Những câu nói bố mẹ cần tránh để không làm con bị tổn thương

(lamchame.vn) - Dạy con chưa bao giờ là điều đơn giản. Trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm, cách cư cử và những câu nói của cha mẹ có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng tới lòng tự trọng.

Không mắng con quá lâu, không nhắc đi nhắc lại nhiều lần, việc mắng mỏ chỉ có tác dụng trong một, hai lần. Khi diễn ra thường xuyên, cứ hở ra cha mẹ lại buông lời mắng mỏ điều này khiến con nghĩ cha mẹ ghét mình và tạo tâm lý chống đối, tìm cách trốn tránh và nói dối trước mặt cha mẹ để không bị ăn mắng. Chuyên gia, bác sĩ tâm thần Lim Boon Leng tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý Dr BL Lim (Singapore) cho biết: "Những lời trách mắng của cha mẹ chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết thì sẽ có tác dụng răn dạy con nhưng nếu thường xuyên trách mắng và dùng những lời lẽ nặng nề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, tính cách của bé sau này, làm tổn thương tới lòng tự trọng của con trẻ". Dưới đây là những câu nói rất dễ khiến con bị tổn thương mà cha mẹ cần tránh.

'Mẹ chỉ mong con lớn lên không giống như…'

Câu này thực ra cũng là một dạng sỉ nhục trẻ, nhất là khi chúng ta tập trung vào kiểu người mà bạn không muốn con trở thành. Nhà tâm lý học Nancy Irwin cho rằng chúng ta sẽ gặt được những gì chúng ta tập trung vào, cho dù là phê bình. Nếu như bạn cứ tập trung nói rằng con bạn béo, chậm chạp, giống như một người nào đó… điều này sẽ trở thành sự thực.

Phê bình, chỉ trích nhiều khiến trẻ mặc cảm và có tư tưởng chống đối

Thay vào đó, hãy tập trung vào những đức tính tốt mà bạn muốn con bạn có được như sáng tạo, hài hước, thích tìm hiểu, lạc quan. Đừng cứ gài con vào thất bại bằng cách bới móc những điểm yếu của con.

'Con không thể…', 'Con không được phép…'

Bạn có thể giảng giải cho con về những điều hiển nhiên trong cuộc sống. Thế nhưng, khi bạn nói con không được hay không nên làm thứ này thứ kia, những bài giảng của bạn bỗng nhiên tan thành bong bóng, chẳng hạn như 'Con không được chơi với bạn A'. Câu nói này đã làm lòng tự tôn của trẻ bị ảnh hưởng.

Thay vào đó, hãy dành những hạn chế này cho những hành động liên quan đến sự an toàn của trẻ hoặc khi hành động ấy quá nguy hiểm. Mặt khác, nuôi dưỡng lòng ham mê khám phá của trẻ là một phần quan trọng của một tuổi thơ lành mạnh.

“Ngu dốt, con đúng là đồ vô dụng”

Đây là một câu nói mà khá nhiều bố mẹ sử dụng khi con làm gì đó sai hay bất cẩn. Bố mẹ thường nghĩ rằng đây là một câu chỉ dẫn nhưng thực ra lời chỉ trích này mang tính nhận xét phiến diện về toàn bộ con người trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy vô cùng tổn thương và kém cỏi.

Con cảm thấy cô đơn và bị tổn thương

Không có đứa trẻ nào là vô dụng cả. Quan trọng là cha mẹ chưa hướng dẫn trẻ làm việc đúng cách mà thôi. Nếu không hài lòng điều gì ở trẻ, cha mẹ hãy cẩn thận chỉ bảo cho trẻ để trẻ làm tốt hơn và đừng quên một vài lời động viên tới trẻ. Hãy nói với con rằng: "Bình thường bố/mẹ thấy con làm rất đúng nhưng tại sao bây giờ con lại như thế này?"

“Im ngay! Tại sao con cứ không chịu nghe lời”

Khi trẻ muốn giải thích một điều gì đó, cha mẹ thường có xu hướng quát trẻ “Im ngay!”. Điều này sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ rằng cha mẹ không tôn trọng mình.

Ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình. Do đó, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe trẻ nói thay vì cấm trẻ được phát ngôn. Hãy tưởng tưởng, khi bạn bị ai đó bảo “im ngay” khi đang nói hay giải thích một điều gì đó, cảm giác của bạn sẽ ra sao?

“Mẹ ước gì con giỏi/ ngoan giống anh/chị con!”

Bà Julie Gurner, chuyên gia về bệnh học tâm thần người lớn, nói rằng câu nói này bà nghe nhiều nhất từ bệnh nhân của mình. Câu nói như bóng ma ám ảnh từ tuổi thơ ám chỉ rằng không ai trông mong đứa trẻ. Đừng so sánh con vowiss bất kỳ ai. Thay vào đó, hãy cho con biết rằng bạn yêu con vì con là một cá thể khác biệt.

Cách "lên lớp" của nhiều phụ huynh khiến trẻ oán giận

Việc so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy mình thấp kém hơn, ảnh hưởng nặng nề tới lòng tự trọng của trẻ. Câu nói này cũng vô tình khơi gợi sự ganh đua, ghen ghét, đố kị trong lòng trẻ vì bị đem ra để so sánh. Trẻ sẽ chuyển sự oán giận của mình lên anh/chị vì trẻ cho rằng vì anh/chị quá giỏi nên bố mẹ mới nói với mình như thế. Vì vậy, nếu trẻ không được như anh/chị của chúng thì hãy nói rằng bố/mẹ biết rằng con sẽ tốt hơn và có tiến bộ hơn chứ không chỉ dừng lại ở đây.

“Con là đứa trẻ hư hỏng” và “Con hư quá”

Khi con cư xử không như bạn mong muốn, bạn đã nói ra câu này mà không biết rằng mình đã dán chữ hư lên con. Chuyên viên trị liệu hôn nhân và gia đình Lori Freson cảnh báo rằng: “Tôi dám cá với bạn rằng nếu như con bạn tin rằng mình hư, cách cư xử của con sẽ ngày càng tệ hơn”.  Thay vào đó, nếu con ăn vạ ở nơi công cộng, hãy nói với con rằng gây ồn ở nơi đấy không phải là lựa chọn tốt. Không nói con hư chỉ vì con gây rối.

Nỗi buồn của trẻ khi bị mắng mỏ, chỉ trích

“Con đừng khóc lóc/lười biếng như vậy!”

Khi có chuyện gì đó không vui khiến con khóc hoặc buồn bực, đừng vội coi thường cảm xúc của trẻ và dùng những lời lẽ không hay để làm tổn thương con. Chuyên gia, bác sĩ tâm thần Lim cho hay khi cha mẹ đưa ra những câu nói, bình luận mang tính hạ thấp về hành vi của con thì chỉ khiến trẻ trở nên kém tự tin vào bản thân hơn, lòng tự trọng của trẻ cũng bị tổn thương. Sự tự ti có thể tiếp tục đeo đẳng trẻ cho tới tuổi trưởng thành và ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của trẻ.

Đừng bắt trẻ nín khóc mà cần hiểu rõ cảm xúc trẻ

Việc bắt trẻ phải nín khóc và không được bày tỏ cảm xúc như hờn giận chính là cha mẹ đang cố kìm nén cảm xúc của con, bắt con phải che giấu cảm xúc thật. Điều này có thể dẫn đến cảm xúc bị chai lì hoặc bùng phát cảm xúc một cách không thể kiểm soát, thậm chí là chứng rối loạn cảm xúc ở trẻ sau này.

“Biết con hư thế này, mẹ đã chẳng sinh ra con” hoặc “Mày không phải con tao, con tao không có ngữ nào ngu dốt như mày”

Trẻ sẽ tin rằng bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Rất nhiều em sẽ bị ám ảnh và không bao giờ quên được câu nói này của bạn. Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.

Cần giảng giải cho con hiểu điều hay ý tốt

Nếu bạn có thói quen phàn nàn những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất bạn nên nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi với con về những điều bạn chưa hài lòng sau.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang