động, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vét, tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không đi lại được. Đồng thời, tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: Theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19 theo đúng hướng dẫn, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 của ngành Y tế.
Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vắc xin; xét nghiệm tầm soát; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Căn cứ văn bản hướng dẫn của trung ương, thành phố, các đơn vị, địa phương bố trí ngân sách, huy động nguồn lực tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó bao gồm: Kinh phí mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc điều trị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp ngân sách địa phương không bố trí được, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu giải pháp tháo gỡ và báo cáo UBND thành phố theo quy định.
UBND thành phố giao Sở Y tế theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; theo dõi sát việc tiếp nhận, sử dụng, nhu cầu sử dụng vắc xin phòng Covid-19 tiêm phủ mũi 1, mũi 2, mũi bổ sung, mũi nhắc lại của các đơn vị và nguồn vắc xin Covid-19 phân bổ của Bộ Y tế để có kế hoạch tiếp nhận, phân bổ, sử dụng vắc xin trên địa bàn thành phố, bảo đảm kịp thời, đầy đủ vắc xin cho các địa phương, đơn vị.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.