Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 10 trường hợp mắc ung thư do HPV thì có 4 trường hợp là nam giới.
HPV, tức virus papilloma, gây bệnh phổ biến nhất vẫn là ở nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên một số chủng HPV có thể gây ra ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo, ung thư dương vật...
Như vậy, ung thư do HPV tác động đến cả nam lẫn nữ. HPV đã có vắc-xin, tiêm tốt nhất vào giai đoạn niên thiếu tuy nhiên ở nhiều nơi và đối với nhiều người, vắc-xin HPV được mặc định là "vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung" và chỉ khuyến cáo tiêm cho trẻ gái hay phụ nữ trẻ.
"Các loại HPV gây ung thư có thể ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ, thường lây lan ở những người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng" - tờ Medical Xpress dẫn lời phó giáo sư - bác sĩ Devraj Basu từ Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Theo ông, đáng chú ý nhất là ung thư vòm họng do HPV ngày càng tăng, vốn thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn và ở một số nước đã phổ biến hơn cả ung thư cổ tử cung. Xu hướng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
"Chúng tôi vẫn chưa biết vì sao ung thư vòm họng do HPV phổ biến hơn ở nam giới. Ngoài ra, một mối nguy hiểm khác là chúng tôi chưa có công cụ sàng lọc hiệu quả đối với loại ung thư này như ung thư cổ tử cung" - phó giáo sư Basu lo ngại.
Hiện nay phòng ngừa vẫn là phương án tốt nhất để ngăn chặn các loại ung thư trong HPV. Vắc-xin HPV hiệu quả nhất đối với trẻ ở tuổi thiếu niên và giảm dần tác dụng ở người lớn khi tuổi ngày một nhiều. Thống kê tại Mỹ cho thấy chưa đến 1/2 thanh thiếu niên nước này nhận được vắc-xin HPV.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.