Con cái là bảo bối của cha mẹ. Không ít người nuông chiều và không nỡ để con tự làm các công việc nhà. Từ những việc nhỏ nhất như quét dọn nhà cửa, rửa bát đũa, gấp quần áo,... bố mẹ cũng tranh làm với con.
Cách nuông chiều này vô cùng sai lầm, bởi sẽ khiến con sống ỷ lại, luôn dựa dẫm vào bố mẹ. Trong cuộc sống trưởng thành sau này con khó mà tự lập và càng không biết cách chăm sóc bản thân. Không chỉ vậy, sự nuông chiều còn ảnh hưởng gián tiếp đến tương lai của con. Theo một số nghiên cứu, trẻ nhỏ thường xuyên làm việc nhà khi lớn lên sẽ thành công và có thu nhập cao hơn hẳn so với những đứa trẻ lười biếng.
Năm 1938, các giáo sư tại Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát có tên GrantStudy, kéo dài 75 năm. Trong 20 năm qua, họ đã thực hiện một cuộc khảo sát tiếp theo với 456 thanh thiếu niên ở Boston, kết hợp với nghiên cứu 1.500 sinh viên của giáo sư Đại học Stanford -Lewis Terman. Kết quả từ 2 nghiên cứu này cho thấy: Những đứa trẻ thích làm việc nhà sau này có thu nhập trung bình cao hơn 20% so với những đứa trẻ lười biếng.
Tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ làm việc nhà là 1/15; tỷ lệ tội phạm là 1/10, tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cũng thấp hơn.
Ngoài nghiên cứu của Đại học Harvard, một nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Trung Quốc vào năm 2004 cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa những đứa trẻ chăm làm việc nhà và những trẻ lười biếng.
Nghiên cứu về tình trạng giáo dục gia đình dựa trên 20.000 học sinh tiểu học ở các tỉnh Bắc Kinh, Hắc Long Giang, Giang Tây và Sơn Đông (Trung Quốc) cho thấy 2 điều: Thứ nhất, trẻ chăm làm việc nhà sẽ có điểm số tốt hơn. Thứ hai, trẻ làm việc nhà có khả năng làm những công việc này cao gấp 27 lần so với những trẻ không làm.
Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ nhỏ cần thời gian học hơn là làm việc nhà. Và giao cho trẻ nhiều việc nhà có thể làm ảnh hưởng, xao nhãng đến công việc học tập. Thực tế hai điều này không hề liên quan đến nhau. Bởi làm việc nhà không giảm bớt thời gian học của trẻ, ngược lại còn giúp trẻ cải thiện được điểm số bởi những kinh nghiệm có được từ thực tế.
Bố mẹ cần làm gì để con tự giác làm việc nhà?
Để con tự giác và yêu thích làm việc nhà, bố mẹ cần có "nghệ thuật". Theo đó, bố mẹ cần hướng dẫn, làm gương, hoặc đưa ra những phần thưởng khích lệ,... Cụ thể như sau:
Hướng dẫn và cùng con làm việc nhà trong lần đầu tiên
Khi thử sức trong một lĩnh vực mới nào đó, trẻ thưởng cảm thấy bỡ ngỡ và lo sợ. Vậy nên khi cho con thử làm 1 công việc nào đó, dù là nhỏ nhất như quét nhà thì bố mẹ cũng hãy ở bên cạnh, chỉ dẫn con cách làm đúng. Không ai có thể thử 1 lần mà thành thạo luôn công việc. Bất kỳ ai cũng có thể nấu cơm nhão, rán đậu cháy hoặc quét nhà chưa sạch trong lần thử sức đầu tiên.
Vậy nên nếu con có làm chưa được tốt, bố mẹ đừng vội trách mắng mà hãy kiên nhẫn hướng dẫn con thêm lần nữa. Điều này giúp con cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.
Để con tự chịu trách nhiệm
Một khi đã hướng dẫn, bố mẹ hãy trao quyền xử lý công việc đó cho trẻ hoàn toàn. Nhiều phụ huynh thường có thói quen thấy con lau nhà chưa sạch thì vội vàng ra lau lại. Điều này vừa khiến trẻ cảm thấy mình không được bố mẹ tin tưởng vừa khiến trẻ thêm ỷ lại vào người lớn.
Bố mẹ thông minh hãy để cho tự chịu trách nhiệm với công việc của mình. Nếu thấy con làm chưa tốt, hãy chỉ rõ và yêu cầu con làm lại, thay vì đi sau "dọn hậu quả" cho con.
Đưa ra hình phạt và phần thưởng
Trước khi được giao việc nhà, con cần biết hình phạt nếu không hoàn thành, chẳng hạn không được xem điện thoại, máy tính; không được chơi với món đồ chơi yêu thích,... Ngược lại, bố mẹ cũng cần có phần thưởng khi con làm việc nhà chăm chỉ trong nhiều ngày. Mục tiêu đầu tiên đề ra là ba ngày liên tiếp, sau đó tăng lên cho đến khi trẻ có thể tự làm công việc đó cả tuần mà không bỏ sót ngày nào.
Hãy thường xuyên khích lệ tinh thần con, nói cho con biết bố mẹ vui thế nào khi con thể hiện được sự tự lập thông qua các công việc nhà. Thi thoảng, bố mẹ có thể giúp con làm việc nhà, những khi con bận học bài hay có một cuộc hẹn nào đó với bạn bè. Đây là một trong những cách giúp cả gia đình gắn kết, gần gũi với nhau hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.