Muốn đến Hội An thì người ta phải mất tiền, nhưng tôi thì chẳng bao giờ mất gì. Bởi lẽ tôi sinh ra ở ngay phố cổ này, sống cùng ba mẹ và bà ngoại. Cả tuổi thơ mò cua bắt ốc trên sông Hoài, chơi trốn tìm trong những con ngõ cũ, nghịch ngợm bên gánh xu xoa của bà. Bây giờ tôi mở cái homestay be bé, nồng hậu đón khách tới thăm thú Hội An.
"Ai xu xoa tôi bán xoa cho!"
Nhà tôi không giàu cũng chẳng nghèo. Tôi lớn lên bằng những ly xu xoa mát lạnh của bà ngoại, quanh quẩn bên gánh hàng rong. Ngày mưa thì bà ế ẩm, ngày nắng thì khách đông tưng bừng. Tôi đứng cạnh gánh xu xoa, lãnh "nhiệm vụ" giải thích khi được hỏi về tên của món lạ lùng ấy. Mà tôi nào biết ai đặt tên cho xu xoa đâu! Chỉ biết nó ngon và trong lành như tình yêu thương của bà vậy.
Bạn bè tới Hội An chơi, đứa nào cũng nhao nhao hỏi xu xoa là gì. Tôi bảo chúng nó là nước luộc da lợn nên cắt ra trong như thạch. Thế là cả lũ thi nhau trợn mắt lên, tưởng được ăn da lợn nấu chè kì quái! Đến khi ngoại đánh tôi mấy cái rồi "đính chính" là thạch làm từ rau câu, chúng nó mới cắm đầu vào xì xụp tiếp.
Xu xoa của bà vị thanh ngọt, lúc nào cũng nhẹ nhàng êm ả như chiều hè. Những viên thạch cắt thành từng đủm, màu vàng trong như hổ phách. Cứ đi học về là tôi chạy cùng lũ bạn gào lên khắp phố: "Nhà tôi có một cái ang - Gặt lúa cả làng đổ lại còn lưng".
Rồi tiện đường tôi quẹo ra chỗ ngoại, ngồi chè hẻ ra xin ly xu xoa. Ngoại luôn mắng tôi là con nhóc tào lao "ba xăng khao", nhưng tay thì múc đầy một bát thạch, thêm muôi nước đường gừng thơm lựng và 2 lát tào phớ.
Ăn xong 1 ly lại muốn gọi ly nữa. Những viên thạch tan ra như niềm hạnh phúc lan tỏa trong vị giác. Xu xoa rẻ tiền lắm, chỉ 5-10 nghìn 1 ly thôi mà vương vấn khó quên.
Ngoại tôi ngồi cạnh một chú bán bánh xoài vui tính lắm. Chú hay bán hàng hộ ngoại. Rồi rảnh rảnh chú lại hò hét rao hộ ngoại "Ai xu xoa tôi bán xoa cho!". Ngoảnh đi ngoảnh lại chú bánh xoài đã chuyển lên thành phố sống. Còn ngoại tôi vẫn đội nón gánh nồi thạch đi khắp Hội An. Ngoại vốn ở làng chiếu Bàn Thạch, nhưng một lần ra đảo Lý Sơn học mót được món xu xoa. Thế là đổi nghề!
*****
Bán lưng cho trời suốt hơn 50 năm, cuối cùng ngoại tôi quyết định sẽ nghỉ ngơi. Sáng đó mưa tầm tã, ngoại ngồi ở hiên cạnh giàn hoa giấy. Bỗng dưng ngoại bảo tôi gọi các bác với dì qua nói chuyện để "bàn giao" lại gánh xu xoa. Bác cả bác hai giãy nảy lên kêu mưa gió ngập lụt không tới, dì út cũng nói bận việc không qua. Mẹ hỏi có chuyện gì, bà đáp gọn lỏn: "Tau già rồi".
Chẳng hiểu sao bố tôi nghe được chuyện bà có món tài sản tích cóp cả đời. Thế là hôm sau khi mặt trời mới ló, nhà tôi đã rộn ràng như Tết! Giỗ ông ngoại cũng không đông đủ như thế. Bà thong thả hỏi.
- Tau đến lúc nghỉ ngơi rồi, đứa nào đồng ý nối nghiệp?
Chẳng ai lên tiếng. Ngoại hỏi lại lần nữa vẫn không ai trả lời, trông bác cả có vẻ khó chịu. Bao năm nay 2 bác và dì đều chẳng quan tâm bà nên đẩy hết trách nhiệm cho mẹ tôi. Nay tự dưng qua ngồi im lặng, lạ thật đấy. Nhưng điều quái lạ hơn là việc ngay sau đó, ngoại lôi ra 10 cây vàng sáng choang!
Không khí trong nhà bắt đầu ngột ngạt, ai cũng nhìn chòng chọc lên tấm phản gỗ bà ngồi. Bà phe phẩy quạt chờ đợi các con nhận kế thừa nghiệp bán xu xoa, nhưng chữ "Không" hiện rõ trên trán của 8 con người ngồi phía dưới.
Dì tôi bất ngờ nhào lên ôm tay ngoại cười hào sảng.
- Mạ cứ chia đều vàng ra cho tụi con là được, mần răng mà phải đi bán xu xoa chi. Tụi con có tiệm có nghề riêng hết ráo, giờ bỏ đi bán xu xoa nó kỳ.
- Kỳ sao mi nói tau nghe?
Rồi tới đó bắt đầu ầm ĩ. Vàng thì ai cũng muốn lấy, còn gánh hàng cũ kỹ của ngoại thì không ai thèm! Bác dâu bác rể cũng tham, nhảy lên định cầm vàng nhưng ngoại đã nhanh tay nhét lại vào túi vải nhung. Không ngờ ngoại bán mớ thạch ấy cũng tích cóp được cả gia tài lớn. Nhưng công việc thực sự vất vả quá, lại thu toàn tiền lẻ, mọi người từ chối điều kiện của bà cũng phải. 10 cây vàng đổi lấy nghề bán hàng rong, tôi đố ai dám đấy?
Câu chuyện chưa đâu vào đâu thì ngoại bỏ ra bờ sông, kêu tôi đi cùng để ăn sáng ở tiệm mì Quảng. Chìa khóa tủ ngoại đã cầm theo, bấy lâu ai cũng phớt lờ cái tủ gỗ cũ mà giờ mới biết nó quý giá nhường nào. Ngoại thở dài liên tục, tôi định trêu hay là để con kế nghiệp. Nhưng uốn lưỡi 7 lần xong tôi nhận ra mình cũng sợ cảnh xách gánh trời mưa ra giữa phố ngồi.
Ăn xong về nhà thấy bóng người dưới bếp, tôi nghe lỏm được cuộc đối thoại chẳng hề vui.
- Em cứ giả bộ nhận đại nghề của mẹ đi. Lấy 10 cây vàng xong đến lúc mẹ mất em bỏ sang nghề khác ai biết đâu?
- Không. Em không làm thế với mẹ được!
- Vợ chồng mình may quần tây cả đời cũng không có nổi 5 cây kìa, cần tiền sửa sang lại nhà rồi cưới chồng cho con gái nữa chứ.
Mẹ tôi có vẻ lưỡng lự. Bà ở nhà nội trợ may vá cũng ngót 2 thập kỷ. 10 cây vàng và ước nguyện của ngoại. Mẹ sẽ chọn cái nào đây?...
https://afamily.vn/ngoai-co-10-cay-vang-va-1-ganh-xu-xoa-lan-dan-ca-doi-nuoi-con-vang-ai-cung-thich-nhung-ganh-hang-cu-ky-kia-thi-chang-ai-them-20220415152955408.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.