Một đứa trẻ được cha cõng, mỉm cười hạnh phúc dạo chơi trong công viên rợp bóng lá thu vàng - đó là hình ảnh điển hình của một "ikumen" Nhật Bản, tức những người bố "hoàn hảo", vừa giỏi kiếm tiền, giỏi chăm con lại đẹp trai phong độ.
Chính quyền Nhật Bản đã quảng bá rộng rãi thuật ngữ này trong thập kỷ qua như một biện pháp giảm thiểu tình trạng làm việc quá giờ tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - vốn không chỉ tước đi thời gian của những ông bố nghiện công việc dành cho gia đình, mà còn góp phần đẩy tỷ lệ sinh xuống một trong những mức thấp nhất trên thế giới.
Cho rằng sắp tới là "cơ hội cuối cùng để đảo ngược" tình hình, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida mới đây đã công bố một loạt chính sách, bao gồm tăng cường hỗ trợ nuôi con và cam kết nâng số lượng lao động nam nghỉ thai sản từ mức 14% hiện tại (tức hơn 80% đàn ông Nhật Bản không sử dụng quyền lợi này) lên 50% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.
Đàn ông Nhật Bản được hưởng 4 tuần nghỉ thai sản linh hoạt, với mức hưởng lương lên tới 80%, theo một dự luật được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào năm 2021.
Dù vậy, nhiều người Nhật vốn từ lâu đã quen với tỷ lệ sinh giảm và dân số già - tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này.
Makoto Iwahashi, một thành viên của POSSE, liên đoàn lao động dành riêng cho những người trẻ, cho biết mặc dù kế hoạch của chính phủ là có thiện chí, nhưng vấn đề thực tế không đơn giản do nam giới Nhật Bản lo ngại rằng việc nghỉ thai sản sẽ tác động tiêu cực tới con đường thăng tiến của họ.
Mặc dù việc phân biệt đối xử với những người lao động nghỉ thai sản dù là nam hay nữ ở Nhật Bản là bất hợp pháp, Iwahashi cho biết nó vẫn tồn tại và những người lao động làm hợp đồng có thời hạn đặc biệt dễ bị tổn thương.
Chưa kể, "Một chút điều chỉnh về thời gian nghỉ thai sản sẽ không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ sinh đang giảm", Iwahashi nói thêm.
Hisakazu Kato, giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji ở Tokyo, cho biết trong những năm qua, trong khi các công ty lớn đã chấp nhận việc nghỉ phép của cha mẹ nhiều hơn, thì các doanh nghiệp nhỏ hơn chưa sẵn sàng bằng.
Ông nói: "Các công ty nhỏ sợ rằng họ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công do nghỉ chăm con, và điều này gây áp lực lên những ông bố trẻ muốn nghỉ chăm con trong tương lai".
Tại một cuộc họp báo vào tháng 3, Thủ tướng đã thừa nhận những lo ngại và cam kết sẽ xem xét cung cấp các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chi tiết sẽ được công bố vào tháng 6 trong kế hoạch chính sách hàng năm của ông.
"Chạy nước rút"
Vào năm 2022, số ca sinh mới ở Nhật Bản lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1899, đánh dấu một xu hướng mà Chính phủ coi là ngày càng đáng báo động.
Tuần trước, Thủ tướng Kishida đã đi xa hơn khi cảnh báo rằng "6 đến 7 năm tới sẽ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh đang giảm".
Tuy nhiên, Stuart Gietel-Basten, giáo sư chính sách công và khoa học xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cảnh báo rằng tỷ lệ sinh thấp thường là dấu hiệu của các yếu tố văn hóa cố hữu có khả năng chống lại những thay đổi chính sách. Ông nói thêm, những yếu tố như vậy có thể bao gồm từ văn hóa làm việc đến sự phân biệt giới tính.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, việc tăng thời gian nghỉ thai sản là một chính sách tốt. Nó chắc chắn sẽ mang lại cho nhiều người đàn ông (và phụ nữ) một kết quả tích cực. Tuy nhiên, trừ khi các chuẩn mực và thái độ văn hóa phổ biến thay đổi, tác động ở cấp độ vĩ mô có thể bị hạn chế", học giả này nói.
Riki Khorana, 26 tuổi, dự định kết hôn với bạn gái vào tháng 6, cho biết chi phí sinh hoạt cao là một trong những mối quan tâm lớn nhất của anh khi lập gia đình.
Làm kỹ sư tại một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản ở trung tâm Tokyo, anh tự nhận mình là người có thu nhập tương đối cao, tuy nhiên anh hiện vẫn đang sống cùng bố mẹ ở Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản ở phía nam Tokyo.
Sau khi kết hôn, anh dự định sẽ ở riêng nhưng vẫn phải tìm nhà tại Yokohama do giá thuê nhà ở Tokyo quá cao.
Khorana cho biết anh đã lên kế hoạch sinh 2 con nhưng nếu có những chính sách hiệu quả hơn từ phía Chính phủ thì anh sẽ cân nhắc thêm.
"Đối với tôi, tôi cảm thấy mình không thể có nhiều hơn hai đứa con" anh nói. "Có những người kém vững mạnh hơn về tài chính nghĩ rằng họ không thể có nhiều hơn một đứa con".
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản - số trẻ trung bình mà phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh sản - đã giảm xuống còn 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Trong những năm qua, các chuyên gia cũng chỉ ra tâm lý bi quan phổ biến trong giới trẻ, lý do vì áp lực công việc và kinh tế trì trệ nên ít tin tưởng vào tương lai.
Mới đây, Thủ tướng Kishida cho biết ông đã lên kế hoạch cải cách thị trường việc làm nhằm tăng lương và hỗ trợ kinh tế cho lao động trẻ. Ông cũng cam kết sẽ có các biện pháp hỗ trợ người lao động tự do và các khoản trợ cấp bổ sung để hỗ trợ nuôi con, giáo dục và nhà ở.
Giáo sư kinh tế Kato cảm thấy các chính sách mới dường như chưa đủ để giải quyết các vấn đề nhân khẩu học của đất nước. Nhưng ít nhất, chúng có thể cải thiện chính sách gia đình và bình đẳng giới tại Nhật Bản, giáo sư cho biết.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.