Mùa hè sắp qua đi, một mùa thu vàng đượm nồng nàn lại sắp đến với những cánh đồng hoa cúc nở rộ và những đóa hoa cúc đang phập phồng lén nở giữa đêm trong một ngôi nhà bình yên nào đó, hoặc những đóa hoa cúc được những người bán hàng rong chở đi khắp nẻo đường phố thị. Cũng có khi, một vài cánh cúc vàng thanh tao được sao vàng, phơi khô để trở thành một cốc trà thanh nhiệt mát dịu. Thậm chí hoa cúc còn có thể trở thành tâm điểm ngọt lành thanh đạm của bát bún độc nhất vô nhị mới xuất hiện gần đây tại Hà Nội với cái tên vừa nghe đã thấy thích - bún hoa cúc.
(Ảnh Instagram: Ganhoktotet) |
Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực chất đây có lẽ là sự sáng tạo trong ẩm thực vô cùng thú vị và đặc biệt phù hợp với những thực khách "đạo bún" trong những ngày chớm thu tại Hà Nội. Một bát bún hoa cúc đầy đủ bao gồm thịt xá xíu được thái mỏng, mọc, móng giò, lạp xưởng và tất nhiên rồi là bún và cánh hoa cúc vàng, tất cả hòa quyện trong thứ nước dùng thanh thanh, dịu dịu nhưng lại kích thích vị giác và mang lại "cái hậu" bao gồm cả hương và vị rất lạ nơi gốc lưỡi của người ăn.
(Ảnh Instagram: Ganhoktotet) |
Đó là chưa kể, hoa cúc trong bún hoa cúc còn có tác dụng nâng cao sức khỏe, hạ nhiệt, thanh lọc cơ thể, an thần, khắc phục bệnh tiểu đường và còn giúp riêng cho chị em phụ nữ giảm bớt cơn đau trong những ngày "rụng dâu". Quả thật, một bát bún vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng, lại vừa có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như trên thì cũng rất đáng phải thử trong một ngày gần nhất, trong lúc mùa thu đang đến rất gần, phải không?
Nguồn gốc của bát bún hoa cúc đang gây sốt ở Hà Nội, thật bất ngờ lại không phải do người Hà Nội sáng tạo, mà bắt nguồn từ món bún qua cầu - một món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là món ăn đặc trưng của người Hán ở vùng Điền Nam (Điền là tên gọi của Vân Nam) thuộc về khu vực ẩm thực Điền hệ (một trong các vùng ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc). Món bún qua cầu có lịch sử hơn 100 năm, bắt nguồn từ huyện Mông Tự tỉnh Vân Nam.
(Ảnh Instagram: Ganhoktotet) |
Cách bài trí của món bún qua cầu này cũng tương đối cầu kỳ với hàng chục đĩa đựng hoa cúc, rau, trứng, thịt,... mỗi thứ một ít và trọng tâm là bát nước dùng to, sóng sánh mỡ gà. Về cơ bản, món bún nổi tiếng này hơi có phần giống lẩu nhúng nhưng thay vì nước dùng được đun sôi trực tiếp trên bàn ăn như lẩu, thì bún qua cầu chỉ bỏ nước dùng nóng vào một cái bát. Tuy nhiên, nhờ lớp mỡ gà già được tiết ra sau quá trình ninh nhừ sóng sánh bên trên mà nhiệt độ của nước dùng được đảm bảo không nguội đi quá nhanh.
(Ảnh Instagram: Ganhoktotet) |
Sự tích ra đời món bún này, cũng như là tên gọi hết sức kỳ lạ của nó cũng thú vị không kém. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một người vợ ngày ngày nấu bún mang qua cầu tới một hòn đảo cho chồng mình - một tú tài đang ôn thi.
Tuy nhiên, vì đường đi khá xa nên lúc đến nơi, người chồng mở ra ăn thì bún đã nguội. Lâu ngày, vì ăn không ngon miệng nên anh chồng bắt đầu sinh bệnh, ốm yếu, gầy mòn khiến người vợ cảm thấy vô cùng xót xa.
Một hôm, khi đang chuẩn bị mang canh gà và thịt, bún mình đã chuẩn bị để mang đến cho chồng, thì đứa con đột nhiên thả thịt sống vào canh gà. Người vợ thấy thế liền gắp miếng thịt ra, song lại vô cùng bất ngờ bởi miếng thịt gần như đã chín và mùi vị lại thơm ngon nóng hổi.
(Ảnh Instagram: Ganhoktotet) |
Từ đó, người vợ liền nghĩ ra một phương pháp nấu bún mới cho chồng. Với lớp mỡ gà bên trên và các loại thịt rau để vào từng bát riêng lẻ, nàng ta nghĩ ra cách mang từng thức ăn sang trước, mang bát canh gà nóng hổi sang sau cùng, đảm bảo khi ra đến đảo, chồng nàng vẫn có một món bún ngon lành mà lại chẳng bị nguội. Cũng nhờ sự chăm sóc tận tình này của vợ mà người chồng kia cũng sớm thi đậu tú tài.
Từ đó, giai thoại về câu chuyện này được truyền khẩu lan rộng ra và thế là món bún qua cầu ra đời và trở thành thứ đặc sản vang danh của tỉnh Vân Nam. Khi ăn, người ta sẽ cho trứng vào bát nước dùng trước rồi mới cho thịt vào. Bạn chờ vài phút cho thịt chín rồi tiếp tục cho nấm, rau vào. Lúc này, bát nước dùng vẫn còn nóng đến mức tái chín được trứng lẫn thịt và rau. Và bún sẽ là nguyên liệu được cho sau cùng để nước dùng giữ độ nóng lâu hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.