Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm khiến cuộc sống của người dân khắp thế giới bị xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của hầu hết các gia đình. Ai cũng mong dịch bệnh sớm qua đi, trả lại cho người dân cuộc sống yên bình như trước kia. Không khẩu trang, không nước rửa tay, không giữ khoảng cách và đặc biệt là không phải sống trong lo âu, sợ hãi.
Con đường nhanh nhất để có được điều đó có lẽ chính là vaccine. Đến nay, một số quốc gia trên thế giới, dù chưa "đánh đuổi" hoàn toàn được dịch bệnh nhưng họ có thể phần nào tự tin cuộc sống bình thường sẽ sớm quay về. Chẳng hạn như đất nước Israel đã gần như đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine trên diện rộng. Và gần đây nhất là Na Uy, một số tổ chức y tế tại quốc gia này tuyên bố họ đã thoát khỏi Covid-19.
Theo tờ Financial Times, ông Preben Aavistland, người đứng đầu cơ quan kiểm soát truyền nhiễm thuộc Viện Sức khỏe cộng đồng Na Uy, đưa ra tuyên bố trên trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào ngày 6/6, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối mùa hè năm ngoái.
“Đại dịch đã kết thúc với số ca nhập viện giảm mạnh", ông Aavistland viết.
Trao đổi với tờ báo VG, ông Aavistland nói thêm: “Ở đây, tại Na Uy, có thể nói đại dịch đã kết thúc. Chúng ta có thể bắt đầu chuẩn bị cho sự thật rằng virus SARS-CoV-2 chỉ còn chiếm không gian không đáng kể trong cuộc sống hàng ngày”.
Chúng tôi đã liên hệ với một số người Việt Nam hiện đang sinh sống và và làm việc tại đất nước Na Uy để hiểu rõ hơn về tình hình và cuộc sống hiện tại của người dân nơi đây.
Chị Hồ Tiến, hiện đang sống tại thành phố Lørenskog, hạt Viken (Na Uy) cho biết thời gian gần đây, cuộc sống của cư dân xung quanh đây đã trở lại bình thường. Ngày 12/6 vừa qua, các nhà chức trách đã cho mở cửa lại các địa điểm công cộng, siêu thị, quán ăn, nhà hàng. Mọi người không cần phải đeo khẩu trang nữa nhưng vẫn phải hết sức cẩn thận, không chủ quan.
Chị Tiến cho biết, thực tế, việc phòng dịch ở Na Uy tương tự như ở Việt Nam. Khu vực nào có ca dương tính (tức F0) thì khu vực đó sẽ bị hạn chế đi lại. Người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng trở nặng sẽ tự cách ly điều trị tại nhà, trường hợp diễn biến xấu sẽ được nhập viện.
Tuy nhiên, có điểm khác là những trường hợp F1 không phải đi cách ly hoàn toàn trong vòng 14 ngày hay 21 ngày. Họ tự cách ly tại nhà và được yêu cầu hạn chế di chuyển, vẫn được đi siêu thị mua đồ và phải đeo khẩu trang.
Người dân Na Uy rất có ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh, họ tuân thủ đúng theo quy định của các nhà chức trách (như không tụ tập đông người, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi có lệnh...). Chỉ có một số người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có tâm lý chủ quan.
"Các bạn nhỏ vẫn đi học bình thường, kể cả lúc dịch bùng phát ở nhiều nơi. Chẳng hạn như con chị vẫn đi học. Chỉ có các trường hợp cụ thể như thế này. Một lớp học hoặc một trường học nào đó có ca dương tính với SARS-CoV-2 thì toàn bộ lớp học đó nghỉ học trong vòng 2 tuần. Các bạn còn lại được gọi là F1 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. 10 ngày sau lại xét nghiệm tiếp và không có trường hợp F1 nào dương tính với nCoV thêm nữa thì các em sẽ trở lại lớp học bình thường", chị Tiến kể.
Công việc kinh doanh đã "khởi sắc" hơn
Chị Thảo La, hiện đang sống tại thủ đô Oslo (Na Uy), cho biết cuộc sống của người dân ở thành phố gần như đã trở lại bình thường. Các quán ăn, nhà hàng, công viên, nơi công cộng... đã được mở cửa toàn bộ từ ngày 17/6 mới đây. Khi đến các địa điểm đông người như các phương tiện, trung tâm thương mại, khu vui chơi, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng dịch.
Chị Thảo cho biết, các trường học được phân theo màu đỏ, vàng, xanh như tín hiệu đèn giao thông vậy. Chỗ nào đánh dấu màu đỏ tức là phải nghỉ, chỗ nào màu vàng tức là có nguy cơ bị đóng cửa còn chỗ màu xanh thì hoạt động dạy và học diễn ra bình thường.
Ở thành phố Oslo nơi chị Thảo sống, trừ những người dưới 18 tuổi, đa số mọi người đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Gia đình chị Thảo cũng đã được tiêm 2 mũi vaccine đầy đủ và không mất chi phí.
Chị Thảo mở cửa hàng kinh doanh riêng tại Oslo. Chị kể: "Đợt dịch bùng phát, kể cả không bị cấm thì mình vẫn đóng cửa hàng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Cũng vì thế mà thu nhập bị ảnh hưởng nhiều. Giờ mình đã mở cửa hàng trở lại, khách lại đến tấp nập".
Chị Thảo cho biết người Na Uy sống rất "thoáng". Họ luôn thích đi ra ngoài du lịch, mua sắm, tận hưởng cuộc sống. Vậy nên, trong thời gian ở yên tại nhà, họ không được tiêu tiền "thỏa thích" nên cảm thấy bí bách và sợ bị trầm cảm hơn là sợ dịch bệnh.
"Khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, người dân ở đây lại phấn khởi lắm. Họ muốn làm hết những việc mà thời gian ở nhà họ không được làm chẳng hạn như ăn uống, mua sắm", chị Thảo cho biết thêm. Bởi thế mà tình hình kinh doanh của chị Thảo cũng "khởi sắc" hơn.
Chia sẻ về cộng đồng người Việt ở Na Uy, chị Thảo cho biết những người Việt xa xứ ở đây rất đoàn kết. Mọi người kết nối để chia sẻ với nhau những khó khăn khi xa quê. Thời điểm dịch bệnh xảy ra, mọi người không thể trực tiếp đến thăm nhưng có thể liên lạc qua điện thoại, Internet. Chỉ những người già neo đơn sống một mình mới được cho phép người thân đến thăm nom, chăm sóc. Các gia đình bình thường không được tụ tập đông người để ăn uống, trò chuyện.
Vậy mới thấy cuộc sống ở Na Uy đang từng bước trở về trạng thái bình thường dù người dân vẫn được khuyên phải thận trọng hết mức có thể. Hy vọng Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cũng có thể nhanh chóng "trở mình thức giấc" khỏi cơn ác mộng Covid-19, để được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trên gương mặt nhau, để được trao cho nhau những cái ôm thắm thiết sau chuỗi ngày xa cách vì con virus chết người mang tên nCoV.
Xin cảm ơn chị Hồ Tiến và chị Thảo La về cuộc trò chuyện! Chúc 2 chị và gia đình luôn mạnh khỏe, cuộc sống sinh hoạt ở Na Uy sẽ được khôi phục hoàn toàn, như trước khi dịch Covid-19 ập đến.
Trên thực tế, một số quan chức y tế của Na Uy không đồng tình với quan điểm cho rằng Na Uy đã chính thức hết dịch.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Na Uy, ông Espen Nakstad, cảnh báo đại dịch vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn và người dân không nên lơ là cho đến khi toàn bộ người trưởng thành tiêm đủ liều vaccine vào tháng 8 hoặc tháng 9 sắp tới.
Na Uy là một trong những quốc có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp nhất tại châu Âu. Các lý do được cho là mật độ dân số thấp, vị trí địa lý biệt lập với các quốc gia khác và phản ứng quyết liệt của nhà chức trách. Giới chức Na Uy đã áp dụng nhiều biện pháp chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới và cách ly người bệnh.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 18/6, Na Uy có hơn 129.000 ca nhiễm, trong đó gần 89.000 người hồi phục và chỉ 785 người tử vong.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nguoi-viet-o-dat-nuoc-tu-tin-tuyen-bo-da-chien-thang-dai-dich-covid-19-ke-ve-cuoc-song-hien-tai-khong-can-deo-khau-trang-nua-nhung-van-phai-het-suc-can-than-162211906201719135.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.