Trước đây, sinh mổ chỉ được thực hiện trong các trường hợp khẩn cấp để cứu sống cả mẹ lẫn con. Song ngày nay, không chỉ khẩn cấp các mẹ mới chọn sinh mổ. Trên thực tế, có nhiều người mẹ sợ đau đẻ, muốn chọn giờ sinh cho con, hay cho rằng sinh mổ an toàn hơn sinh thường nên đã yêu cầu bác sĩ cho mình vào phòng phẫu thuật.
Tuy nhiên, mới đây, có một nghiên cứu khoa học của Phó giáo sư bác sĩ Ola Andersson, công tác tại Khoa Y thuộc trường Đại học Lund (Thụy Điển), cho thấy việc sinh mổ có kế hoạch có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi hơn so với những đứa trẻ được sinh tự nhiên.
Trẻ được sinh mổ theo kế hoạch kém phát triển hơn em bé sinh thường
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét 66 trẻ được sinh mổ theo kế hoạch để so sánh với 352 em bé được sinh thường. Các bé tham gia nghiên cứu được ghi danh khi mới chào đời và có đánh giá đầu tiên về sự phát triển khi được 4 tháng tuổi. Sau đó, khi trẻ được 12 tháng, Phó giáo sư Andersson cùng các cộng sự sẽ quay lại đánh giá lần thứ 2. Điều này nhằm giúp các nhà nghiên cứu hiểu được sự tác động của phương pháp sinh đẻ đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, phó giáo sư Andersson còn có bảng câu hỏi về độ tuổi và các giai đoạn phát triển của trẻ dành cho cha mẹ. Trong đó bao gồm 30 câu hỏi đánh giá sự phát triển của trẻ trong 5 lĩnh vực: giao tiếp, kỹ năng vận động tinh, kỹ năng vận động thô, giải quyết vấn đề và khả năng xã hội. Ví dụ khi được 4 tháng tuổi, con bạn có lấy hoặc cầm quần áo đưa lên miệng hay không? Hoặc con bạn có nhìn vào đồ chơi khi được cha mẹ đặt vào tay hay không?
Bảng câu hỏi này đã được chứng minh là có mối tương quan tốt với xét nghiệm phát triển do các chuyên gia y tế thực hiện và được sử dụng phổ biến bởi cả các nhà nghiên cứu và các trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Phó giáo sư Andersson cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng trẻ chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai theo kế hoạch có điểm kém hơn trong cả năm lĩnh vực phát triển khi được bốn tháng tuổi so với các bé sinh thường. Sự khác biệt lớn nhất là ở các kỹ năng vận động tinh, còn sự khác biệt nhỏ nhất là trong giao tiếp. Nhưng may mắn là khi được 1 tuổi, những khác biệt này giảm dần, ngoại trừ kỹ năng vận động thô, chẳng hạn như trẻ biết đi chậm hơn".
Phó giáo sư Andersson cũng cho biết thêm rằng kết quả nghiên cứu của ông cho kết quả tương tự như các nghiên cứu trước đây từ các nhà khoa học ở Anh, Mỹ, Thụy Điển và Úc. Vì tất cả đều chỉ ra rằng trẻ em sinh mổ theo kế hoạch kém phát triển hoặc học không tốt bằng các bạn được sinh thường. Chưa kể, một số nghiên cứu còn cho thấy trẻ sinh mổ có kế hoạch có nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp sau sinh, béo phì, hen suyễn và tiểu đường.
Vì sao sinh mổ theo kế hoạch lại không tốt cho trẻ sơ sinh?
Nói vấn đề này, phó giáo sư Andersson giải thích: "Khác biệt trong sự phát triển của trẻ sinh thường và sinh mổ có kế hoạch có thể là do sự khác nhau trong cách bé thích nghi với tuần hoàn máu và hô hấp để sống bên ngoài tử cung của mẹ. Nói cho dễ hiểu, trẻ sinh mổ không phải chịu áp lực hay căng thẳng như khi sinh qua đường âm đạo. Trong khi đó, sự căng thẳng này lại giúp em bé thích nghi với tuần hoàn và hô hấp bên ngoài bụng mẹ".
Chưa hết, sinh thường dường như còn lập trình các gen của trẻ thông qua quá trình methyl hóa DNA. Bởi DNA- methylation là một phần của hệ thống chỉ đạo gen nào được "bật", gen nào được "tắt" trong cơ thể, thế nhưng quá trình này lại không diễn ra ở các bé sinh mổ.
"Ngoài ra, trong khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng phương pháp sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ. Các yếu tố khác như di truyền, dinh dưỡng và sự trải nghiệm của trẻ cũng bị tác động. Ngay cả thời gian cho các ca sinh mổ theo kế hoạch cũng rất quan trọng vì những ca mổ này thường được thực hiện trước ngày dự sinh từ 10 -14 ngày so với ngày dự sinh. Những đứa trẻ được sinh mổ càng gần ngày dự sinh, càng tốt cho sự phát triển của trẻ", phó giáo sư Andersson cho biết thêm.
Tuy nhiên, phó giáo sư Andersson cũng khuyên các bà mẹ đang có dự định sinh con theo ý muốn cũng không nên quá lo lắng. Bởi sự phát triển của trẻ cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như dinh dưỡng, sự trải nghiệm và di truyền. Thế nhưng, tốt nhất các mẹ nên để con được lựa chọn ngày giờ mình chào đời.
Nguồn: Conversation
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.