Bạn có biết rằng, một đứa trẻ chơi violon hay piano sẽ học được nhiều hơn những đứa trẻ chỉ nghe nhạc Mozart. Một nhóm các nhà nghiên cứu tâm thần học trẻ em tại khoa Y Đại học Vermont, Mỹ phát hiện ra rằng, trẻ có luyện tập một loại nhạc cụ nào đó sẽ giúp chúng tập trung tốt hơn, kiểm soát được cảm xúc và giảm lo âu. Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí của Học viện Tâm thần trẻ em và vị thành niên Mỹ (AACAP).
Mối quan hệ giữa việc học và chơi một nhạc cụ
Giáo sư James Hudziak tại Đại học Vermont đã tiến hành một cuộc điều tra có liên quan, ông phát hiện ra rằng, việc chơi và học nhạc có tác động tích cực tới các vùng não kiểm soát hành vi.
Nghiên cứu này đã phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não của 232 đứa trẻ trong độ tuổi từ 6 – 18 để xem xét mối liên quan giữa việc học và chơi 1 loại nhạc cụ nào đó đối với não bộ.
Kết quả cho thấy, độ dày của vỏ não tăng lên theo độ tuổi của những đứa trẻ này. Sự dày lên hoặc mỏng đi của vỏ não ở các vùng cụ thể có thể phản ánh sự lo lắng, trầm cảm, các vấn đề về sự chú ý và kiểm soát hành vi ở trẻ khỏe mạnh (không mắc bệnh tâm thần và rối loạn tâm thần).
Giáo sư Hudziak muốn sử dụng nghiên cứu này để xem xét liệu các hành vi tích cực, chẳng hạn như luyện tập âm nhạc, có thể ảnh hưởng đến các chỉ số vỏ não hay không.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng mà họ đang tìm kiếm. Đó là việc chơi nhạc có thể làm thay đổi các vùng vận động của não. Vì hoạt động luyện tập các loại nhạc cụ đòi hỏi sự phối hợp và kiểm soát chuyển động của não. Âm nhạc ảnh hưởng lớn tới độ dày của vỏ não của trẻ, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chứng trầm cảm và xử lý cảm xúc.
Giáo sư Hudziak tin rằng, đối với trẻ em có vấn đề về tâm lý và tình cảm, âm nhạc có thể giải tỏa lo lắng và hồi hộp, đồng thời chỉ ra rằng chơi đàn vĩ cầm tốt hơn việc uống thuốc điều trị.
Những lợi ích của âm nhạc đối với trẻ em
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, học nhạc giúp ích rất nhiều cho các môn khác. Mary Luehrisen, giám điều hành của National Association of Music Businesses Foundation (NAMM) cho biết: "Ca hát và nghe nhạc có tác dụng rất tốt đối với trẻ em khi chúng bắt đầu đi học chính thức".
Hơn nữa, nhà soạn nhạc Kenneth Guilmartin cho biết, hoạt động âm nhạc không chỉ là rèn luyện giọng nói hay ngón tay để chơi nhạc cụ mà trẻ còn có thể đạt được nhiều khả năng khác như thị giác, thính giác, các nhóm cơ lớn nhỏ.
Những lợi ích khác của âm nhạc phải kể đến như:
- Phát triển ngôn ngữ
Theo Mary Luehrisen, âm nhạc rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 2 đến 9 tuổi. Khi trẻ tiếp xúc với thế giới, chúng cần mã hóa âm thanh và từ ngữ, chơi nhạc cụ hay nghe nhạc hỗ trợ rất tốt cho điều này.
Kyle Pruett, giáo sư tâm thần học trẻ em tại trường Y Đại học Yale cho biết: "Mối quan hệ giữa âm nhạc và ngôn ngữ cũng có lợi cho sự phát triển xã hội của trẻ. Ngôn ngữ là một năng lực xã hội, là nền tảng của sức mạnh. Việc học nhạc sẽ củng cố kỹ năng ngôn ngữ".
- Tăng chỉ số IQ
Glenn Schellenber là một nhà soạn nhạc người Canada và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto đã tiến hành một nghiên cứu và nhận thấy rằng, những đứa trẻ 6 tuổi nếu tham gia lớp học về thanh nhạc và piano mỗi tuần sau một thời gian sẽ tăng IQ đáng kể.
- Giúp não bộ hoạt động nhiều hơn
Não của các nhạc sĩ hoạt động rất khác so với người bình thường. Một số nghiên cứu khoa học thần kinh cho thấy, những đứa trẻ học nhạc thường có hoạt động thần kinh mạnh mẽ hơn những đứa trẻ không học nhạc.
- Cải thiện kết quả học tập
Một nghiên cứu được xuất bản năm 2007 bởi Christopher Johnson, giáo sư và là nhà trị liệu âm nhạc tại Đại học Kansas cho thấy, học sinh tiểu học nếu được học một nhạc cụ nào đó sẽ có điểm số cao hơn 22% trong các bài kiểm tra so với học sinh trung bình.
Ngoài việc cải thiện điểm số, nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng, giáo dục âm nhạc chất lượng cao tác động tích cực tới thành tích của trẻ. Điều này là do trẻ được học bởi những giáo viên xuất sắc. Khi bạn ở trong một môi trường có nhiều người chăm chỉ và sáng tạo, bạn cũng muốn được như họ.
https://afamily.vn/nghien-cuu-cua-giao-su-my-tre-em-hoc-nhac-giup-giam-lo-lang-cai-thien-su-tap-trung-phat-trien-tri-nao-2022051914112367.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.