Nguyên nhân và khắc phục da bé bị khô khi trời lạnh

(lamchame.vn) - Vào mùa đông, độ ẩm không khí tương đối thấp. Điều này dễ dẫn đến da bé bị khô. Vậy có cách nào khắc phục?

1. Những dấu hiệu cho thấy da bé bị khô khi trời lạnh

Theo các bác sĩ, da bé bị khô khi trời lạnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở da mặt, khuỷu ở cánh tay và đầu gối chân. Dưới đây là những dấu hiệu da bé bị khô khi trời lạnh cha mẹ có thể tham khảo:

- Da bị bong tróc mỗi khi cọ xát

- Xuất hiện các mảng đỏ bị khô ráp

- Vảy trắng bóc ở rìa của da

- Da thô ráp và có vảy

- Vết nứt nhỏ trên da hoặc có thể bị chảy máu

- Da căng hoặc quá căng

Nguyên nhân và khắc phục da bé bị khô khi trời lạnh - Ảnh 1.

2. Nguyên nhân khiến da bé bị khô khi trời lạnh

Hiện tượng khô da ở trẻ thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Ảnh hưởng bởi thời tiết

Vào mùa đông, không khí thường lạnh và khô, đặc biệt là các tỉnh ở phía Bắc nước ta. Vì vậy da dễ bị mất đi độ ẩm cần thiết và trở nên khô ráp. Ở trẻ nhỏ, da thường mỏng, nhạy cảm, và do chưa "làm quen" được với những thay đổi này nên rất dễ bị khô nhanh.

Cấu trúc da bé chưa hoàn thiện

Trẻ sơ sinh có làn da rất mỏng manh và nhạy cảm. Do cấu trúc chưa hoàn thiện, đặc biệt lớp thượng bì chưa hình thành khiến cho da không có cơ chế phục hồi khi mất nước. Đó là một nguyên nhân quan trọng khiến da bé bị khô khi trời lạnh.

Thói quen sinh hoạt không đúng khiến da bé bị khô khi trời lạnh 

- Mẹ tắm cho bé quá nhiều, hoặc quá lâu khiến lớp dầu tự nhiên trên da của con sẽ bị rửa trôi, lớp dầu này đóng vai trò giữ nước và làm ẩm cho da bé.

- Tắm nước quá nóng: nhiều bà mẹ vào mùa đông sợ con mình bị nhiễm lạnh thường pha nước tắm nóng cho con.

- Chất Clo trong nước sinh hoạt cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến da bé, tốt nhất là các mẹ hay đun sôi và để nguội đến nhiệt độ phù hợp trước khi tắm cho bé.

- Lạm dụng máy sưởi/điều hoà: vào những ngày thời tiết lạnh, các mẹ thường sử dụng máy sưởi hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ cao để làm ấm cho con. Điều này khiến độ ẩm không khí giảm, da bé dễ bị khô hơn.

- Bột giặt không phù hợp: Da của trẻ sơ sinh dễ kích ứng các thành phần của bột giặt mà mẹ thường giặt, hay chất liệu vải của quần áo bé mặc, cũng là có thể gây ra tình trạng khô da ở trẻ.

- Bé mặc đồ len: Đây là loại vải dễ làm tích điện trên da và làm khô da nhiều hơn nên các loại quần áo làm từ len thường mặc ngoài. Các mẹ nên chọn các loại vải như sợi cotton, lụa, vải tre,.. để mặc trong cho bé.

- Sử dụng một số loại lá tắm như lá chè tươi, lá trầu không sẽ làm kích ứng và khô da trẻ hơn

- Sử dụng kem hay dầu dưỡng da cho bé không phù hợp: trong một số loại dầu dưỡng có thành phần hóa học làm ảnh hưởng đến độ ẩm của da bé. Vì vậy, đôi với trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên sử dụng các loại kem hoặc dầu có nguồn gốc 100% tự nhiên và dành riêng cho độ tuổi này.

Nguyên nhân và khắc phục da bé bị khô khi trời lạnh - Ảnh 2.

3. Cách khắc phục da bé bị khô khi trời lạnh

Thay đổi cách tắm cho con

Thói quen tắm nước quá nóng hoặc quá lâu sẽ khiến da bé bị khô. Do đó, đối với các bé sơ sinh chỉ nên tắm 2 - 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 10 phút. Nhiệt độ thích hợp nhất khi tắm cho bé là 37 độ C. Có thể dùng khuỷu tay hoặc nhiệt kế để đo nhiệt độ chính xác. Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng các loại sữa tắm có chứa thành phần hóa học sẽ khiến làn da mỏng manh của bé dễ bị kích ứng.

Dùng máy làm ẩm để khắc phục da bé bị khô khi trời lạnh

Mẹ có thể sử dụng máy làm ẩm để căn phòng luôn đảm bảo nhiệt độ ấm 28 độ C, thông thoáng, không bị thiếu ẩm. Bên cạnh đó cần lưu ý không nên quá lạm dụng máy điều hòa ở nhiệt độ cao và máy sưởi khiến da bé khô.

Dưỡng ẩm da cho bé

Bôi kem dưỡng da thường xuyên sẽ giúp bé không khó chịu vì bị khô, căng da dẫn tới bị nẻ. Điều quan trọng là mẹ cần duy trì thói quen bôi kem cho bé trước khi trời chuyển lạnh, đặc biệt là sau khi bé tắm.

Tắm cho bé xong, bạn lấy một chiếc khăn bông sạch, mềm lau khô da cho bé. Chị em không nên chà quá mạnh khăn vào da bé bởi vì chà mạnh, da bé có thể bị tổn thương. Mát xa cho bé bằng kem dưỡng ẩm chuyên dụng dành cho trẻ.

Mẹ cũng đừng quên chăm sóc môi cho con. Bôi một ít dầu dừa hoặc son dưỡng môi chuyên dụng cho vé sẽ hình thành màng bảo vệ môi trước không khí lạnh và khô. Bạn cũng nên chú ý bôi vùng dưới mũi. Vì có thể bé bị chảy nước mũi, bạn thường xuyên lau sẽ khiến bé bị khô rát dưới mũi. Cho nên dùng kem dưỡng sẽ giúp bé giảm được đau rát.

Mát xa cho da

Bên cạnh những cách khắc phục da trẻ bị khô vào mùa lạnh ở trên, mẹ có thể kết hợp với massage làn da cho con. Có thể sử dụng các loại tinh dầu từ thiên nhiên như: Dầu dừa, dầu oliu, kem dưỡng ẩm… Sử dụng thoa đều lên làn da của bé kết hợp với massage khoảng 10 - 15 phút giúp thẩm thấu nhanh và dưỡng ẩm.

Hạn chế cho con ra ngoài nắng

Khi trẻ ở ngoài trời nắng vào mùa đông, nhiệt độ lên cao, lượng ẩm không khí bị giảm. Điều này dễ dẫn đến việc bé bị mất nước.

Dinh dưỡng cho trẻ

Cho trẻ uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp của con luôn ẩm. Bé bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Mẹ cho con ăn dặm đúng lúc và đúng cách. Điều này nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đồng thời giúp cho hệ miễn dịch cơ thể phát triển tốt.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang