Nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia |
Mới đây, Cơ quan chuyên trách về y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc (WHO) vừa gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo động tình hình tiêu thụ bia đã ở mức nguy hiểm của người dân Việt Nam. Thống kê năm 2016, mức tiêu thụ rượu bia của Việt Nam lên đến 3 tỉ lít/năm. Và lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của mỗi người Việt trên 15 tuổi là 8,3 lít. Con số này “ăn đứt” các nước láng giềng như Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít).
WHO đã phải gửi kèm cảnh báo “đã quá mức nguy hiểm”. Theo WHO thì cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở khi mà việc sử dụng rượu bia ở Việt nam đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016 hàng trăm ngàn người phải nhập viện. Mặt khác, gián tiếp, rượu bia góp phần “tàn phá” sức khỏe người Việt khi làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm và gây nên tình trạng tan nạn giao thông, nguyên nhân của các cuộc ẩu đả, bạo lực gia đình.
Sự nhắc nhở của WHO chắc chắn không phải là thông tin đáng tự hào gì. Câu hỏi đặt ra tại sao người dân lại tiêu thụ rượu bia ở mức “chóng mặt” như vậy ?
Rượu bia đã đưa vào thói quen giao tiếp của người Việt (ảnh minh họa) |
Một trong những câu nói của dân nhậu Việt thường truyền tai nhau là "nam vô tửu như kỳ vô phong" (đàn ông không uống rượu chỉ như lá cờ không thể phất vì thiếu gió). Không chỉ dừng lại ở xã giao vui vẻ, người Việt đang biến rượu bia thành “lễ nghi” xấu. Đi làm không lai rai với đồng nghiệp là thiếu thân thiện, lai rai mà không say là không hết mình. Tư tưởng không nhậu là không làm quen được, không nhậu là không làm được việc, không nhậu không là sành điệu... Phải chăng chính những tư tưởng lệch lạc đó đã khiến cho nhiều người thỏa hiệp, coi rượu bia như một thủ tục “vào đời”.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu do Bộ Y tế xây dựng dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2018. Dự thảo đưa ra nhiều quy định, như nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí; nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Đáng sợ hơn là tư tưởng này đang được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người già đến người trẻ. Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM đã có một nghiên cứu liên quan đến vấn đề sử dụng bia rượu của người trẻ. Nghiên cứu được thực hiện trên 670 sinh viên đến từ nhiều trường đại học - cao đẳng trên cả nước với kết quả, có hơn 50% số người khảo sát tập trung ở hai mức độ đầu tiên là “sử dụng rượu bia một cách bình thường” (37,9%) và “có xu hướng lạm dụng rượu bia” (21,3%); 20,2% “nghiện nhẹ”, 16% “nghiện vừa” và 4,6% rơi vào mức độ “nghiện nặng”.
Đây là những con số đáng lo ngại, nhà tâm lý học cho rằng người Việt đang có xu hướng lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào rượu bia. Điều đó có nghĩa là, giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước thay vì tham gia những hoạt động văn hóa, giải trí bổ ích khác. Thay vì đi xem triển lãm tranh... nâng cao kiến thức, thẩm mỹ thì lại lao vào những cuộc nhậu nhẹt vô bổ. Có thể nói, bên cạnh hệ lụy sức khỏe, tai nạn giao thông, tổn hại kinh tế...với mức độ tiêu thụ rượu bia cao ngất ngưởng, rượu bia còn góp phần “tàn phá” văn hóa tốt đẹp và tri thức của người Việt.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho rằng, uống rượu bia đã trở thành một trong những phong tục, thói quen giao tiếp của người Việt. Do đó, không nên hướng đến mục tiêu loại bỏ hẳn việc sử dụng rượu bia mà nên thay đổi từ từ suy nghĩ của người dân. Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.