Lời khen đối với người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều vô cùng quan trọng. Nhờ có lời khen, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, hào hứng và thấy rằng công sức của mình bỏ ra đã được ghi nhận. Tuy nhiên, không phải lời khen nào nói ra cũng có tác dụng đúng đắn, đặc biệt là với trẻ nhỏ lại càng cần phải suy xét thận trọng hơn bởi khen ngợi cũng cần có nguyên tắc, nếu không sẽ phản tác dụng và vô tình làm con trẻ bị tổn thương.
Nguyên tắc 1: Khen quá trình chứ không khen vào sản phẩm con đạt được
Ví dụ: Hôm nay con được điểm 10, không nên khen con giỏi quá. Thay vào đó, các bố mẹ nên nói với con: “Con đã rất nỗ lực, lúc con làm bài, bố mẹ thấy con toát hết cả mồ hôi, viết mỏi nhừ cả tay phải không con”.
Việc khen quá trình sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm quan sát và đánh giá nhiều nhất, trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục cố gắng hơn nhiều để được người lớn công nhận, khen ngợi.
Nguyên tắc 2: Không so sánh kiểu "con nhà người ta thì..."
Ví dụ: Không nên khen con, “con ăn nhanh hơn bạn A đó”, hoặc “ con học kém hơn bạn B đó”.
Trẻ con có một kẻ thù vô hình nhưng đáng sợ là "con nhà người ta". Việc bố mẹ hay so sánh với những đứa trẻ khác vừa khiến trẻ có thể tự ti, hoặc kiêu ngạo. Các vị phụ huynh cũng lưu ý hạn chế dùng những từ chê bai, đặc biệt không chê con trước đám đông.
Nguyên tắc 3: Khi khen ngợi, hãy nhấn vào trạng thái của mình thay vì phẩm chất của con
Ví dụ: Không nên khen “con thông minh quá” (đó là phẩm chất của con). Thay vào đó, câu khen hợp lý nhất là: "Con làm được cái này mẹ rất vui và hạnh phúc, mẹ tự hào vì có con" (đó là trạng thái cảm xúc của mẹ).
Không phải đứa trẻ nào cũng giỏi, thông minh, nên nếu được khen nhiều những phẩm chất này, khi ra đời, nếu trẻ làm điều gì không được, không thành công, trẻ có thể thấy những lời khen trái với thực tế và thất vọng về mình, và nghĩ mẹ nói dối mình, mẹ gạt mình
Nguyên tắc 4: Hãy khen cả những điều nhỏ nhặt nhất mà con dường như không/chưa để ý tới
Ví dụ: Bình thường, cứ đến bữa cơm con cứ ngồi chơi, nhưng bỗng nhiên hôm nay con bê giúp mẹ cái nồi cái bát, thì bố mẹ nên lập tức khen ngay hành động này của trẻ.
Trẻ con thường cực kỳ sung sướng khi nhận được lời khen cho những việc làm ngẫu nhiên. Việc khen con cả những thứ con vô tình làm như thế sẽ giúp trẻ hiểu rằng hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.
Nguyên tắc 5: Truyền đạt lại lời khen của người khác đến trẻ
Nên tích cực truyền đạt lại lời của người khác khen con. Đôi khi có thể là mượn lời người khác. Thay vì khen con: “Con rất lễ phép với người lớn”, mẹ có thể mượn lời của bố, hoặc người hàng xóm... khi trò chuyện cùng con: “Hôm nay đi qua nhà bác hàng xóm, bác ấy bảo mẹ, con rất lễ phép, lịch sự, biết chào hỏi người lớn đấy".
Điều này làm lời khen có vẻ khách quan hơn. Con sẽ vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi mọi người khi đi học về.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.