Trẻ không sõi tiếng Việt sẽ 'ảnh hưởng tới tận gốc rễ văn hóa dân tộc'

(lamchame.vn) - Theo chuyên gia Ngôn ngữ học - ThS Võ Quốc Việt, việc nhiều trẻ không sõi tiếng Việt là biểu hiện của xâm thực văn hóa, sẽ ảnh hưởng tới tận gốc rễ văn hóa dân tộc.

Hiện nay, nhiều phụ huynh coi trọng việc học ngoại ngữ, thậm chí xem đó là chìa khóa then chốt cho thành công của con em trong tương lai. Nhưng có nhiều trường hợp cho con học ngoại ngữ quá sớm, làm trẻ quên hoặc sử dụng tiếng Việt rất kém, khiến phụ huynh lo lắng.

Giải đáp vấn đề này, VTC News có cuộc trò chuyện với thạc sĩ Võ Quốc Việt, chuyên gia Ngôn ngữ học.

Trẻ không sõi tiếng Việt sẽ 'ảnh hưởng tới tận gốc rễ văn hóa dân tộc' - Ảnh 1.

Chuyên gia Ngôn ngữ học, ThS Võ Quốc Việt. (Ảnh: NVCC)

- Hiện, nhiều phụ huynh cho con học ngoại ngữ từ sớm, ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Tôi nhận thấy đây là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở một số nước châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Thực trạng này xuất phát từ xu hướng hội nhập thời toàn cầu hóa. Do đó, hiện tượng cho trẻ học ngoại ngữ từ sớm dần trở nên phổ biến, là điều có thể hiểu được và xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Nhưng hệ lụy chính là giới trẻ dần mất vốn liếng và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ "mẹ đẻ".

- Có ý kiến cho rằng trẻ không sõi tiếng Việt là một trong những biểu hiện của hiện tượng xâm thực văn hóa?

Về phía các nhà nghiên cứu, học giả, hiện tượng xâm thực văn hóa được nghiên cứu đồng thời với xu hướng đối thoại văn hóa/xuyên vượt văn hóa. Việc giới trẻ không sõi tiếng Việt chỉ là một trong số nhiều biểu hiện của hiện tượng xâm thực văn hóa hiện nay. Dưới góc nhìn học thuật, họ nhận thấy vấn đề này đáng báo động và nguy hại về lâu dài đến cấu trúc văn hóa truyền thống dân tộc.

Đành rằng, văn hóa truyền thống dân tộc cũng là một “cấu trúc động”, tức luôn tương tác vận động biến đổi; nhưng ngôn ngữ là thành trì căn cơ nhất của văn hóa dân tộc, suy giảm khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ hẳn nhiên ảnh hưởng đến tận gốc rễ của nền văn hóa dân tộc. Nhìn chung, từ phía các nhà nghiên cứu, hiện tượng suy giảm năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ đi liền với nguy cơ bào mòn, suy kiệt giá trị hằng số văn hóa dân tộc. Do đó, không thể làm ngơ, không thể xem nhẹ vấn đề này.

- Lời khuyên nào cho phụ huynh trước khi cho con học ngôn ngữ thứ 2, thưa ông?

Tôi thấy nhiều phụ huynh còn hạn chế dùng tiếng Việt để giao tiếp với con trong gia đình. Thay vào đó, họ sử dụng tiếng ngoại quốc với suy nghĩ tạo môi trường thuận tiện hơn cho con học ngoại ngữ. Nhưng đến nay, nhiều phụ huynh đã vỡ lẽ, khi thấy con em mình đi du lịch có thể đọc trôi chảy các bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài mà “đọc vấp” dòng chữ tiếng Việt đi kèm. Sự hãnh diện về năng lực ngoại ngữ của con em nay đã dần chuyển sang ái ngại.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, phụ huynh sẽ nhìn nhận lại một cách sâu sắc hơn về việc sớm cho con em học ngoại ngữ và hệ lụy của việc này. Đồng thời, phụ huynh sẽ nhận thức lại vai trò của tiếng mẹ đẻ trong sự hình thành, phát triển nhân cách tâm hồn, trí tuệ của con em mình.

- Theo ông, các bạn trẻ cần được tư vấn, giảng dạy thể nào để luôn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ?

Với các bạn trẻ, kỳ thực họ chỉ là kết quả vận động của thời đại (bao gồm gia đình, nhà trường, xã hội). Nếu cho rằng, các bạn trẻ hạn chế trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, là do việc học ngoại ngữ từ sớm, tôi thấy cũng có lý, nhưng đó không phải lý do duy nhất.

Bởi thực tế cho thấy, nền giáo dục cơ bản bao gồm ba bộ phận: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhiều gia đình khuyến khích con học ngoại ngữ bằng cách sử dụng ngoại ngữ trong gia đình với con.

Trong hệ thống giáo dục nhà trường, ngoại ngữ ngày càng được chú trọng. Ngoài tiếng Anh, hiện nay các trường còn mở rộng với tiếng Pháp, Trung, Đức, Hàn, Nhật… Việc này dần thúc đẩy trào lưu học tập ngoại ngữ sôi nổi không chỉ cho thanh thiếu niên mà cả những người đã hoàn thành bậc đại học. Ngoài xã hội, việc tiếp xúc, giao lưu với văn hóa ngoại quốc tạo ra các làn sóng hưởng ứng trong đại bộ phận giới trẻ (như Hàn lưu/Hallyu chẳng hạn). Một mặt có thể thúc đẩy tìm hiểu, gắn kết và trao đổi giá trị văn hóa tốt đẹp; mặt khác lại tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến “cấu trúc văn hóa truyền thống dân tộc”.

Do đó, giới trẻ sống trong môi trường chịu nhiều tác động khiến họ “bật gốc” khỏi nền đất “tiếng mẹ đẻ”. Nên có sự cảm thông và sau nữa, giới trẻ cần được hỗ trợ, giúp đỡ để có tâm thế và cách thích ứng trước hiện trạng này.

Thay vì phê phán, có lẽ chúng ta nên có cái nhìn cảm thông và bằng nỗ lực cá nhân (dẫu rất ít ỏi) hướng dẫn các bạn trẻ trở lại gắn bó, yêu mến và giữ gìn sự trong sáng cũng như vẻ đẹp tiếng mẹ đẻ. Bởi tiếng mẹ đẻ và tình mẹ là hằng số định vị con người trong cuộc đời.

- Làm cách nào để định hướng cho các bạn trẻ nhận thức đúng việc học ngoại ngữ nhưng không quên tiếng mẹ đẻ?

Từ thực trạng này nhìn rộng hơn, chúng ta không thể kháng cự xu thế đối thoại - giao lưu văn hóa. Ngược lại, xã hội nên tạo điều kiện cho giới trẻ giao lưu văn hóa thông qua việc học tập trau dồi ngoại ngữ.

Việc học tập ngoại ngữ cần có nội dung giảng dạy cụ thể giúp các bạn trẻ nhận thức “tương quan văn hóa”, “đối thoại văn hóa”, chứ không phải tiếp nhận một chiều. Bên cạnh học ngoại ngữ, tiếp thu giá trị văn hóa ngoại lai, cần định hướng cho người học soi chiếu lại giá trị văn hóa dân tộc thông qua tiếng mẹ đẻ.

Trẻ không sõi tiếng Việt sẽ 'ảnh hưởng tới tận gốc rễ văn hóa dân tộc' - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Tôi nghĩ cần phải bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua học tập trau dồi tiếng mẹ đẻ và xuất khẩu văn hóa thông qua việc mở rộng cơ hội trao đổi hợp tác văn hóa với chính các bạn trẻ “không sõi tiếng Việt” này! Đây là cách giúp cho bộ phận giới trẻ không sõi tiếng Việt, trở về nhận thức đúng chỗ đứng của văn hóa dân tộc trong phạm vi quốc tế. Để các bạn trẻ thấy rằng, họ sẽ không thể định vị được mình và có chỗ đứng trong môi trường quốc tế nếu họ tách rời khỏi nền tảng văn hóa dân tộc.

Thay vì “đối thoại văn hóa” một chiều, thụ động; xã hội có thể giúp các bạn trẻ này trở thành “cánh chim Việt” gieo hạt giống văn hóa Việt, xuất khẩu văn hóa Việt, thông qua nhiều chương trình hợp tác, giảng dạy và giới thiệu văn hóa Việt ở ngoại quốc (dạy tiếng Việt cho con em ngoại kiều, giao lưu văn hóa giữa sinh viên các trường đại học ở các nước, giúp các bạn trẻ tham gia hội chợ văn hóa quốc tế…).

Thay vì hướng các bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu, nên chăng hướng cho họ trở thành “người Việt trẻ toàn cầu”.

Xin cảm ơn ông!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang