Nguyên nhân cũng như cách phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ

(lamchame.vn) - Bệnh tay chân miệng ở trẻ là bệnh truyền nhiễm và cũng không xa lạ với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh tay miệng ở trẻ như thế nào thì không phải ai cũng biết.

Bệnh tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh chân tay miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

nguyen-nhan-gay-benh-tay-chan-mieng-o-tre.jpg

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch nhầy ở mũi họng, dịch từ bọng nước hay phân của trẻ bị bệnh, sử dụng đồ dùng cá nhân chung với trẻ bị tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh chân tay miệng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu:

Trẻ tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ nước mũi, nước bọt của người bệnh trong lúc ho hay hắt hơi.

Trẻ cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính virus gây tay chân miệng, sau đó vô tình chạm vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay kỹ lưỡng.

Người chăm sóc trẻ không rửa tay thường xuyên, khiến virus lây từ bàn tay người lớn sang trẻ nhỏ.

Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh tại Việt Nam. Vì vậy, cha mẹ và gia đình cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cụ thể:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, đặc biệt trước khi nấu ăn; trước khi ăn hay cho trẻ ăn; trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh cũng như khi thay tã và vệ sinh cho trẻ.

Tuân thủ vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; khử trùng sạch sẽ đồ dùng trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tránh tuyệt đối việc nhai mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ mút tay, ăn bốc hay ngậm đồ chơi; không sử dụng chung khăn hay đồ dùng cá nhân khi chưa khử trùng

Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, các khu vực hay đồ dùng trẻ tiếp xúc hằng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, mặt bàn ghế, sàn nhà.... bằng chất tẩy rửa hay xà phòng, tiếp đến tẩy trùng bằng thuốc tẩy có chứa thành phần chlorine pha loãng.

Tránh trẻ tiếp xúc tuyệt đối với người mắc bệnh hoặc đang trong diện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.

Vệ sinh sạch sẽ nhà tiêu, chất thải của người bệnh cần được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng chống bệnh.

Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang