Nguyễn Hoàng Khánh - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21: Được mệnh danh "ông hoàng tốc độ", muốn đem cầu truyền hình về để... trả tiền quỹ lớp

Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh) đã trở thành quán quân xứng đáng sau phần thể hiện ấn tượng sau các phần Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.

Sáng 14/11/2021, trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia thứ 21 được tổ chức với sự góp mặt của 4 thí sinh: Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng - Quảng Ninh); Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG HN); Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) và Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).

Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh) đã trở thành quán quân xứng đáng sau phần thể hiện ấn tượng. Bình tĩnh khởi động với 80 điểm, vượt qua các phần Tăng tốc và Về đích nhưng quan trọng nhất tìm ra từ khóa Vượt chướng ngại vật là "Miễn dịch cộng đồng" cùng hàng loạt pha "cướp điểm" ngoạn mục, Nguyễn Hoàng Khánh đã giành chiến thắng với điểm số kỷ lục, giành học bổng 40 ngàn USD (gần 900 triệu đồng).

Nguyễn Hoàng Khánh - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21: Được mệnh danh
 

Với 315 điểm, Hoàng Khánh ghi tên mình vào lịch sử THPT Bạch Đằng khi là học sinh đầu tiên vô địch Olympia. Cậu là nhà vô địch thứ 3 đến từ tỉnh Quảng Ninh. Về nhì là Hải An với 240 điểm, thứ ba Việt Thái 155 điểm, Duy Anh với 60 điểm.

Đem cầu truyền hình về để... trả tiền quỹ lớp

Dù chỉ đứng ở vị trí thứ nhì (với 270 điểm) ở vòng thi tháng và được vào vòng thi Quý với tư cách là thí sinh có điểm nhì cao nhất sau khi kết thúc 3 vòng thi tháng, nhưng Khánh lại là người chạm được nguyệt quế ở vòng thi quý với số điểm 375. Cậu bạn cũng là đại diện đầu tiên đem cầu truyền hình về cho trường THPT Bạch Đằng và là thí sinh thứ 4 của Tỉnh đem về vinh quang này. 

Trước đó, ngay từ vòng thi tuần 1 của Quý I, Nguyễn Hoàng Khánh đã lập nên một kỷ lục của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, khi đã vượt qua tất cả 17 câu hỏi ở phần thi Khởi động trong vòng 60 giây. Cậu được mệnh danh là "ông hoàng tốc độ". Ưu thế về tốc độ của Hoàng Khánh được thể hiện trong cuộc thi chung kết khi có câu cậu chỉ mất 1,37 giây để đưa ra đáp án.

Ở vòng thi Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, trước khi bước vào phần Khởi động, Hoàng Khánh hài hước chia sẻ rằng cậu muốn đem cầu truyền hình về để... trả tiền quỹ lớp. "Từ đầu năm đến giờ, cả lớp vẫn đóng nhưng mình chưa đóng lần nào. Mình để dành khi nào mang cầu truyền hình về thì trả một phát hết năm", Hoàng Khánh nói.

Nguyễn Hoàng Khánh: Từ chàng trai Quảng Ninh muốn đem cầu truyền hình về trả... quỹ lớp đến ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh 2.

4 thí sinh Chung kết Olympia năm thứ 21.

Loạt thành tích đáng nể

Trước khi có mặt tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21, Hoàng Khánh từng đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi Tự hào Việt Nam do T.Ư Đoàn tổ chức vào năm 2020 (đây là một cuộc thi kiến thức lịch sử - văn hóa), Giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp thị xã năm 2019, Giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố (lúc đó Khánh học ở TP Uông Bí); giải nhất Hóa học cấp trường, năm 2018. Thời học tiểu học, THCS, em còn đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi và Hùng biện tiếng Anh. Hiện tại, Khánh chỉ mất từ 7 đến 8 giây để đọc một trang tin tức. Khi đọc sách, cậu đọc chậm lại để có thể hiểu kỹ hơn nội dung. Ngoài ra, chàng trai tiết lộ cậu biết đọc chữ từ năm 4 tuổi.

Nguyễn Hoàng Khánh: Từ chàng trai Quảng Ninh muốn đem cầu truyền hình về trả... quỹ lớp đến ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh 3.

Hoàng Khánh ăn mừng sau khi trả lời đúng từ khóa.

Thầy giáo Trần Duy Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, chia sẻ: Ngay từ ngày mới vào lớp 10, tôi cùng các giáo viên bộ môn của lớp đã nhận thấy tố chất đặc biệt của em Nguyễn Hoàng Khánh trong việc tư duy nhanh nhạy, trí nhớ tốt và quan trọng là rất ham học hỏi, tự học và tự cập nhật kiến thức. Tuy vẻ ngoài lạnh lùng, nhưng theo nhận xét của bạn bè, thực ra Khánh lại là một cậu học trò rất vô tư, gần gũi, thân thiện. 

Kiến thức của Khánh ngoài được tiếp thu ở trường, ở lớp, qua các thầy cô thì một phần rất lớn là do đọc sách và tự tìm hiểu thông qua máy tính kết nối mạng, smartphone. Niềm ham mê đọc sách Khánh có được là từ bà ngoại và mẹ, đều là giáo viên dạy Văn. Khánh thừa hưởng kho sách của bà, của mẹ từ những ngày còn bé và làm đầy thêm kho sách quý giá ấy qua từng năm.

Nguyễn Hoàng Khánh: Từ chàng trai Quảng Ninh muốn đem cầu truyền hình về trả... quỹ lớp đến ngôi vị Quán quân Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh 4.
 

Mẹ Khánh, chị Hoàng Thị Thu Giang, chia sẻ: Từ bé Khánh đã có hứng thú với sách, biết đọc sách từ trước khi vào lớp 1 và rất thích đọc sách, sưu tầm sách, thích được nhận quà là sách vào tất cả các dịp đặc biệt của mình. Thật may mắn khi Khánh tự giác, có ý thức và ham học, ham đọc. Trong suốt những năm tháng Khánh bắt đầu đi học đến nay, gia đình không hề tạo áp lực gì với Khánh trong chuyện học tập mà chỉ định hướng, tạo điều kiện để con thoả mãn niềm đam mê và phát triển được khả năng của bản thân…

Đường lên đỉnh Olympia do VTV3 sáng tạo năm 1999, và là trò chơi truyền hình lâu đời nhất của VTV. Trong đó mỗi năm có 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý và 1 cuộc thi chung kết năm được truyền hình trực tiếp với 4 điểm cầu được đặt tại các địa phương có học sinh tham dự. 21 năm qua, Đường lên đỉnh Olympia luôn là chương trình truyền hình trí tuệ, tìm ra những người trẻ tài năng, sáng tạo, năng động.

Tổng hợp

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang