Bệnh nhân người Mỹ mắc bệnh bạch cầu đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ ba cho đến nay được chữa khỏi HIV sau khi cấy ghép tế bào gốc. Cô được cấy ghép tế bào gốc từ người thân và máu cuống rốn từ một đứa trẻ sơ sinh không có quan hệ huyết thống.
Người phụ nữ được giấu tên này được gọi là "bệnh nhân New York", được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2013 và bệnh bạch cầu vào năm 2017. Bệnh nhân đã điều trị tại trung tâm y tế Weill Cornell thuộc thành phố New York.
Trường hợp của "bệnh nhân New York" là một phần của một nghiên cứu do Hoa Kỳ hậu thuẫn, tiến sĩ Yvonne Bryson của Đại học California Los Angeles (UCLA) và Tiến sĩ Deborah Persaud của Đại học Johns Hopkins ở Baltimore dẫn đầu. Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Denver. Đây cũng là trường hợp đầu tiên liên quan đến máu cuống rốn - một cách tiếp cận mới trong việc điều trị HIV.

Trong nghiên cứu, 25 người nhiễm HIV được theo dõi trải qua cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác.
Bệnh nhân trong thử nghiệm đầu tiên trải qua hóa trị để tiêu diệt các tế bào miễn dịch ung thư. Các bác sĩ sau đó cấy ghép tế bào gốc. Các nhà khoa học tin rằng những cá nhân này sau đó phát triển một hệ thống miễn dịch kháng HIV.
Các tế bào gốc được đưa vào cơ thể nữ bệnh nhân mang một thể đột biến khiến gene CCR5 – đường đi cho virus HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch của con người – trở thành một cổng gác chắc chắn trước virus. Mặc dù cô vẫn chưa được tuyên bố là chữa khỏi hoàn toàn song đã ngừng uống thuốc kháng virus – một loại thuốc mà bệnh nhân nhiễm HIV phải uống hàng ngày – từ tháng 10/2020. Nữ bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc vào tháng 8/2017.
Bệnh nhân đã kết thúc việc sử dụng liệu pháp kháng retrovirus sau 37 tháng sau khi làm thủ thuật. Hơn 14 tháng sau đó, vẫn không có dấu vết của HIV trong máu và cô dường như không có kháng thể với virus.
Mặc dù vẫn chưa rõ tại sao máu cuống rốn có hiệu quả nhưng theo giám đốc dịch vụ cấy ghép tại Weill Cornell, Tiến sĩ Koen Van Besien thì có thể là do máu cuống rốn "đã thích nghi". "Đây là những đứa trẻ sơ sinh, chúng dễ thích nghi hơn", ông nói.

Hai trường hợp được chữa khỏi trước đó đều là nam giới, một người da trắng và một người Latinh. Họ được cấy ghép tế bào gốc từ người trưởng thành, thường được sử dụng trong cấy ghép tủy xương. Người thứ nhất là Timothy Ray Brown, được gọi là "Bệnh nhân Berlin", vẫn không nhiễm virus trong 12 năm trước khi chết vì ung thư vào năm 2020. Bệnh nhân thứ hai là Adam Castillejo, được xác nhận đã được chữa khỏi vào năm 2019. Cả hai đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn HIV, chỉ được tìm thấy ở khoảng 20.000 người hiến tặng.
Tuy nhiên, cả ông Brown và ông Castillejo đều bị tác dụng phụ khắc nghiệt. Ông Brown gần như đã chết sau khi cấy ghép. Castillejo đã giảm gần 32kg trong năm. Các bác sĩ cho biết ông cũng bị mất thính lực và trải qua một số bệnh nhiễm trùng.
HIV được biết đến là một trong những loại virus truyền nhiễm cứng đầu nhất thế giới. Phần lớn các phương pháp chữa trị đều bị vô hiệu hóa trước loại virus này. Gần 38 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV, với khoảng 73% trong số họ được điều trị. Các phương pháp điều trị thường là thông qua các loại thuốc kháng virus mạnh có thể kiểm soát virus. Hầu hết trong số họ không thể trải qua cấy ghép tủy xương, vì thủ tục này xâm lấn và nguy hiểm. Loại điều trị này có xu hướng được cung cấp cho bệnh nhân ung thư mà không có lựa chọn khác.
Theo Independent, Newyorktimes, Reuters
https://afamily.vn/nguoi-phu-nu-dau-tien-tren-the-gioi-khoi-hiv-nho-cay-ghep-te-bao-goc-2022021612002903.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.