Sáng 21/7, TAND TP HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) và Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, người tình của Thái) trong vụ bạo hành khiến bé N.T.V.A (8 tuổi, con riêng của Thái) tử vong. Tại tòa, luật sư Nguyễn Anh Thơm và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại) đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm xác định tỉ lệ thương tật của bị hại trong các ngày 7,10,11 và 12/12/2021; Xác định bị cáo Thái đồng phạm với bị cáo Trang về tội "Giết người".
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng, kiến nghị của các luật sư về giám định thương tật bổ sung đối với cháu V.A là có căn cứ nên đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Chia sẻ về quyết định của HĐXX, luật sư Nguyễn Anh Thơm- Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, căn cứ khoản 2 (Điều 174, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) quy định thời hạn điều tra bổ sung như sau: "Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần".
Trong trường hợp Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm xác định đúng tội danh, hành vi phạm tội của các bị cáo mà Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa vẫn có thể xét xử bị cáo về một tội danh khác nặng hơn.
Cụ thể, căn cứ Điều 298 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) quy định về "Giới hạn của việc xét xử của Tòa" như sau: "Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử; Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố; Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó".
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra có thiếu sót không trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích do các đối tượng gây ra trước ngày cháu bị giết chết là bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ, tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi đã nêu trên cơ thể cháu có rất nhiều các vết thương cũ (từ 02 đến 25 ngày) rất nghiêm trọng, dẫn đến cái chết, là "yếu tố cộng thêm" dẫn đến cái chết của cháu V.A vào ngày 22/12/2021. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá tính nguy hiểm và làm căn cứ định tội "Giết người" của Nguyễn Kim Trung Thái.
"Hành vi của Thái đã thỏa mãn tội "Giết người" với vai trò đồng phạm. Bởi lẽ, Thái nhận thức rõ việc Trang sử dụng hung khí là cây, roi để đánh cháu A nhiều lần liên tiếp vào các vùng trọng yếu trên cơ thể, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu. Tuy nhiên Thái không nghĩ đến hậu quả sẽ xảy ra nên bỏ mặc cho Trang "dạy dỗ" theo cách của Trang với cháu V.A", luật sư Thơm phân tích.
Cũng theo luật sư Thơm, bị cáo Thái thống nhất ý chí với Trang hành hung cháu trong suốt thời gian dài (kể từ ngày 7- 22/12/2021). Thái lạnh lùng chứng kiến trực tiếp tại nhà; có lúc Thái đưa hung khí cho Trang hoặc cùng Trang tham gia đánh cháu; có lúc Thái gián tiếp thấy cháu bị Trang đánh tàn ác (vào hồi 15 giờ 42 phút qua camera kết nối với điện thoại của Thái) nên bản chất hành vi phạm tội không thay đổi.
Theo đó, căn cứ Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao có nội dung hướng dẫn nghiệp vụ định tội danh: "Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn".
Đối chiếu hướng dẫn này, bị cáo Thái và Trang đã cùng có một hành vi tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) hành hung, đánh cháu tử vong trong một thời gian dài đã thỏa mãn nhiều tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Nhưng theo nguyên tắc thu hút tội danh thì cần phải áp khách thể cao nhất định tội danh là tội "Giết người" do cháu bé bị tử vong.
"Công lý sẽ được thực thi, tội ác của chúng sẽ bị trừng trị nghiêm minh nhất là mong muốn của mọi người dân trong xã hội. Để có căn cứ định tội danh đúng đối với bị can Nguyễn Kim Trung Thái và trên cơ sở kết luận giám định bổ sung tỷ lệ % thương tích của cháu V.A, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan tố tụng cần thay đổi danh từ tội "Che giấu tội phạm" theo Điều 389 (BLHS) sang tội "Giết người" theo Điều 123 (BLHS)", luật sư Thơm chia sẻ.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.