Người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, bất kể tiêm vaccine hay chưa, đều nên làm những điều này

Dưới đây là khuyến cáo của nhóm chuyên gia về những việc cần làm khi có những triệu chứng giống mắc COVID-19.

Việt Nam hiện cũng đang là một trong những nước chịu sự thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19, đặc biệt trong đợt dịch mới bắt đầu từ ngày 27/4/2021. Được biết Việt Nam bắt đầu bùng dịch vào dịp đầu năm mới 2020, vào thời điểm mà Trung Quốc và 18 quốc gia khác đang hứng chịu một làn sóng COVID-19 với số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày; Việt Nam khi đó đã ứng phó nhanh chóng và kịp thời dựa trên chiến lược truy vết F0-F5, tập trung vào những người có liên quan đến vùng dịch đều phải khai báo y tế, xét nghiệm và cách ly.

Trước làn sóng dịch thứ 4 lần này, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất. Thế nhưng, trong đợt dịch này, theo nguồn Bộ Y tế, số ca nhiễm trong cả nước ghi nhận trung bình > 7.500 ca mỗi ngày.

Người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, bất kể tiêm vaccine hay chưa, đều nên làm những điều này - Ảnh 1.

Trước tình hình này, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã viết một bài phân tích và so sánh tính hiệu quả giữa hai phương pháp: phương pháp xét nghiệm đại trà, sử dụng test nhanh, nhắm vào diện rộng của một vùng dân cư ngay cả khi người dân không có triệu chứng và phương pháp xét nghiệm chọn lọc vào người có triệu chứng kèm truy vết.

Dựa trên những bằng chứng khoa học, chúng tôi đã đề xuất phương pháp xét nghiệm chọn lọc vào người có triệu chứng kèm truy vết đem lại hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực và thiết thực hơn.

Các triệu chứng có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi phơi nhiễm với vi-rút. Bất cứ ai cũng có thể có các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Theo Trung tâm Kiểm bệnh tật (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bất cứ ai có bất kỳ triệu chứng nào (>=1) nghi nhiễm COVID-19, bất kể triệu chứng nhẹ hay nặng, bất kể chích vaccine hay chưa và bất kể tình trạng đã nhiễm trước đó, đều được khuyến cáo rằng phải chủ động khai báo y tế và đi xét nghiệm COVID-19.

Những việc cần làm khi nghi nhiễm COVID-19

Và cũng theo CDC, những ai có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, bất kể kết quả xét nghiệm là dương tính hay âm tính, đều phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, thường xuyên theo dõi triệu chứng và khai báo y tế, tuân thủ quy định cách ly tại nhà, và gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế khi các triệu chứng trở nặng hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng của nhiễm COVID-19 như khó thở, đau tức ngực,...

Do đó chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cần quy định rõ và tuyên truyền mạnh mẽ:

(1) Đối với mọi người dân

Tất cả phải tự đánh giá mỗi ngày về nguy cơ bị nhiễm bệnh khi có một trong các các dấu hiệu, có một trong các triệu chứng: mất vị giác, mất khứu giác, khó thở; Có 2 trong các triệu chứng: sốt > 37.5 độ, ho, đau họng, tiêu chảy; Sống chung hay làm việc chung phòng với người có các triệu chứng trên; Tiếp xúc với người nhiễm hay nghi nhiễm COVID-19 (F0, F1) trong vòng 14 ngày.

Cần báo ngay cho quản lí (cấp trên, cơ sở y tế) và không được đi làm. Chủ động báo cáo ngay với cấp trên qua điện thoại và tự cách ly tại nhà, đồng thời gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị (xem hình bên dưới).

Người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19, bất kể tiêm vaccine hay chưa, đều nên làm những điều này - Ảnh 3.

(2) Đối với các cơ quan chống dịch

Truy vết, làm xét nghiệm F1:

Sau khi đã xác định được người nhiễm COVID-19 (F0), nhanh chóng triển khai truy vết tất cả các đối tượng đã tiếp xúc gần (F1) với người bị nhiễm. Theo CDC, tiếp xúc trong vòng 2 mét kéo dài tổng cộng từ 15 phút trở lên trong vòng 24 giờ được xem là tiếp xúc gần. Tất cả các đối tượng được xem là F1 cũng phải chủ động tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, tuân thủ quy định cách ly tại nhà, và đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe.

Nhiều người thắc mắc liệu việc xét nghiệm trên các đối tượng có bất kỳ triệu chứng nào nghi nhiễm COVID-19 có thiết thực không? Vì như chúng ta biết, các triệu chứng cúm trùng lặp với một số triệu chứng COVID-19. Đối với những người có triệu chứng cúm nhưng vẫn phải làm xét nghiệm, vậy có lãng phí kinh phí và nguồn lực?

Nhóm nghiên cứu chúng tôi đã khảo sát và phân tích vấn đề này trong một bài viết gần đây, chúng tôi ghi nhận rằng số lượng người có triệu chứng cúm được làm xét nghiệm COVID-19 là khá nhỏ so với số lượng người có triệu chứng COVID-19 tại TP HCM hiện nay.

Vì vậy, cân nhắc giữa lợi và hại, chúng tôi nhận định không vì điều này mà ngừng hoặc bỏ qua phương pháp xét nghiệm chọn lọc vào người có triệu chứng và đi kèm với đó là truy vết – phương pháp được xem là hiệu quả , tiết kiệm kinh phí, nguồn lực và được WHO cũng như CDC khuyến cáo trong phòng và chống dịch COVID-19.

Nhóm tác giả:

- BS Lê Thị Bích Trang ( Khoa Y, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, TP HCM)

- PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

Tài liệu tham khảo:

https://kinhtevadubao.vn/truy-tim-f0-nen-theo-phuong-phap-xet-nghiem-chon-loc-19348.html

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8334003/

https://covid19.gov.vn/

https://kinhtevadubao.vn/truy-tim-f0-nen-theo-phuong-phap-xet-nghiem-chon-loc-19348.html

https://kinhtevadubao.vn/truy-tim-f0-nen-theo-phuong-phap-xet-nghiem-chon-loc-19348.html

https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/coronavirus-disease-answers?adgroupsurvey=%7Badgroupsurvey%7D&gclid=Cj0KCQjwwNWKBhDAARIsAJ8Hkhf9OVIhEC-EXox_m-QQYJLJwo2hq5gO-7vCIHSiWs8bYVKuv_cmx14aAmrtEALw_wcB&query=specific+symptoms&referrerPageUrl=https%3A%2F%2Fwww.who.int%2Femergencies%2Fdiseases%2Fnovel-coronavirus-2019%2Fcoronavirus-disease-answers

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-co-trieu-chung-nghi-nhiem-covid-19-bat-ke-tiem-vaccine-hay-chua-deu-nen-lam-nhung-dieu-nay-161211310163523586.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang