Tặng là tên đọc theo tiếng Kinh của cậu bé học lớp 2 tại một bản vùng cao ở Lào Cai. Để được học chữ, mỗi ngày chàng trai nhỏ này phải đi bộ mấy km đường đèo, qua nhiều con dốc dựng đứng. Giữa cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn, nhưng gương mặt em lúc nào cũng bừng sáng những nụ cười hồn nhiên.
Còn cô bé người H'Mông dưới đây là Dúng, đang học lớp mầm non tại một bản vùng cao ở Hà Giang. Đôi gò má bỏng đỏ dưới cái rét trên khuôn mặt ngây ngô, đó là nỗi ám ảnh của em mỗi khi trở trời. Em cũng đi hàng ngày, rất xa, để đến được điểm trường của mình...
Tặng, Dúng, hay Mị... là những học sinh mà Lê Quang Long – một nhiếp ảnh gia 9x (28 tuổi) "bắt gặp" trong hành trình rong ruổi trên những con đường của những vùng cao. Đã 10 năm "lang thang" như thế, có biết bao nhiêu gương mặt, bao nhiêu mảnh đời bé nhỏ, qua ống kính của Long bỗng trở nên thật sống động, chân thật.
Đôi má rét mướt đỏ ửng đó, cả cặp mắt trong vắt to tròn hồn nhiên ngây thơ dù còn thật nhiều thiếu thốn đó... người xem cứ tưởng chừng như đang được đối diện với các em, ở một vùng bản làng xa thật xa.
Đằng sau những tấm ảnh thật lay động, thật thơ là những câu chuyện khác, ý nghĩa, ấm áp...
Nhưng, những rung cảm đó không phải là đích đến cuối cùng của chàng trai Quảng Nam này. Đằng sau những tấm ảnh thật lay động, thật thơ là những câu chuyện khác, ý nghĩa, ấm áp...
Những bữa cơm trưa níu chân trẻ em đến trường
Trong những chuyến đi "làm quen", Long nhận thấy những đứa trẻ miền biên viễn xa xôi ấy, ngoài việc phải vượt những quãng đường dốc xa đôi khi đặc quánh lớp bùn đỏ để cố gắng đi tìm tương lai thì chuyện miếng ăn mỗi ngày còn là một vấn đề nan giải khác.
"Các bé ở đây sẽ mang theo cặp lồng cơm mà ba mẹ chuẩn bị trước để ăn trưa tại trường (toàn cơm trắng và ít rau cải). Có bạn phải đem theo cái ly nhựa để xin cơm của các bạn khác mới có ăn, mỗi bạn một ít để ăn qua buổi trưa, có những hoàn cảnh mà đến tận nơi mình cũng không cầm được lòng".
"Một gia đình có đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khi bữa ăn của các em chỉ là sáng trưa đều ăn bột ngô (còn gọi là mèn mén) để tạm lấp đi cơn đói, đến tối bố mẹ đi nương về thì may ra được thêm chút thịt và cơm trắng. Những bữa ăn thật sự không đáp ứng đủ dinh dưỡng cho các em khi còn đang tuổi ăn tuổi lớn", Long kể.
Bạn nhỏ ở vùng cao Lào Cai không có cơm ăn mang theo, được bạn bè xung quanh san sẻ từng ít một và đựng tạm trong ly.
Muốn giữ chân các em học sinh đến trường, cần phải đi từ bữa ăn trưa. Ý nghĩ ấy đã thôi thúc chàng trai xứ Quảng cùng bạn bè trong nhóm thiện nguyện Những bước chân xanh viết nên hành trình mới về những bữa ăn trưa cho trẻ em vùng cao với dự án "Bếp Hoàng Cầm".
Trước mỗi chiến dịch Long và các thành viên trong nhóm đều phải lên kế hoạch cụ thể, liên lạc với địa phương và tiền trạm nhiều lần. Đường đi dĩ nhiên gặp nhiều khó khăn vì địa phương nhóm hướng đến đa phần ở các vùng núi cao, hẻo lánh và biên giới xa xôi, nơi các đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống. Rồi việc lựa chọn khu vực để xếp mức độ ưu tiên làm điểm đến cũng khó khăn không kém.
Có những nơi nhóm thiện nguyện sẽ nấu một bữa cơm trưa cùng ăn với các em, có những nơi Long và các bạn sẽ lên danh sách để kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, rồi lại vượt hơn nghìn km, qua con đường núi rộng chỉ bằng một sải chân của người lớn để mang bữa cơm ngon đến cho các em nhỏ trong bản.
Thêm 1 điểm trường mới hoàn thành, nghĩa là những em bé ở đây sẽ có được bữa ăn trưa miễn phí trong suốt 1 năm học, niềm động lực mỗi ngày để cho các bé đến trường.
"Có vô vàn cách để làm người tốt. Để giúp đỡ và sẻ chia. Nhưng dường như với hoạt động nấu bếp, chúng mình thấy vui vẻ hơn nhiều. Chúng mình học được nhiều hơn cả những giá trị san sẻ, chúng mình tìm lại được kỷ niệm của chính mình. Những gian bếp chộn rộn ồn ào vui vẻ. Những luồng khói toả đầy không gian, đều có một phần ký ức tuổi thơ của chúng mình".
Có vô vàn cách để làm người tốt. Để giúp đỡ và sẻ chia. Nhưng dường như với hoạt động nấu bếp, chúng mình thấy vui vẻ hơn nhiều.
Được ấp ủ và thực hiện từ tháng 1/2021, đến nay Bếp đã có hơn 46.000 bữa ăn trưa miễn phí cho các bạn nhỏ vùng cao Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai.... Bếp này đóng rồi, Bếp khác mở ra, cứ như thế sẽ giữ mãi được ngọn lửa ấm vun đắp những bữa cơm cho trẻ em vùng cao còn nhiều thiếu thốn.
"Tuổi - trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ - tuổi, mà đó còn là năm tháng đẹp nhất trên đời"
Thay vì tiếp tục hoàn thành chương trình học tập ở một trường đại học nổi tiếng, năm 2012, khi đang học năm cuối, Long quyết định bỏ ngang, bắt đầu đi và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau tại nhiều tỉnh thành trên cả nước để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh.
Trên chặng đường đến với nhiếp ảnh, Long đã đi và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Chàng trai 27 tuổi tâm sự, không biết về sau sẽ ra sao còn hiện tại, mình chưa bao giờ thấy hối hận vì quyết định ngày đó: "Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn được mất, là những bài kiểm tra nhất định phải đưa ra đáp án trong một khoảng thời gian nào đó, cũng có thể là một canh bạc rủi may,... chẳng ai dám bảo trước điều gì".
Long tìm được sự đồng cảm với những đứa trẻ vùng cao này, bởi "xuất phát điểm của chúng giống Long nhiều lắm". Và mỗi khi nhìn hình ảnh với ánh mắt rực sáng của đám trẻ nơi này, con đường đang đi dẫu còn khó khăn nhưng Long luôn thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã góp phần trên hành trình tiếp cận với con chữ.
Nhiếp ảnh gia Lê Quang Long
Hạnh phúc vốn không gần cũng không xa, nó chỉ nằm sau lớp khoảng cách giữa người với người, một khi bóc vỡ ra thì niềm thân ái sẻ chia sẽ trở thành hạnh phúc
"Vượt qua lời xầm xì là “những người vác tù và hàng tổng” để đổi lấy gương mặt ngời sáng cùng nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao, khi các em được ăn bữa cơm đủ và ngon hiếm hoi. Sự đánh đổi là xứng đáng!".
Ngoài dự án Bếp Hoàng Cầm, Long cùng các thành viên trong nhóm còn hoàn thành kế hoạch mang nguồn nước sạch đến với bản làng nằm cheo leo bên vách núi. Hay dự án Thư viện yêu thương hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn cho các em.
Ở cái tuổi hàng hai mươi, ba mươi... chẳng có gì ngoài ngông cuồng, nhiệt huyết và cả sự bấp bênh... Tuy vậy, nói như Long, "dăm ba bước nữa thôi là qua tuổi trẻ. Nên có nhiều người hay hỏi sao lúc này lại phải dốc sức nhiều thế, thì chung quy nói đi nói lại, vẫn là sợ già". Và "Hạnh phúc vốn không gần cũng không xa, nó chỉ nằm sau lớp khoảng cách giữa người với người, một khi bóc vỡ ra thì niềm thân ái sẻ chia sẽ trở thành hạnh phúc".
Những ngày rất dài còn phía trước và tất cả với chàng trai này chỉ mới là bắt đầu mà thôi...
Ảnh: Lê Quang Long
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.