Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: "Kền kền ăn xác" mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren

Nhiều người Ấn Độ đã buộc phải tìm đến chợ đen để mua bình oxy và "thuốc chữa COVID-19", và chấp nhận trả cái giá cắt cổ để đổi lấy cơ hội sống sót cho người thân của họ.

Trong khi các bệnh viện ở thủ đô New Delhi và nhiều thành phố khác đối mặt với tình trạng giường bệnh quá tải, thiếu thốn vật tư y tế, thì nhiều người dân Ấn Độ đã buộc phải tìm cách điều trị tại nhà cho người thân của mình giữa bối cảnh làn sóng thứ hai của đại dịch càn quét.

Hôm 26/2, Ấn Độ tiếp tục phá kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24h - 352.991 người.

Nhiều người đã buộc phải tìm đến chợ đen để mua bình oxy và "thuốc chữa COVID-19", và chấp nhận trả cái giá cắt cổ để đổi lấy cơ hội sống sót cho người thân của họ - dù chất lượng thuốc ở thị trường này chưa được kiểm chứng.

Anshu Priya đã đi hỏi khắp nơi nhưng không thể tìm được giường bệnh trống cho bố chồng của cô ở trong nội thành New Delhi hoặc vùng ngoại ô Noida, trong khi tình trạng của ông liên tục chuyển biến xấu đi. Priya đã dành cả ngày Chủ nhật để tìm mua bình oxy, nhưng vô ích.

Cuối cùng cô đã quyết định tìm đến chợ đen, và chấp nhận trả cái giá "cắt cổ" - 50.000 rupee (670 USD) - để mua một bình oxy có giá thị trường chỉ bằng 1/8. Thế nhưng, cả mẹ chồng cô giờ đây cũng mắc bệnh, và Anshu hiểu rằng có thể cô sẽ không mua được một bình oxy khác ở chợ đen.

Priya chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ở New Delhi, Noida, Lucknow, Allahabad, Indore và rất nhiều thành phố khác, nơi COVID-19 đang hoành hành và nhiều gia đình đang tuyệt vọng vì cơ sở y tế quá tải, không thể tiếp nhận thêm người bệnh. Một số gia đình phải nhờ đến chợ đen, nhưng cũng đã có nhiều trường hợp được ghi nhận gục chết trước cửa bệnh viện vì không đủ tiền mua thuốc và bình oxy ở chợ đen.

Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: Kền kền ăn xác mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren - Ảnh 1.

Giá thuốc trên chợ đen có thể cao gấp 10, 15 lần so với giá thông thường, và cũng không chắc liệu đó có phải là thuốc thật hay không. Nguồn: BBC

BBC đã liên hệ với một số đại lý cung cấp bình oxy, và phần lớn đều đưa ra cái giá gấp ít nhất 10 lần so với giá bán thông thường.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô New Delhi, nơi các khoa cấp cứu không còn giường trống. Những gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi tiền thuê y tá và bác sĩ tư vấn từ xa để duy trì mạng sống cho người thân của họ.

Nhưng một lĩnh vực cũng đang gặp khó khăn không kém là xét nghiệm máu, chụp CT hoặc chụp X-quang.

Các phòng xét nghiệm đang hoạt động quá công suất, và phải mất tới 3 ngày họ mới trả kết quả kiểm tra. Điều này khiến các bác sĩ điều trị khó có thể đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Thậm chí kết quả chụp CT còn phải mất nhiều ngày hơn thế.

Các bác sĩ cho biết sự chậm trễ này đang khiến nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm. Xét nghiệm RT-PCR để xác định dương tính với COVID-19 cũng phải mất nhiều ngày mới có kết quả. Nhiều người lâm bệnh, đã tìm được giường trống, nhưng lại không thể nhập viện vì không có giấy xác nhận dương tính với COVID-19.

Anuj Tiwari đã thuê một y tá để hỗ trợ điều trị cho anh trai mình tại nhà, sau khi người anh trai bị bệnh viện từ chối.

Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: Kền kền ăn xác mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren - Ảnh 2.

Dòng thông báo trong ảnh: Chúng tôi rất tiếc khi không thể nhận thêm bệnh nhân điều trị tại bệnh viện vì nguồn cung oxy đã bị gián đoạn. Ảnh: Getty

Một số bệnh viện thông báo họ không còn giường trống, và một số nơi khác không dám nhận thêm bệnh nhân vì nguồn cung bình oxy y tế của họ không đảm bảo. Một số bệnh nhân ở New Delhi đã qua đời vì không có bình oxy.

 

Người dân tuyệt vọng, các bệnh viện cũng tuyệt vọng. Một số bệnh viện liên tục đưa ra cảnh báo rằng lượng oxy y tế còn lại của họ chỉ đủ cho vài giờ. Sau đó, chính phủ đã hành động và các chuyến tàu đã vận chuyển oxy đến các bệnh viện, nhưng thường chỉ đủ dùng trong một ngày.

Nhiều người lo ngại rằng một thảm kịch lớn rất có thể sẽ xảy ra.

Trước cảnh khó khăn của các bệnh viện, Tiwari đã phải chi trả một số tiền khổng lồ để mua một chiếc máy hút oxy từ không khí cho anh trai mình. Bác sĩ cũng yêu cầu anh mua thuốc remdesivir, loại thuốc đã được cho phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ và đang được nhiều bác sĩ sử dụng để chữa COVID-19, dù hiệu quả của nó vẫn đang là đề tài tranh cãi trên khắp thế giới.

Thế nhưng loại thuốc này không hề dễ tìm. Sau khi đi hỏi thăm rất nhiều hàng thuốc, ông Tiwari đã bỏ cuộc và quyết định tìm đến chợ đen. Tình trạng của anh trai ông vẫn tiếp tục chuyển biến xấu và bác sĩ điều trị cho biết bệnh nhân có thể phải đến bệnh viện sớm để có được loại thuốc cần thiết.

Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: Kền kền ăn xác mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren - Ảnh 4.

Ảnh: SUMIT KUMAR

"Nhưng làm gì có giường bệnh trống. Tôi phải làm gì đây? Tôi thậm chí chẳng còn mấy đồng để đưa anh trai đi đâu nữa, vì tôi đã tiêu tốn rất nhiều rồi", Tiwari nói.

Ông nói thêm rằng "trận chiến tuyệt vọng để cứu sống các bệnh nhân COVID-19 đã chuyển từ bệnh viện về nhà", và điều đó thậm chí còn khó khăn hơn nữa vì "có được oxy đâu phải là điều dễ dàng".

 

Thuốc Remdesivir khan hiếm đến mức gia đình của các bệnh nhân đang điều trị tại nhà cuống cuồng tích trữ. Họ muốn phòng xa, đề phòng trường hợp bệnh nhân được yêu cầu tới bệnh viện và phải dùng loại thuốc này.

BBC đã liên hệ với một số đại lý trên thị trường chợ đen. Họ nói rằng nguồn cung Remdesivir đang khan hiếm, khiến họ đưa ra cái giá cao đến vậy. Chính phủ đã cấp phép cho 7 công ty sản xuất Remdesivir ở Ấn Độ và họ đã được yêu cầu tăng cường sản xuất loại thuốc này.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lalit Kant - một nhà dịch tễ học - yêu cầu này đã được đưa ra quá muộn, và lẽ ra chính phủ nên chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng dịch thứ hai.

Ông Kant nói: "Nhưng bằng cách nào đó, loại thuốc này lại có sẵn trên thị trường chợ đen. Có thể đã có sự rò rỉ trong hệ thống cung cấp thuốc mà các cơ quan quản lý đã bỏ qua".

"Chúng ta không hề học được gì từ làn sóng dịch bệnh đầu tiên", ông nói.

Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: Kền kền ăn xác mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren - Ảnh 6.

Ảnh: Getty

Một loại thuốc khác cũng đang được "săn lùng" nhiều là tocilizumab. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị viêm khớp, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể làm giảm nguy cơ khiến tình trạng của bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở máy.

Các bác sĩ thường sẽ kê thuốc này cho những trường hợp nặng. Nhưng gần đây, nó đã "bốc hơi" khỏi thị trường. Cipla, công ty nhập khẩu và bán thuốc của Ấn Độ, đã phải chật vật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

 

Thông thường, một lọ 400mg tocilizumab có giá khoảng 32.480 rupee (khoảng 430 USD), nhưng Kamal Kumar đã trả 250.000 rupee (khoảng 3.350 USD) để mua một liều thuốc cho cha mình.

Kumar cho biết cái giá phải trả là "lý trí" của anh, nhưng anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền cho tay bán thuốc ở chợ đen.

Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Anant Bhan nói rằng chính phủ nên nhập loại thuốc này với số lượng lớn, vì không nhiều người có điều kiện tài chính để mua được thuốc ở chợ đen.

"Điều này cho thấy chính phủ đã không thể lường trước và lên kế hoạch cho làn sóng dịch bệnh thứ hai", chuyên gia này nói.

Những kẻ lừa đảo - "kền kền ăn xác" - mặc sức tung hoành

Remdesivir giả cũng đã xuất hiện trên thị trường chợ đen. Khi BBC liên hệ với một đại lý để hỏi rằng liệu loại thuốc mà người này cung cấp có phải là thuốc thật hay không, vì công ty sản xuất nó không nằm trong danh sách các công ty được cấp phép sản xuất ở Ấn Độ, người này đã trả lời rằng đây "100% là thuốc thật".

Bao bì thuốc được đại lý này cung cấp cũng đầy lỗi chính tả. Nhưng anh ta chỉ nhún vai và thách phóng viên đem nó đến bất kỳ phòng thí nghiệm nào để thử nghiệm. Sự nghi ngờ càng lớn hơn nữa khi công ty sản xuất loại thuốc này không hề có bất cứ thông tin nào trên Internet.

Người Ấn Độ vẫn lao vào chợ đen dù bị lừa đau: Kền kền ăn xác mặc sức hoành hành giữa lúc rối ren - Ảnh 8.

Ảnh: Getty

Nhưng trong cảnh tuyệt vọng, mọi người sẵn sàng bỏ tiền ra mua cả những loại thuốc có vấn đề. Và có cả những trường hợp bị lừa đầy đau đớn. Người dân liên tục chia sẻ số điện thoại của những nhà cung cấp oxy, thuốc men... Nhưng không phải tất cả những số điện thoại này đều được xác minh.

 

Một nhân viên công nghệ thông tin giấu tến cho biết nói rằng anh rất cần mua một bình oxy và Remdesivir, nên anh đã lên Twitter tìm kiếm một đại lý chợ đen. Sau khi liên lạc, đại lý này đã yêu cầu anh đặt cọc 10.000 rupee (134 USD) như một khoản thanh toán trước.

"Ngay sau khi tôi chuyển tiền, người đó đã chặn số của tôi", anh nói.

Sự tuyệt vọng khiến mọi người có thể bấu víu vào bất cứ thứ gì, và điều đó đã khiến thị trường chợ đen càng phát triển hơn nữa. Một số chính quyền tiểu bang đã cam kết sẽ trấn áp hoạt động của thị trường chợ đen, và một số kẻ đã bị bắt giữ. Nhưng thị trường này hầu như không bị xáo trộn nhiều.

Ông Tiwari cho biết, những người như ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả nhiều tiền hơn để có thứ mình cần vì bệnh viện đã từ chối người thân của ông. Nhưng cũng có những trường hợp đã cố gắng chữa trị tại nhà nhưng vẫn không thể cứu được người bệnh./.

(Theo BBC)

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-an-do-van-lao-vao-cho-den-du-bi-lua-dau-ken-ken-an-xac-mac-suc-hoanh-hanh-giua-luc-roi-ren-161212704193018216.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang